Hà Nội nới lỏng giãn cách, nhiều gia đình, bố mẹ đã đi làm trở lại, trong khi trẻ con vẫn chưa đến trường. Vừa đi làm, vừa phải để mắt tới con cái ở nhà khiến không ít phụ huynh bị áp lực.
Cân bằng giữa việc nhà, việc cơ quan đang là lo lắng của phụ huynh, nhất là thời gian vừa qua đã có 1 số vụ tai nạn thương tích trẻ em xảy ra khi các em ở nhà do bất cẩn của người lớn.
Áp lực giữa công việc và gia đình
“Mẹ ơi, con lại bị thoát ra khỏi lớp học”, “Con không nghe được tiếng cô giáo giảng bài, con không biết chỉnh mạng thế nào”, từ khi đi làm trở lại, mỗi ngày chị Nguyễn Kim Chi (quận Đống Đa, Hà Nội) nhận hàng chục cuộc điện thoại thắc mắc như thế về việc học online của con gái.
Con gái chị Chi năm nay học lớp 2, dù đã quen với việc học online nhưng khi đường truyền mạng kém, lại ở nhà một mình không có ai hỗ trợ nên con bé rất luống cuống. Những lúc như vậy, chị Chi chỉ biết động viên con bình tĩnh.
Gia đình chị Chi ở xa ông bà nên những ngày vợ chồng chị đi làm trở lại, trong khi con vẫn tiếp tục học trực tuyến, việc bố trí trông con, hỗ trợ con học là cả một vấn đề. Chị Chi cho biết, anh chị phải chia giờ vừa làm, vừa tranh thủ chạy về nhà để trông con, dạy con học.
Nhà có 2 con nhỏ, đứa lớn học lớp 5, đứa bé mới tuổi mẫu giáo nên khi đi làm trở lại, chị Nguyễn Hoài Phương (quận Ba Đình) không yên tâm khi để hai con tự chăm nhau ở nhà. Trước khi Hà Nội chưa thực hiện giãn cách, bọn trẻ có bà nội trông nom nhưng đợt này, bà về quê chưa thể lên giúp khiến mọi sinh hoạt trong gia đình chị Phương bị xáo trộn.
Áp lực phải lo toan giữa công việc và con cái, nhất là thời gian vừa qua đã có 1 số vụ tai nạn thương tích trẻ em xảy ra khi các em nghỉ học ở nhà khiến các bậc phụ huynh càng thêm căng thẳng. Nhiều gia đình ở vùng an toàn chia sẻ rằng, họ mong ngóng ngày con được trở lại lớp học.
Cách đây ít ngày, Adecco Việt Nam-một trong những nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng, thuê ngoài nhân sự uy tín của Việt Nam đã công bố kết quả kháo sát toàn quốc về việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống của các bậc cha mẹ đang đi làm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Kết quả khảo sát với 390 người tham gia cho thấy, 40% người tham gia nói rằng họ có “khối lượng công việc nhiều hơn trước”, 48% phải thay đổi thói quen làm việc hàng ngày và 41% cần làm việc ngoài giờ hành chính để hoàn thành trách nhiệm công việc và gia đình. Kết quả khảo sát nhấn mạnh rằng các bậc cha mẹ đi làm đang kiệt sức để sắp xếp công việc và gia đình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Tăng cường trang bị kỹ năng cho con
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó Giám đốc bộ phận Tuyển dụng, Văn phòng TP Hồ Chí Minh, Adecco Việt Nam chia sẻ rằng, ngoài một số lợi ích nhất định như chế độ làm việc linh hoạt vốn có thể áp dụng cho mọi nhân viên, người sử dụng lao động có thể xem xét thêm các phúc lợi đặc biệt hướng đến các cha mẹ đi làm như là trợ cấp chăm sóc trẻ em, quà tặng cho Ngày Thiếu nhi, hoặc chế độ nghỉ phép riêng cho cha mẹ.
Đồng thời, bộ phận Nhân sự có thể đưa các chủ đề liên quan đến gia đình vào các sự kiện của công ty để thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của các bậc cha mẹ đi làm. Khi bước vào “bình thường mới”, doanh nghiệp có thể tổ chức các sự kiện như ngày gia đình hoặc các đợt thăm văn phòng dành cho các bé.
Trao đổi với phóng viên, TS Tâm lý giáo dục Trần Thị Thìn, nguyên giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ An nêu quan điểm, các ông bố nên san sẻ gánh nặng chăm sóc con cái và việc nhà cho các bà mẹ. Bên cạnh đó các gia đình phải sắp xếp việc cơ quan, việc nhà phải khoa học hơn trước. Về phía các cơ quan, tổ chức, thời điểm này cần tạo điều kiện, hỗ trợ người lao động, bố trí, giao việc hợp lý, kết hợp vừa làm tại cơ quan, vừa làm tại nhà.
Trước lo lắng của phụ huynh trong bối cảnh giáo dục trực tuyến, nhất là những phụ huynh có con năm nay học lớp 1, TS Nguyễn Quang Tiệp, Trưởng Bộ môn Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc đồng hành với các con, cha mẹ cần tăng cường trang bị kỹ năng sống cho trẻ.
Học trực tuyến đòi hỏi các con tự lập cao hơn vì vậy, theo TS Nguyễn Quang Tiệp, cha mẹ nên dần dần để các con tự làm việc nhà, nắm bắt và thực hiện các nhiệm vụ học tập, sử dụng và thao tác công nghệ, rèn luyện các kỹ năng tự phục vụ khác. Trẻ tự làm việc chủ động là cơ hội để trẻ trưởng thành hơn.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến khó lường, Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản gửi các phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã; các cơ sở giáo dục về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND thành phố.
Theo đó, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, các cơ sở giáo dục tiếp tục dạy học bằng hình thức trực tuyến. Thường xuyên sử dụng kho học liệu điện tử nhằm đáp ứng mục tiêu “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.