Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lên tới gần 350 nghìn tỷ đồng đã được Chính phủ trình Quốc hội. Ông Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) đã trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ bởi nhiều ý kiến cho rằng 350.000 tỷ đồng vẫn chưa thấm tháp so với nhu cầu các lĩnh vực kinh tế - xã hội cần phục hồi, thưa ông?
Ông Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, quy mô của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế rất lớn, nhưng rất khó đánh giá về con số 350.000 tỷ đồng là lớn hay nhỏ, vì tiền như thế nào cũng là vô cùng với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp (DN).
Chúng ta đã có nhiều gói hỗ trợ, vì vậy theo tôi quan trọng là cần tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ hiện có, đồng thời phải dựa vào tình hình hồi phục của các DN như thế nào để hỗ trợ thì mới hợp lý.
Để giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới, việc quan trọng nhất là phải sống chung an toàn với dịch Covid-19. Chính sách tài khóa phải tập trung nâng cao cơ sở hạ tầng y tế, chuẩn bị mua sắm các loại thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế… để phòng và điều trị Covid-19.
Mặt khác, để giúp DN yên tâm ổn định sản xuất, kinh doanh thì việc ổn định kinh tế vĩ mô là cực kỳ quan trọng. Trong đó, phải bảo đảm được tỷ lệ lạm phát trong giới hạn thấp nhất, nợ công, thâm hụt ngân sách nhà nước cũng phải nằm trong giới hạn chấp nhận được. Ổn định kinh tế vĩ mô phải được đặt lên hàng đầu.
Khi đưa ra gói hỗ trợ, cơ quan quản lý cần phải tính toán, cân đối trên cả ba phương diện: năng lực ngân sách, rủi ro vĩ mô cũng như khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Theo ông có nên lo ngại về việc phân tán nguồn lực?
- Vấn đề đáng lo nhất khi bàn về gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng là gì? Là an toàn cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Năm 2021, do nghĩa vụ trả nợ các trái phiếu chính phủ trong nước đến hạn nên nghĩa vụ trả nợ đã tăng lên 27,3% so với thu ngân sách nhà nước (NSNN), vượt mức trần 25% Quốc hội cho phép. Bộ Tài chính đang đẩy mạnh tăng thu ngân sách để hạ thấp tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN về mức 24,8%.
Trong khi đó theo nội dung mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra để hỗ trợ thực hiện Chương trình, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ, cụ thể: Tăng bội chi NSNN để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240 nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023; trong đó năm 2022 khoảng 102,8 nghìn tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi NSNN lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán NSNN năm 2022 đã được Quốc hội thông qua).
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%; tổng mức vay, trả nợ của ngân sách Trung ương có thể cao hơn Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia mà Quốc hội đã phê duyệt; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm. Chấp thuận việc NSNN có thể vay các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - NSNN hàng năm hoặc các nguồn khác; Bộ Tài chính phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.
Nói sâu hơn ở biện pháp tăng bội chi ngân sách ngay thời điểm này không hề dễ dàng. Chưa kể, khả năng hấp thụ nguồn vốn 350.000 tỷ đồng này có được không cũng là điều quan trọng.
Tác động mạnh nhất trong gói phục hồi kinh tế được Chính phủ trình Quốc hội chính là hỗ trợ lãi suất ưu đãi lãi suất 2%. Nhưng thưa ông, cần làm sao để tránh hậu quả cho vay tràn lan như năm 2009?
- Điều tôi quan tâm tiếp chính là ở điểm này. 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% phải có quy định cụ thể, hỗ trợ ai, ở lĩnh vực nào, hỗ trợ ra làm sao. Hỗ trợ đồng đều lãi suất 2% hết cho mọi DN đi vay hay phân loại DN…
Theo tính toán, để được hưởng 40.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất này thì phải đẩy ra nền kinh tế 2 triệu tỷ đồng. Trong năm 2021 tăng trưởng tín dụng 12,68%, GDP là 2,91%. Như vậy có nghĩa là một lượng tiền lớn vẫn đang lưu thông trong nền kinh tế. Do đó khi bơm thêm tiền đến 2 triệu tỷ đồng thì gây lạm phát như thế nào.
Câu chuyện lạm phát thường đi sau 1 năm, 2 năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải dự tính được con số lạm phát sẽ tăng bao nhiêu phần trăm, nó mài mòn doanh thu của DN ra sao, mài mòn thu nhập của người lao động như thế nào, chưa kể là giá trị đồng VND thay đổi, xuất nhập khẩu cũng bị tác động… Nhưng cân đối vĩ mô thay đổi mức nào cần phải được ước lượng bằng các con số.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trong năm 2022, dịch Covid-19 có thể tiếp tục kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến thể mới, phức tạp và nguy hiểm hơn; vaccine và thuốc điều trị có thể tiếp tục khan hiếm. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội bố trí 10 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên thuộc lĩnh vực y tế từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; bố trí 20,5 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách Trung ương (khoảng 2,5% tổng chi ngân sách Trung ương), tăng 3.000 tỷ đồng (17,14%) so với dự toán năm 2021 và 1,7 nghìn tỷ đồng chi dự trữ quốc gia, tăng 500 tỷ đồng so với dự toán năm 2021 để chủ động nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ trọng yếu khác.