Nhiều cuộc khảo cổ học đã chứng minh thời đại Hùng Vương không phải là thời kỳ huyền sử. Trước nay, nhiều người biết đến thời đại Hùng Vương qua các sách sử. Còn thời đại đó qua các bản ngọc phả như thế nào thì chưa rõ.
Vì vậy, NXB Dân Trí vừa xuất bản cuốn “Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả” của các tác giả Nguyễn Đức Tố Lan, Thích Tâm Hiệp, Nguyễn Đức Tố Huân (nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền Miếu Việt) để bổ khuyết thêm thông tin về thời đại Hùng Vương.
Bìa cuốn sưu khảo Hùng Vương Thánh tổ ngọc phả.
Mỗi dịp đến ngày giỗ Tổ, nhiều người con Lạc cháu Hồng về đền Hùng dâng nén hương thơm bày tỏ tấm lòng thành kính lên tiên tổ ngàn đời của dân tộc. Nhiều người không biết, trong ngôi đền thiêng ấy có cuốn “Ngọc phả” được thờ. Ngọc phả Hùng Vương được coi là cuốn “Thiên thư” (sách Trời) thiêng liêng mà ông cha đã để lại. Sách ấy lưu giữ những dấu chỉ cho con cháu về sau lần tìm ra đường về nguồn cội.
Từ nhiều ngàn năm lịch sử của dân tộc ta, không phải ai cũng được đọc các gia phả hay tộc phả ấy trong gia đình. Tộc phả phải do người đứng đầu tộc họ cất giữ, thờ phụng và trao truyền hay tu chỉnh khi bị hư hỏng. Cuốn “Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả” tại đền là nhằm để nói lên giá trị lịch sử ấy. Giá trị lịch sử của tổ tiên tiền nhân khai sáng trải dài qua nhiều ngàn năm của dân tộc Đại Việt. Những dòng ghi chép trong ngọc phả đều được các triều đại phong kiến biên chép cẩn thận, đều dựa trên những “trao truyền” các thế hệ chứ không phải sáng tác, là huyền sử.
Dưới triều Lê, với tư cách Nhà nước, tất cả các di tích đền miếu khắp trên nước ta lúc ấy, thần tích (lịch sử) các danh nhân, các anh hùng là các vị tiên hiền thánh tổ 5.000 năm qua của nước Việt được viết lại dưới dạng Ngọc phả. Chính ngọc phả thời đại Hùng vương cũng đã được các nhà làm sử như Lê Văn Hưu (thời Trần), Ngô Sĩ Liên (thời Lê) tham cứu khi soạn Đại Việt sử ký và Đại Việt sử ký toàn thư. Tuy Đại Việt sử ký toàn thư xếp những trang viết về thời kỳ Hùng Vương vào phần “ngoại kỷ” nhưng điều đó thể hiện những thông tin của về thời kỳ Hùng Vương đã được coi là chính sử của Quốc gia.
Theo tác giả Thích Tâm Hiệp: Cuốn sách sưu khảo được dựa trên ngọc phả tại đền Văn Luông (nay thuộc phường Vân Phú, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tại sao như vậy?. Bởi lẽ đây là đền còn lưu giữ được đầy đủ các bản văn về Hùng Vương thánh tổ so với các đền khác cùng thờ Hùng Vương.
Cuốn sách sưu khảo Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả gồm 240 trang, in 4 màu với những nội dung quan trọng.
Theo ghi chép của Ngọc phả Hùng Vương, từ thời Thục An Dương đã giao cho thôn Cổ Tích, nay ở xã Hy Cương, Việt Trì, làm “trưởng tạo lệ”, lo việc hương hỏa, phụng sự cho đền thờ Hùng Vương Thánh tổ trên núi Nghĩa Lĩnh. Các huyện, các châu khác có trách nhiệm đóng góp công điền, sưu thuế hàng năm phục vụ việc thờ các vua Hùng. Ngọc phả về Hùng Vương Thánh tổ đã được các vị học sĩ Hàn lâm viện của nhà nước phong kiến biên soạn qua một số lần và được lưu giữ tại thôn Cổ Tích và đền Hùng. Các cuốn Ngọc phả của đền Hùng cũng đã được các thôn xã khác của vùng đất tổ Phong Châu sao chép, lưu giữ và thờ cúng.
Tập sách sưu khảo này cung cấp các tư liệu ngọc phả về Hùng Vương được lưu truyền ở ngôi đền cổ “Hùng Vương từ” tại thôn Vân Luông của thành phố Việt Trì. Các tư liệu được nghiên cứu khảo sát trên các bản gốc chép tay trên giấy dó lưu giữ tại Ban Quản lý di tích đền Vân Luông, kết hợp đối chiếu với bản sao năm Bảo Đại thứ 33 (1938) được lưu trong Thư viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đền Vân Luông hiện còn lưu được kiến trúc cổ từ thời Nguyễn, chưa trùng tu, xây mới. Cách bài trí ban thờ trong cấm cung ở đây gồm ban chính thờ 3 vị vua Hùng là Đột Ngột Cao Sơn, Viễn Sơn và Ất Sơn. Ban bên phải thờ 2 ngai vị, tuy cùng ghi là Bản thổ đại vương, nhưng có thể đây là bài vị cho 2 công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung tương tự như cách thờ ở đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và nhiều nơi khác thờ Hùng Vương ở Phú Thọ.
Trong sách, các tác giả đã dịch những tài liệu đền lưu giữ được như: “Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền” soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (năm 980, thời Vua Lê Đại Hành). Bản chữ Nho ghi chép 18 chi Hùng Vương gồm đầy đủ từ tên hiệu, tên truy phong, ngày sinh, ngày mất, số đời vua kế truyền, số cung phi, con trai, con gái, hoàng tôn và cháu chắt. Đồng thời cũng ghi chép mức thuế mỗi suất đinh phải đóng vào thời này. Nội dung “Hùng Vương tự lệ” ghi chép về các huyệt mộ và lệ thờ Hùng Vương. Bản chữ Nho, không rõ niên đại. Tài liệu “Nam Việt Hùng Thị sử ký”, bản chữ Nho do Hàn lâm học sĩ Quốc tử giám Nguyễn Đình Chấn soạn. Đây là một tập hợp các câu chuyện xảy ra dưới thời Hùng Vương, đã được sắp xếp vào những thời Hùng Vương nhất định, từ Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ tới khi Hùng Duệ Vương nhường ngôi và Thục An Dương Vương lập cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh. Tài liệu “Văn chào” bản chữ Nôm, dùng để cúng ở lăng thờ Sơn Tinh trước đền. Ngoài ra là các sắc phong của đền Vân Luông.
Theo tác giả Thích Tâm Hiệp: Ngọc phả Hùng Vương chính là tóm tắt quốc sử thời kỳ xa xưa nhất được dân gian lưu truyền lại qua hàng ngàn năm cho tới ngày nay. Ngọc phả hoàn toàn không phải là cuốn sách ghi những chuyện khó tin hoang đường. Điều quan trọng chính là những dấu chỉ của ông cha để lần tìm về lịch sử thông qua những chi tiết tưởng như không thể có thật.
Thờ cúng Hùng Vương là tục thờ đã có ngay từ buổi đầu và hiện vẫn còn hiện diện ngay trong từng ngôi nhà của mỗi người Việt. Từ Tổ Bách nghệ, Thần Nông, Ngọc Hoàng thượng đế... Họ là ai mà nhiều ngàn năm nay ông cha ta truyền dạy con cháu phải kính thờ? Ông cha ta có nhầm, có sai không? Đây chính là điều mà chúng ta cần nghiêm túc tìm hiểu và hiểu cho đúng.