Giới chuyên gia nhận định, việc củng cố hệ thống an sinh xã hội với mục tiêu chính là hỗ trợ những nhóm dân cư, người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất do dịch bệnh là nhân tố quan trọng góp phần phục hồi kinh tế. Bởi vậy, các biện pháp đưa ra cần chú trọng hỗ trợ việc khắc phục đứt gãy lao động như trợ giá cho các tuyến xe khách liên tỉnh, nhà trọ 0 đồng…
An sinh xã hội là vấn đề rất quan trọng trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội khi “sống chung” với Covid-19. Năm 2020-2021, Chính phủ đã có những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động nghèo. Sang năm 2022, chính sách hỗ trợ vẫn tiếp tục.
Chưa bao phủ đến hết đối tượng
Theo kết quả khảo sát cảm nhận và trải nghiệm của người dân về một số biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp chính quyền vừa được Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) thực hiện cho thấy, so với năm 2020, tác động của đại dịch trong năm 2021 được đánh giá là nghiêm trọng hơn.
Theo đó, năm 2021, tác động tiêu cực lên việc làm và thu nhập của Covid-19 cũng rõ rệt hơn với 77% người được hỏi cho biết thu nhập bị giảm, đặc biệt là đối với những người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động tự do phi nông nghiệp, lao động không có tay nghề, lao động làm việc trong các ngành dịch vụ và những người sinh sống tại các khu vực có thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo là các phản ứng của Chính phủ nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19, nhất là làn sóng lần thứ tư đã được đánh giá cao, cho dù tác hại của dịch bệnh năm 2021 là rất nặng nề.
“Một số ý kiến cho rằng vai trò của chính quyền địa phương, cấp xã, trưởng thôn được đánh giá cao hơn so với năm 2020. Dù vậy, mức độ tích cực này là khác nhau giữa các tỉnh, chẳng hạn như các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thì phản hồi tích cực ít hơn so với các tỉnh, thành khác” - bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết.
Về khả năng tiếp cận và hiệu quả gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ, cuộc khảo sát cho thấy, tỉ lệ người trả lời nhận tiền hỗ trợ thấp. Cùng với đó, mức độ tiếp cận với gói hỗ trợ của người nghèo còn thấp; thông tin về gói hỗ trợ chưa được phổ biến, tuyên truyền một cách hiệu quả và đầy đủ tới các nhóm yếu thế.
Người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại nông thôn, người nghèo ít nghe đến gói hỗ trợ hơn những nhóm còn lại. Đáng chú ý, dù những người đã nhận được tiền hỗ trợ đánh giá cao tính kịp thời và đúng như quy định song nhiều người nhận xét thủ tục tiếp nhận chưa đơn giản.
Cần tập trung gói hỗ trợ cho người nghèo
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, cần tập trung triển khai gói hỗ trợ cho nhóm người nghèo, lao động không có tay nghề, lao động thời vụ, và người làm việc trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
Đặc biệt để có thêm nguồn lực của xã hội, hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và các nhóm, cá nhân từ thiện trong thời gian dịch bệnh hoặc các khủng hoảng tương tự cần được coi trọng và chính thức ghi nhận. Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ để người dân nhận hỗ trợ kịp thời hơn.
Cũng theo gợi ý này, các dịch vụ công trực tuyến cần được đánh giá lại và cải thiện nhằm đảm bảo tính thân thiện với người dùng, qua đó, khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp không tiếp xúc trong quá trình làm việc với chính quyền.
Đánh giá về kết quả khảo sát, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, kết quả đó đã phản ánh bức tranh thực tế trong cuộc sống của người dân thời gian qua. Thêm nữa, các gói hỗ trợ cũng cần thiết kế lớn hơn, vì thực tế những gói vừa qua còn khá khiêm tốn đối với người dân, nhất là những đối tượng cần nhất như người nghèo.
Trước đó, đề xuất về gói hỗ trợ an sinh xã hội trong năm 2022, nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng, việc củng cố hệ thống an sinh xã hội với mục tiêu chính là hỗ trợ những nhóm dân cư, người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất do dịch bệnh là nhân tố quan trọng góp phần phục hồi kinh tế.
Theo đó, các biện pháp cụ thể bao gồm hỗ trợ việc khắc phục đứt gãy lao động như trợ giá cho các tuyến xe khách liên tỉnh, tàu hỏa phải chạy 50% công suất để chống dịch, nhà trọ 0 đồng trong vòng một tháng, hỗ trợ xét nghiệm miễn phí, giải ngân nhanh những người trong danh sách hộ nghèo cũng như những người tham gia bảo hiểm xã hội chính thức để đảm bảo họ nhận được hỗ trợ kịp thời. Với cách thức hỗ trợ trên, theo nhóm nghiên cứu, gói củng cố hệ thống an sinh xã hội cần khoảng 58.000 tỷ đồng.
Căn cứ của đề xuất này dựa trên Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020, Nghị quyết 154/NQ- CP ngày 19/10/2020 và Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.
“Tôi cho rằng chúng ta cần mạnh dạn có gói hỗ trợ đủ lớn cho người dân, bởi nếu ít quá không thực sự giúp họ vượt qua khó khăn. Gói hỗ trợ không chỉ có tác động đến người dân mà còn đến kinh tế nữa. Đừng lo gói hỗ trợ đó làm thêm gánh nặng cho ngân sách hay nền kinh tế, vì khi người dân tăng thêm được cầu tiêu dùng thì sẽ làm cho thị trường trong nước khởi sắc có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập từ đó đóng góp trở lại cho nền kinh tế” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm.