PV Đại Đoàn Kết Online đã có những trao đổi với luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về vụ việc.
Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, pháp luật ghi nhận và bảo vệ quyền tự do thân thể của công dân, quyền bất khả xâm phạm về danh dự nhân phẩm.
Do đó, trường hợp công dân bị xâm hại tình dục thì có quyền làm đơn tố giác đến cơ quan có thẩm quyền, nếu xác minh có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm.
"Tuy nhiên, đối với vụ việc trên, theo nội dung bức thư ngỏ của nhà thơ nữ, chị đã bị cưỡng dâm nhiều lần từ tháng 7/1999 - 4/2000, thậm chí dẫn đến việc mang thai. Tuy nhiên, sự việc xảy ra cách đây 23 năm nên đã hết thời hiệu truy tố hình sự để chứng minh hành vi này", luật sư khẳng định.
Cụ thể, Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: a) 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 1 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Ngoài ra, cũng phải xem xét các yếu tố khác như áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự tại thời điểm nào để xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có căn cứ cho thấy nội dung tố cáo là đúng, Luật sư cho biết thêm.
Cụ thể, theo quy định về hiệu lực của Bộ luật Hình sự thì điều luật được áp dụng đối với hành vi phạm tội của người bị tố cáo là điều luật được quy định tại Bộ luật Hình sự 1985. Theo đó, tội danh đối với tội phạm này là tội Cưỡng dâm (Điều 133 Bộ luật hình sự 1985) có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm. Vì vậy, sự việc xảy ra (nếu có) từ 23 năm trước thì hiện tại, dù có nhân chứng, sự việc cũng đã quá thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để xác định các hành vi mang tính chất xâm hại tình dục đã xảy ra quá lâu, có thể căn cứ vào các vết tích mà người phạm tội gây ra trên cơ thể nạn nhân hoặc các biên bản, tài liệu của cơ sở y tế ghi nhận thương tổn hoặc hậu quả khác.
Tuy nhiên, do vụ việc đã xảy ra đến nay đã qua khoảng thời gian lâu dài, các vết tích trên cơ thể nạn nhân cũng theo đó mà không còn. Do đó, chỉ có thể căn cứ vào các tài liệu y tế hoặc dữ liệu điện tử ghi lại quá trình phạm tội.
Hành vi cưỡng dâm xảy ra với nhà thơ nữ, đối tượng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng dâm theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự 1985. Hành vi này thể hiện ở thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu.
Mức phạt đối với tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu hành vi cưỡng dâm gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù sẽ tăng lên từ 2 -7 năm.
Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ thêm, đối với hành vi phi đạo đức, nhân cách của một phó tổng biên tập một tờ báo, mặc dù thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không còn, nhưng chắc chắn hình phạt mà người này phải đón nhận còn nặng nề hơn thế.
Qua sự việc trên, chúng ta nhận ra rằng đây không còn câu chuyện đau lòng của một mình nữ nhà thơ mà là câu chuyện của rất nhiều người phụ nữ khác đã từng bị xâm hại.
Do vậy, điều mà cả cộng đồng cần làm ngay lúc này là lắng nghe, ủng hộ tiếng nói của những người phụ nữ ấy và kiên quyết lên án những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức để xã hội ngày càng trong sạch, văn minh hơn.