Những năm qua, biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ tới Đồng bằng sông Cửu Long, để lại nhiều tác hại và tổn thất. Người ta cho rằng, biến đổi khí hậu tại khu vực trù phú nhất cả nước này đã và đang âm thầm kích hoạt những cuộc di cư của người dân.
Biến đổi khí hậu tác động xấu tới Đồng bằng sông Cửu Long.
1. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng nông nghiệp trù phú nhất trên thế giới, cung cấp một lượng lớn gạo, tôm, trái cây... cho Việt Nam và thế giới. Nhưng, hơn 18 triệu người dân sinh sống ở đây lại đang phải chịu đựng nhiều tổn thất do biến đổi khí hậu (BĐKH).
Trong hơn 10 năm qua, một con số thống kê cho rằng đã có tới 1,7 triệu người dời khỏi ĐBSCL, trong khi chỉ có 700.000 người mới chuyển đến. Tỉ lệ di cư này hơn gấp đôi trung bình cả nước và thậm chí cao hơn nữa ở các khu vực chịu tác động mạnh của BĐKH. Những con số trên được nhà nghiên cứu Alex Chapman (Đại học Southampton, Anh) và Văn Phạm Đăng Trí (Đại học Cần Thơ) công bố là rất đáng suy ngẫm.
Trong 2 năm 2015-2016, nông dân ĐBSCL đã gặp phải trận hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Nước biển tràn sâu vào đất liền đến 80km và phá hủy ít nhất 160.000 hecta nông sản. Ở Kiên Giang, một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất, tỉ lệ di cư thuần tăng vọt, và trong năm tiếp theo, cứ 100 cư dân thì có 1 người bỏ xứ ra đi. Theo một nghiên cứu của Lê Thị Kim Oanh và Lê Minh Trường (Đại học Văn Lang) thì BĐKH là yếu tố chính trong quyết định di cư của 14,5% người dân Nam Bộ. Nếu con số trên là đúng thì BĐKH đang đẩy khoảng 24.000 người tại ĐBSCL phải tha hương mỗi năm, để tìm công ăn việc làm nơi khác, tránh đói nghèo.
Theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đến năm 2100, BĐKH sẽ ảnh hưởng hơn 12% dân số Việt Nam và làm giảm tốc độ tăng trưởng 10%; trong đó nặng nề nhất là khu vực ĐBSCL. Vì thế, IMF khuyến cáo 5 hướng chính sách cho Việt Nam nhằm ứng phó biến đổi khí hậu: 1/ Giảm nhiên liệu hóa thạch. 2/ Khuyến khích hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ theo đuổi tăng trưởng xanh, gần gũi với môi trường. 3/ Đầu tư vào hạ tầng thích ứng với khí hậu. 4/ Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. 5/ Chuyển sang sử dụng xe điện, xe tự hành và hình thức chia sẻ phương tiện giao thông.
Nuôi tôm trong điều kiện nước mặn xâm nhập được coi là “biến nguy cơ thành thời cơ”.
2. Cần một cuộc chuyển đổi lớn tại ĐBSCL để ứng phó với BĐKH- đó là vấn đề được Chính phủ đặt ra rất mạnh mẽ đối với khu vực này. Biến nguy cơ thành thời cơ- thông điệp đó đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại những hội nghị quan trọng về phát triển ĐBSCL.
Về phía những nhà khoa học, những chuyên gia về các lĩnh vực sản xuất tại ĐBSCL cũng như cả nước cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị, tất cả đều để hướng tới việc nhanh chóng xác định giải pháp để ĐBSCL không bị hoang hóa bởi BĐKH, cũng như lấy lại thế mạnh “trời cho” như vốn nó vẫn có.
Theo giáo sư Trần Thục (Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia về BĐKH), ĐBSCL hiện có rất nhiều quy hoạch, cả cấp vùng và cấp địa phương, về sản xuất, xây dựng, sử dụng đất, chống ngập… Nhưng điểm yếu của các quy hoạch này là không có sự gắn kết đồng bộ với nhau nên không phát huy được hiệu quả. Ông Thục cho rằng, nước biển dâng là xu hướng không thể đảo ngược, những tác động của nó là không thể tránh khỏi. Do đó trong điều kiện khả năng chống chịu có hạn thì giải pháp tốt nhất cho ĐBSCL là phải thực hiện một cuộc chuyển đổi quy mô lớn về sản xuất và sử dụng đất. Chẳng hạn, chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm. Hay là chuyển từ trồng lúa sang cây ăn quả. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho cuộc chuyển đổi quy mô lớn thì cần phải nghiên cứu và giải quyết được những bài toán như thế của cả vùng ĐBSCL, và quan trọng là phải có sự tham gia trực tiếp của người dân.
Dọc theo sông Tiền, sông Hậu nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Thắng (Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH) thì các số liệu đo đạc thực tế cho thấy những tác động của BĐKH đối với khu vực phía Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đến nhanh hơn dự báo và tác động ngày một nặng nề. Cụ thể, số trận mưa giảm nhưng lượng mưa ở mỗi trận lại tăng dẫn đến tình trạng ngập lụt diễn ra nhiều nơi. Nếu như trước đây phải đến vài chục năm mới xuất hiện một trận mưa hơn 100mm, thì những năm gần đây mỗi năm có đến vài trận, thậm chí có những trận lượng mưa lên đến 200mm.
Sau mỗi đợt mưa là nắng kéo dài dẫn đến khô hạn, nước mặn xâm nhập sâu làm cho nhiều nơi không đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt. Trong khi đó, nước biển cũng có xu hướng tăng lên hàng năm trung bình 3mm, cộng với tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm khiến nhiều nơi bị ngập sâu, nhất là những lúc mưa to kết hợp với triều cường. Dự báo nếu nước biển dâng 100cm sẽ gây ngập phần lớn diện tích của các tỉnh ở ĐBSCL như Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%), Cà Mau (57,69%). Trong đó các huyện Giang Thành, An Biên (tỉnh Kiên Giang), Long Mỹ, Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau)… sẽ có đến hơn 90% diện tích bị ngập.
ĐBSCL đang phải gồng mình ứng phó với BĐKH. Hy vọng với nhiều giải pháp, chúng ta sẽ “biến nguy cơ thành thời cơ”, cuộc sống người dân nơi đây sẽ luôn được ấm no.