Giáo viên, học sinh tại nhiều địa phương có chung phản ánh, những ngày qua luôn gặp sự cố đường truyền, mạng liên tục bị rớt khiến cho việc dạy và học gặp khó khăn.
Chập chờn trực tuyến
Ghi nhận sau 4 ngày học trực tuyến, nhiều nơi mạng bị treo, rớt liên tục. Chị Hoàng Thu Hằng ở Khu đô thị Mỹ Đình 2 (Hà Nội) chia sẻ, chị có 2 con học lớp 1 và lớp 2 trực tuyến cùng lúc. Khi các con học, hai vợ chồng phải luân phiên nhau trợ giúp con bởi mạng liên tục trục trặc.
Cháu học lớp 2 còn khả quan - bởi đã quen với hình thức học trực tuyến. Nhưng cháu nhỏ học lớp 1 lần đầu học qua mạng thì rất chật vật, nào là chưa có sách giáo khoa, thiếu dụng cụ học tập, chưa tự kết nối mạng. Thỉnh thoảng bị “văng” ra khỏi lớp, cháu nhỏ học lớp 1 lo cô giáo mắng, cứ ngồi khóc lóc sụt sùi.
Theo chị Hằng, việc học trực tuyến với học sinh tiểu học nên giảm thời lượng chương trình tối đa có thể, chỉ tập trung dạy những kiến thức cơ bản nhất.
Giáo viên dạy trực tuyến tiểu học cũng luôn trong tình trạng căng thẳng. Các cô vừa phải hướng dẫn học sinh, hướng dẫn riêng các phụ huynh, vừa phải trả lời chung phụ huynh trên nhóm lớp, vừa phải giữ ổn định trật tự lớp học…
Cô giáo Bích Duyên - Trường Tiểu học An Khánh B (Hoài Đức - Hà Nội) chia sẻ, không thể nêu hết khó khăn với cô trò trong giai đoạn học trực tuyến này. Đơn cử như không phải gia đình nào cũng có không gian riêng cho con học. Tiếng ồn, tiếng tạp âm bên ngoài vẫn ảnh hưởng tới giờ học của trẻ. Quan điểm của cô Duyên là mong được giảm tải kiến thức cho học trò; học sinh lớp 1 trước hết chỉ cần đạt được yêu cầu tối thiểu là biết đọc, biết viết, biết làm phép toán đơn giản là đủ.
Theo khảo sát nhanh Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.
Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này, do đó có một số tỉnh lùi thời gian học đối với cấp tiểu học.
Xung quanh tình trạng sự cố mạng khi học sinh học trực tuyến nêu trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) nhận định: Hiện tại nhiều giáo viên, nhiều nhà trường vẫn còn thực hiện quá cứng nhắc trong việc dạy học trực tuyến, xếp thời khóa biểu dạy học trực tuyến như dạy học trực tiếp, dẫn tới nghẽn mạng, quá tải cho học sinh, khó khăn cho phụ huynh khi cần hỗ trợ con học vào khung giờ bố mẹ phải làm việc.
Không gây áp lực với trẻ nhỏ
Tại cuộc họp mới nhất (chiều 8/9) giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo Bộ GDĐT, Hội Khuyến học Việt Nam, đại diện các đài truyền hình, kênh truyền hình Trung ương… bàn giải pháp đẩy mạnh dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định, tất cả những địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ sẽ có điều chỉnh về thời gian kết thúc năm học và phương pháp thi hết cấp, đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, trên tinh thần tạo điều kiện tối đa, không để các học sinh thiệt thòi.
Trước ý kiến cần tiếp tục chú trọng giảm tải khi thiết kế các chương trình học trực tuyến, học qua truyền hình, đặc biệt ở bậc tiểu học, tránh hình thức, hời hợt hoặc quá căng thẳng, ông Sơn cho biết, trước mắt giáo viên không thực hiện việc kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình đối với học sinh lớp 1, lớp 2.
Liên quan đến vấn đề dạy - học và đánh giá học sinh lớp 1, lớp 2 những ngày qua, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội đã nhấn mạnh yêu cầu: Các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi đối với học sinh lớp 1, lớp 2; sắp xếp thời khóa biểu khoa học, không gây áp lực đối với học sinh; ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán; lựa chọn các nội dung dạy học phù hợp với hình thức dạy trực tuyến.
TS Nguyễn Quang Tiệp, Trưởng bộ môn Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng với học sinh tiểu học còn quá nhỏ, khi thiết kế bài học trực tuyến giáo viên cần lượng hóa nội dung trọng tâm của bài học. Nội dung trọng tâm này có thể chỉ chuyển tải tới học sinh trong vòng 10-15 phút ở thời điểm sự tập trung chú ý của trẻ ở mức cao nhất trong tiết học.