Đưa ra quan điểm góp ý về Kỳ thi THPT quốc gia 2017, GS Lâm Quang Thiệp- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Việc Bộ đổi mới thi THPT quốc gia đa số bằng hình thức thi trắc nghiệm là rất tốt. Vấn đề quan trọng nhất của hình thức thi này là đề thi, thì hoàn toàn trong tầm tay Bộ. Việt Nam có đủ đội ngũ chuyên gia cộng với đội ngũ giáo viên đông đảo, chỉ là Bộ có muốn huy động thực hiện hay không.
GS Lâm Quang Thiệp.
PV: Quan điểm của ông về phương án thi trắc nghiệm mà Bộ GD&ĐT đưa ra?
GS Lâm Quang Thiệp: Quan điểm của tôi, tất cả các môn đều có thể thi trắc nghiệm. Môn Toán và Ngữ văn có thể cho thêm 1 câu tự luận ngắn, khoảng 30 phút. Những kiến thức về tiếng Việt thi trắc nghiệm rất tốt, riêng diễn đạt viết văn trắc nghiệm không đánh giá được, nên tôi đề nghị cho làm thêm 1 câu tự luận khoảng 30 phút để bổ sung. Ngữ văn phần lớn trắc nghiệm là tốt, không hiểu sao Bộ vẫn để tự luận?
Môn Toán tôi cũng đề nghị thi trắc nghiệm nhưng có một câu tự luận để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề của thí sinh. Tự luận chỉ 1 câu ở cả Toán, Ngữ văn. Một câu đó thí sinh viết chỉ chừng 1 trang, giáo viên chấm cũng rất nhanh. Bình thường chấm rất tốn kém mà mệt, không chính xác.
Những nước đã thực hiện thi trắc nghiệm thành công đều là những nước tiên tiến, đã được kiểm định nhưng ở Việt Nam thì chưa có đánh giá cụ thể. Nếu đưa tất cả các môn vào thi trắc nghiệm thì có căn cứ gì không, thưa ông?
- Ngay từ khi thi 3 chung chúng ta đã có lộ trình là dần dần thi trắc nghiệm tất cả các môn. Nhưng những năm trước vì có ý kiến này ý kiến kia nên Bộ dừng lại, chỉ cho trắc nghiệm 4 môn. Tuy nhiên tôi nghĩ Bộ dừng như vậy là không đúng tinh thần khoa học. Ưu thế của thi trắc nghiệm đối với các kỳ thi quy mô lớn là ưu thế áp đảo, trên thế giới đã làm như vậy, VN cũng đã biết sử dụng nên hoàn toàn có thể áp dụng được tất cả các môn.
Phương án thi này quan trọng nhất là đề thi, theo ông Bộ có thể huy động được trong năm 2017?
- Tôi nghĩ Việt Nam có đủ các chuyên gia. Còn Bộ GD&ĐT có huy động không thì còn phụ thuộc vào Bộ. Bên cạnh đó có thể huy động đội ngũ giáo viên, giảng viên.
Với môn Toán và Lịch sử, hiện đã có những ý kiến phản đối về vấn đề thi trắc nghiệm này?
- Kỳ thi này chỉ là kỳ thi đánh giá kiến thức chung, kiến thức nền và chỉ là phân loại nhẹ nhàng thôi. Em nào đỗ, em nào trượt tốt nghiệp, em có thể vào ĐH, có thể không, nghĩa là chỉ sàng lọc sơ bộ chứ chưa phải kỳ thi trắc nghiệm chọn nhân tài. Tôi không hiểu những người đang phản đối Lịch sử thi trắc nghiệm, họ cho rằng Lịch sử khác gì so với Địa lý, khác gì với Sinh học… Đây cũng là một môn khoa học, nên không có lí do gì không thi được trắc nghiệm.
Tuy nhiên, kỳ thi THPT lại được nhiều trường lấy căn cứ để xét tuyển, có cả các trường tốp đầu?
- Tôi nghĩ các trường tốp đầu lấy kỳ thi này để tuyển hoàn toàn đúng, có thể làm được. Ví dụ kỳ thi SAT của Mỹ, ĐH Havard cũng lấy kết quả của kỳ thi, mà các ĐH tầng dưới cùng cũng lấy kết quả của kỳ thi, còn lấy ở mức nào thì tùy từng trường.
Nếu những trường tốp trên thấy kết quả kỳ thi này chưa chính xác, thì có thể xem kết quả kỳ thi là sơ tuyển. Ví dụ họ cần lấy 1 nghìn thì họ lấy của kỳ thi khoảng 2 nghìn. Trong 2 nghìn thí sinh đó, họ lại tổ chức một kỳ thi hẹp bằng phương pháp tự luận, vấn đáp tùy họ, vì số thí sinh ít thì sẽ thực hiện dễ dàng hơn.
Hết năm học này thí sinh sẽ bước vào kỳ thi với rất nhiều điểm mới, theo ông các em có thích ứng được không?
- Bộ đã đưa ra ngay đầu năm học, và Bộ cũng khẳng định các bài thi chỉ nằm trong chương trình phổ thông, đặc biệt là lớp 12. Bây giờ mới bắt đầu học lớp 12 nên các em hoàn toàn có thể chuẩn bị được. Chỉ có các em mấy năm trước bỏ một số môn không học thì có một số khó khăn, nhưng có thể khắc phục.
Vậy theo ông, với phương án thi trắc nghiệm này, chúng ta còn có bất cập gì cần khắc phục, để thực hiện tốt nhất?
- Bộ GĐ&ĐT nên nhanh chóng đề ra phương án chuẩn bị. Trong phương án chuẩn bị nên huy động nhiều chuyên gia có hiểu biết về thi cử, và huy động nhiều đội ngũ giảng viên ĐH, cũng như giáo viên phổ thông về các môn học để chuẩn bị hệ thống ngân hàng câu hỏi. Phải làm rất sớm thì sẽ có kết quả, vì chuẩn bị ngân hàng câu hỏi rồi còn phải thử nghiệm, tốn rất nhiều công phu. Nhưng tất cả ở trong tay Bộ, Bộ muốn thử nghiệm ngân hàng câu hỏi thì về các lớp 12, các trường phổ thông, Bộ làm rất dễ dàng.
Bộ muốn sử dụng ngân hàng đề ĐHQG HN cũng không nên sử dụng đơn độc ngân hàng câu hỏi này, mà cần bổ sung, xem lại hệ thống câu hỏi đã được thực hiện theo phương pháp như thế nào sau đó mới áp dụng.
Trân trọng cảm ơn GS!