Hiện tại, nhiều địa phương đang cho học sinh các cấp học trực tuyến. Mặc dù đã được làm quen, song một số trường còn khá loay hoay. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một số trường đã xem dạy học online là biện pháp linh hoạt, có thể thay thế được học tập trực tiếp khi cần thiết.
Ứng dụng công nghệ vào việc dạy và học
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hệ thống trường liên cấp Newton đã chú trọng việc đưa bài giảng điện tử vào giảng dạy 100% ở tất cả các khối lớp. Hơn 10 năm qua, nhà trường đã xây dựng và tích luỹ một thư viện bài giảng điện tử khổng lồ của tất cả các môn học và các khối lớp. Nhờ cơ sở dữ liệu và kinh nghiệm áp dụng như vậy, đây là lợi thế của Hệ thống trường liên cấp Newton trong tình hình dạy và học online.
Tương tự, tại Trường THCS Thực nghiệm Victory, NGƯT Lê Tiến Thành - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ khi bắt đầu năm học mới, nhà trường đã sẵn sàng triển khai việc dạy học với hai kịch bản. Dạy trực tiếp nếu được phép và dạy online nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Giáo viên được tập huấn chuyên môn cho dạy học trực tuyến, chuyển giáo án dạy trực tiếp sang giáo án dạy trực tuyến ở tất cả các khối lớp hình thành mô hình trường học trực tuyến thông minh. Giáo viên phối hợp chặt chẽ với Phụ huynh học sinh đồng thời rèn nếp tự học và phân hóa nhóm học sinh cũng như thường xuyên kiểm tra, tăng cường bài tập về nhà phù hợp với trình độ và mục tiêu của học sinh… Bên cạnh đó, để đảm bảo cơ sở hạ tầng cho năm học mới, nhà trường cũng áp dụng nhiều nền tảng công nghệ mới trong dạy và học.
Tại Hệ thống giáo dục Alpha, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bắt đầu từ năm học trước 2020 - 2021, các phương án dạy học trực tuyến đã được kích hoạt, giúp cho việc học của học sinh không bị gián đoạn. Bằng việc áp dụng các hệ thống nền tảng hỗ trợ học tập: Kênh tương tác MS Team; Phần mềm báo cáo quá trình học tập, kết nối với cha mẹ học sinh EcoStudy; Hệ thống kiểm tra đánh giá online 789... Trong năm học 2021 - 2022, bên cạnh việc kế thừa những điều đã làm tốt từ năm học trước, đội ngũ Ban điều hành nhà trường đã quyết tâm đầu tư, dành nguồn lực, nghiên cứu và tiên phong trong việc xây dựng trường học trực tuyến với hệ thống quản lý học tập mang tên Megaschool, nhằm giúp học sinh có thể tương tác bài giảng, kiểm tra việc tiếp thu kiến thức ngay trong quá trình học tập hoặc bằng các bài kiểm tra tổng hợp…
Thích ứng tốt để triển khai lâu dài
Nói về khó khăn khi triển khai dạy và học online kéo dài, lãnh đạo Hệ thống giáo dục Alpha cho biết: Đối với nhà trường, khó khăn nhất là quản lý và kết nối toàn bộ đội ngũ. Bên cạnh đó là đảm bảo một nền tảng và hệ thống công nghệ được vận hành ổn định, công cụ/thiết bị phù hợp, phục vụ triển khai trong quá trình dạy học trực tuyến. Ngoài ra là kết nối với học sinh và các gia đình. Việc học online kéo dài khiến nhà trường đối mặt với sức ép từ cha mẹ học sinh, cân đối thời gian biểu/kế hoạch học tập phù hợp, học phí trong giai đoạn học online.
Đối với giáo viên, khó khăn trong việc thích ứng với việc áp dụng công nghệ vào dạy học. Việc soạn giáo án, số hoá bài giảng, các công cụ hỗ trợ học tập thay đổi khiến mỗi giáo viên phải nhanh chóng thích ứng và học hỏi…
Khắc phục những khó khăn trên, nhà trường đã phải làm việc gấp nhiều lần để nhanh chóng thích nghi và có phương án học tập phù hợp cho học sinh, giúp các em luôn có một môi trường truyền cảm hứng, tạm quên đi những trở ngại để luôn tập trung vào những điều tích cực “tạm ngừng đến trường nhưng không có nghĩa là dừng học”. Ví dụ, giải đáp thắc mắc, chia sẻ những điều nhà trường nỗ lực thực hiện trong năm học để các học sinh luôn có niềm hứng khởi, sự thích thú trong học tập. Lắng nghe những góp ý từ cha mẹ học sinh để dần dần hoàn thiện kế hoạch và chương trình học tập. Ngoài ra còn thành lập đội ngũ hỗ trợ công nghệ, bám sát việc giảng dạy để ứng phó với các tình huống xảy ra trong quá trình dạy học của giáo viên…
NGƯT Lê Tiến Thành cũng đồng tình: Khó khăn khi dạy học online là học sinh lúc nghỉ, lúc học kiến thức rơi rụng nhiều. Nền nếp, thói quen học tập bị phá vỡ. Thời lượng học tập giảm, các thí nghiệm không được triển khai, hoạt động trải nghiệm bị cắt giảm, bài toán chất lượng là thách thức lớn. Giáo viên chịu nhiều sức ép, mâu thuẫn giữa điều kiện và chất lượng ngày càng cao… Biện pháp khắc phục của nhà trường là tạo tâm thế thoải mái cho học sinh qua từng tuần học. Thời gian đầu để các học sinh làm quen với thầy cô và các bạn, nội quy học trực tuyến, cách học trực tuyến. Nội dung kiến thức học vừa phải, tập trung vào rèn nền nếp, dạy học sinh cách học, phương pháp dạy học linh hoạt, hình thức phong phú để học sinh thấy học vui và thích học.
Dạy học online, nhà trường thường giảm lượng bài tập, giảm thời lượng học mỗi tiết (40 phút/ tiết với THCS, 30 phút/ tiết với Tiểu học và 25 phút/tiết với lớp 1) để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho học sinh. Hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài trước ở nhà qua đọc sách, trải nghiệm thực tế, có thêm phiếu học tập, bài tập bằng bản cứng để học sinh giảm thời gin tiếp xúc với máy tính. Có kế hoạch bù kiến thức để đảm bảo chất lượng cuối năm. Có thêm các dự án có tính thực tế cao để học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức vào cuộc sống thực tại gia đình.
“Học online là thiệt thòi lớn cho học sinh, trước hết là sức khỏe, nhất là thị lực, sau đó là thách thức về chất lượng. Không thể nói chất lượng dạy online bằng dạy trực tiếp, vì thế thầy cô và cha mẹ cần thông cảm và yêu thương học sinh hơn. Không nóng vội, máy móc chạy theo phân phối chương trình, kế hoạch năm học để dồn ép, áp đặt tạo tâm lí căng thẳng làm các con chán học, sợ học. Với học sinh học phải vui, các em phải thích học. Về phía cha mẹ học sinh, trong thời kì bệnh dịch vốn đã có nhiều bức xúc trong cuộc sống, kinh tế gia đình dễ nổi nóng là điều dễ hiểu. Nhà trường phải bình tĩnh kiên trì giải thích để phụ huynh hiểu rõ mục tiêu, giải pháp của nhà trường. Đa số phụ huynh khi hiểu rõ sẽ đồng hành với nhà trường” - ông Thành nói.
Khắc phục nghẽn mạng khi dạy học trực tuyến
Chia sẻ với báo chí, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDÐT) cho biết: Hiện nay, dạy học trực tuyến đang gặp phải 2 khó khăn lớn. Đó là đường truyền Internet và thiết bị học tập trực tuyến của học sinh. Tháng 9, cả nước có hơn 2.000 điểm chưa có kết nối Internet di động (vùng lõm sóng), chi phí cho cước Internet di động còn cao khi học sinh học trực tuyến (vì phần nhiều là dữ liệu video).
Trước tình hình đó, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp chỉ đạo các nhà mạng viễn thông có giải pháp nâng cao băng thông và chất lượng Internet, có chính sách ưu đãi về Internet cho giáo viên và học sinh trong tổ chức dạy học trực tuyến. Theo kế hoạch, đến hết năm 2021 sẽ không còn điểm lõm sóng trên toàn quốc; ngay trong tháng 9 phủ sóng đến 100% các điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 (283 điểm).
Để đảm bảo phần mềm dạy học, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông huy động các doanh nghiệp hỗ trợ phần mềm miễn phí cho giáo viên. Ngoài ra, giáo viên cũng đã tiếp cận nhiều phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến phổ biến trên thế giới như hệ sinh thái của Google (với Google Meet, Google Classroom...), hệ sinh thái Office 365…