Gặp GS Vũ Minh Giang lần nào cũng thấy ông đầy năng lượng khi nói về lịch sử dân tộc Việt Nam. Và trong những ngày tháng 5 này, lịch sử dân tộc một lần nữa lại được nhắc nhớ thông qua nhiều sự kiện, nhiều vấn đề. Song có một vấn đề nhiều người quan tâm, đó là làm sao để những trang sử hào hùng trở nên sống động hơn, hấp dẫn được giới trẻ hơn?
Mang băn khoăn này, chúng tôi gõ cửa phòng làm việc của GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội.
PV: Thưa GS, tôi đã nhiều lần nghe GS nói chuyện về lịch sử dân tộc mình, và mỗi lần nghe, đều nhận ra sự thao thiết ở ông, những gì xa xôi cũng trở nên gần gũi và sống động. GS có thể chia sẻ, ông đã học cách tiếp cận môn lịch sử như thế nào?
GS.TSKH VŨ MINH GIANG: Tôi học sử ở nước ngoài, thầy dẫn đi đào khảo cổ, những đồ vật tìm thấy và kết luận có thể không phải là thế này, thế kia, thì lần sau sẽ có những bổ sung mới. Khoa học lịch sử là như vậy, là những tư liệu mới, tiếp cận phương pháp mới. Rồi tự nhiên trong tôi trỗi dậy niềm đam mê. Vậy nên ở đâu tôi cũng nhấn mạnh, muốn cho môn sử hấp dẫn phải dạy, phải làm cho học sinh hiểu nó là một khoa học chứ nó là tín điều thì học sinh “ngáp” ngay (Cười).
Những tranh luận thời gian qua đều hướng về mục đích làm sao để học sinh học sử tốt hơn. Bây giờ phải tìm ra cách gì đó để đáp ứng rằng môn sử được coi trọng, học sinh thích sử, yêu sử và thấy môn sử là cần thiết. Cái đó là sứ mệnh của những người làm cải cách giáo dục và những nhà sử học.
Do đó phải tìm ra cái lõi khoa học của môn học này…
- Đúng vậy. Hiện tôi đang “sống chết” làm tổng chủ biên một bộ sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam và kiên quyết đi theo hướng phải tìm ra cái lõi khoa học của môn học này.
Tôi chủ trương, từ thiết kế bài giảng cho đến các câu hỏi là phải để cho học sinh ham mê, tìm tòi và có chỗ để học sinh sáng tạo. Tôi yêu cầu tất cả các cộng sự hãy hướng vào một mục tiêu dạy kiểu gì đó, viết sách kiểu gì đó để cho học sinh thích học môn này là mình thành công. Chứ không phải tôi muốn dạy nó điều này điều kia mà tôi nghĩ nó là quan trọng. Khi tôi nghĩ nó là quan trọng, tôi tìm mọi cách phải dạy cho học sinh học bằng được thì chưa chắc đã thành công. Mà anh phải tìm cách từ nội dung đưa vào, cho đến phương pháp tiếp cận ra sao. Câu hỏi có nhiều thiết kế có tính cấu trúc trong bài giảng để người học thích. Mà thích thì đâu có phải dạy nhiều, tự học sinh sẽ đi tìm hiểu. Lúc đó học sinh sẽ chủ động.
Tức là phải làm sao hấp dẫn để học sinh không ở thế bị động tiếp cận những câu chuyện lịch sử? Nói cách khác, phải kích thích được sự tò mò của các em?
- Đúng thế! Phải dạy cho học sinh cái hay, cái tinh và kích thích học sinh tìm hiểu. Dạy cho học sinh các phương pháp để đối phó với những ý kiến khách nhau, những luận điệu xuyên tạc. Đó là những thứ cần hơn.
GS đã có nhiều năm ở nước ngoài, trong quan sát của mình, ông thấy học sinh ở các nước đó có “chán” môn Lịch sử không, và các nước đó đã có những kinh nghiệm gì trong cách dạy sử?
- Hồi còn học ở nước ngoài, trong các kỳ nghỉ ở biển, gặp học sinh nước ngoài tôi bao giờ cũng làm phỏng vấn, hỏi 10 học sinh thì cả 10 đều thích sử. Học sinh nước ngoài thích sử lắm. Tôi hỏi tại sao lại thích sử, các em trả lời, sử hay như thế tại sao lại không thích. Tức là họ thấy sử hay. Tôi hỏi thêm để biết phương pháp mới biết được rằng cách học sử của họ luôn gắn với những trải nghiệm rất sinh động.
Thí dụ, với trận Borodino mà Kutuzov thắng Napoleon học sinh được đi xem và say mê trước bức tranh toàn cảnh trận chiến ở Bảo tàng Matxcơva. Rồi bộ phim “Chiến tranh và hòa bình” là hình thức bổ trợ cũng cho những trải nghiệm thực tế, đồng thời học sinh cũng được đi thực tế ở cánh đồng Borodino, những điều đó gợi sự thích thú cho học sinh. Đó cách dạy để học sinh thấy được lịch sử thú vị như nó vốn có, rồi nó bổ ích cho mình bởi có nhiều bài học. Ít có trải nghiệm nào mà cái giá phải trả đắt như lịch sử, vì phải trả bằng máu. Nhiều khi một bài học phải trả bằng máu của rất nhiều người.
Khi nghe GS nói, tôi liên tưởng tới chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo GS, cần kể những câu chuyện như thế nào để sự kiện này thực sự hấp dẫn học sinh?
- Tôi đã từng làm việc với Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ông nói, các nhà sử học đừng bao giờ đánh giá thấp những tướng lĩnh của những đội quân xâm lược. Tôi với tư cách là tổng chỉ huy nói rất rõ, họ tính đâu trúng đó. Thế nhưng cái sai lại ở những chỗ trường lớp không dạy. Như trận Điện Biên Phủ họ tính hậu cứ của ta cách xa mấy trăm cây số, lấy đâu ra gạo để ăn mà đánh nhau dài ngày, lấy đâu ra trạm để tiếp nhận thương binh. Thì hậu cần ấy là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi. Máy bay khống chế 24/24 trên bầu trời, cần một cái là oanh tạc ngay. Cái đó, nếu đánh theo cách đã học trong trường thì không bao giờ thắng được trận Điện Biên Phủ. Nhưng họ đâu có biết mình có mấy vạn xe đạp, cứ cài lá vào là đi. Nghe tiếng máy bay là lại đẩy xe vào bụi cây, địch không thể nhìn thấy. Máy bay đi, xe đạp lại tiếp tục. Chính hàng vạn chiếc xe đạp ấy đã tạo nên hậu cầu nối hậu phương với chiến trường mà địch không biết được. Nghe câu chuyện đó tôi nghĩ học sinh sẽ thấy học sử rất thú vị.
Cũng với trận Điện Biên Phủ, tôi còn nhớ có một đoàn sinh viên của Mỹ đã kết hợp chương trình study tour sang Việt Nam học về lịch sử hiện đại Việt Nam. Họ lên Điện Biên rồi cùng ngồi tại hầm Tướng De Castries để thầy giảng cho sinh viên về cuộc chiến tranh Đông Dương. Đó là hình thức phụ trợ đi thực tế làm cho học sinh thấy hấp dẫn. Ở nước ngoài, phương pháp và chương trình làm cho học sinh rất yêu thích môn sử. Đó là chưa kể tới điều rất lạ, những học sinh giỏi lịch sử ở nước ngoài thì được các bạn gọi là uyên bác và rất kính nể, bản thân học sinh đó cảm cũng thấy rất tự hào.
Thưa GS, có ý kiến cho rằng riêng môn Lịch sử không bao giờ là một môn đơn thuần để dạy kiến thức, vậy học sinh cần hiểu rõ ý nghĩa của môn học này như thế nào?
- Đúng vậy! Nhất là đối với Việt Nam - một đất nước thăng trầm theo các giai đoạn lịch sử đầy biến động với hào hùng có, bi tráng có, nhưng nó tạo ra con người Việt Nam hiện nay. Rõ ràng thế giới nhìn nhận Việt Nam là một dân tộc rất đặc biệt, bản lĩnh cũng từ đây mà ra, những nhược tật cũng từ đây mà ra. Vậy thì khoa học lịch sử không chỉ là cái để tôn vinh, tự hào mà còn là sự nhận thức chính bản thân mình.
Rồi chúng ta trổ cửa nhìn ra thế giới để hội nhập. Phải biết tại sao nước Anh giờ vẫn còn nữ hoàng, tại sao Nhật Bản phát triển mà vẫn có vua… những điều đó học sinh phải biết. Hay con đường nào đã dẫn Hàn Quốc từ một đất nước đói đến mức có người chết sau chiến tranh (những năm 1960). Nhưng hai mươi năm sau họ có trong danh sách những nước phát triển nhất thế giới. Những “cửa sổ” ấy cần phải nhìn ra, và những bài học quyết tâm biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh chính là bài học của Hàn Quốc. Có thể nói, ông Park Hang Seo đã mang kinh nghiệm đó thổi vào đội bóng của Việt Nam và đã thành công. Môn Lịch sử giúp chúng ta điều đó. Cho nên môn Lịch sử là cực kỳ quan trọng. Nhưng tự môn học này không làm được điều đó mà phải thông qua chính trị, thông qua các tác phẩm, các cách dạy dỗ…
Vậy nên, chúng ta dần tiến tới chuyện môn sử phải là môn để người học yêu, thích, cần. Đạt được 3 yếu tố đó thì không cần phải dạy nhiều. Những tranh luận thời gian qua đều hướng về mục đích làm sao để học sinh học sử tốt hơn. Bây giờ phải tìm ra cách gì đó để đáp ứng rằng môn sử được coi trọng, học sinh thích sử, yêu sử và thấy môn sử là cần thiết. Cái đó là sứ mệnh của những người làm cải cách giáo dục và những nhà sử học.
Hiện có hai xu hướng về môn Lịch sử: bắt buộc và giảm tải. Thưa GS, ông nhìn nhận điều này thế nào?
- Tôi cho rằng hai quan niệm này là không mâu thuẫn nhau, nhưng rõ ràng là rất khác biệt. Khác ở chỗ là một bên học nhiều, bắt buộc, một bên là phải giảm tải, khác đi, vì học sinh không chịu nổi một môn học cần phải ghi nhớ rất nhiều số liệu, địa danh, diễn biến, ý nghĩa, bài học...
Theo quan điểm của tôi, có lẽ trong xã hội mình chưa có sự phân biệt tường minh giữa lịch sử và sử học (cái này đôi khi là lỗi của các nhà sử học), vì hai khái niệm này là rất khác nhau. Lịch sử là cái diễn ra một lần, không sửa được, không thay thế được, nó là khách quan. Ông cha ta đã làm nên lịch sử rồi thì nó là khách quan và không phụ thuộc ý muốn chủ quan của ai nữa. Nhưng tái hiện lại nó, diễn tả nó, bình luận nó, rút ra những bài học từ nó lại là câu chuyện khác. Đấy là việc của sử học. Có những công trình nghiên cứu xây dựng trên các nền tảng tư liệu rất dày dặn, với luận điểm rất khoa học thì nó gần với khách quan, gần với sự thật, nhưng giỏi lắm là tiệm cận gần với chân lý thôi chứ không bao giờ trùng khít với sự thật lịch sử. Đấy là chân lý khách quan. Như tất cả các khoa học, chúng ta chỉ tiệm cận cái bản thể ấy thôi, chứ không bao giờ hy vọng biết đầy đủ chân xác tuyệt đối.
Trong quá trình nỗ lực chung từ Nghị quyết của Đảng, cho tới quyết sách của Chính phủ, thậm chí có Nghị quyết của ngành giáo dục đã có rất nhiều giải pháp để đổi mới. Nhưng theo tôi lõi đổi mới phải là thay đổi một nền giáo dục tiếp cận nội dung, tức là cần gì học nấy, dạy rất nhiều cái cụ thể, không riêng sử đâu, văn hay toán cũng vậy.
Thưa GS, nhắc tới địa hạt của văn học, cùng với phương pháp học tiếp cận nội dung mà rất nhiều học sinh cũng “đánh vật” với môn văn khi cách học thuộc lòng đang trở nên phổ biến?
- Giờ chúng ta nói đến môn Văn, học sinh phải học cái gì? Người ta hay gọi vui cách học văn hiện nay là “Pha - Phèo - Mỵ - Dậu” (Pha – nhân vật trong tác phẩm “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan; Phèo – nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao; Mỵ - nhân vật trong “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài; Dậu – nhân vật chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố). Bởi khi học cấp 3, khi ôn thi tốt nghiệp, giáo viên chỉ dạy xoay quanh mấy tác phẩm đó thôi. Học sinh phải học thuộc làu về tác giả thế nào, rồi nội dung câu chuyện ra sao, thì đó còn đâu là học văn nữa. Như vậy là học thuộc lòng. Chừng ấy tác phẩm đưa ra bình luận, học sinh phải thuộc hết. Đáng lẽ ra phải có đề tài kích thích cho học sinh sáng tạo. Đây lại “trói” học sinh bằng cách học thuộc, anh nào không thuộc thì coi như "cắn bút" luôn trong giờ thi. Như vậy để thấy phương pháp tiếp cận nội dung có mặt hạn chế lớn, vì học sinh phải học thuộc rất nhiều.
Còn với môn Toán, tại sao Việt Nam vẫn được tiếng là dạy toán, học toán giỏi hơn nước ngoài?
- Môn Toán cũng vậy, tôi vừa gặp một số thầy dạy toán. Tại sao mình lại dạy toán, học toán giỏi hơn nước ngoài. Vì ở nước ngoài người ta không dạy những bài toán rắc rối đến như thế. Các thầy Việt Nam hay tìm những bài toán theo kiểu đố mẹo, khó. Nhưng thực ra toán là môn dạy cho học sinh biết cách tư duy. Vậy phải dạy làm sao để tư duy học sinh thông thoáng, dẫn tới suy nghĩ logic. Đó mới là trách nhiệm của toán học, chứ không phải là đánh đố học sinh bằng những bài toán hóc búa, “chết người”. Tiếp cận nội dung là như vậy, thầy dạy học sinh giải được nhiều bài toán khó thì càng giỏi. Nhớ càng nhiều nội dung chi tiết càng tốt. Vậy người ta mới nói đùa rằng, dạy 7 hằng đẳng thức đáng nhớ thì bây giờ cần gì nhớ, vì gõ Google một cái là ra. Chỉ cần học sinh hiểu ý nghĩa của hằng đẳng thức ấy là được. Dạy ý nghĩa và thuộc lòng hằng đẳng thức là 2 việc khác nhau lắm.
Quay trở lại môn Lịch sử, tôi thấy GS luôn nhấn mạnh, môn học này phải đi đầu trong đổi mới. Tại sao lại là như vậy?
- Tôi nói vậy là bởi khi một nền giáo dục tiếp cận nội dung thì sử là môn có rất nhiều thứ phải nhớ. Cho nên chương trình thường là quá tải, việc giảm tải chỉ mất thời gian thôi. Thứ hai, ngoài nội dung có nhiều thứ để nhớ, môn học này chúng ta đã thiết kế sách giáo khoa và một cách giảng bài tương đối khô khan, có thể nói là áp đặt chủ quan diễn ra theo cách những người soạn chương trình muốn học sinh hiểu. Lẽ ra dựa trên thực tại lịch sử, hướng nó vào những kết luận tự rút ra một cách khách quan. Rõ ràng phải thiết kế khác đi. Với những dữ liệu lịch sử như vậy, với kết luận tự rút ra thì người học sẽ thấy lý thú hơn rất nhiều là phải thuộc làu những điều thầy cô đã kết luận sẵn. Cần thẳng thắn để nói ra những điều này.
Tôi đã từng ngồi trong hội đồng chấm thi thầy cô giáo dạy giỏi môn sử. Tôi thấy thầy cô gần như là thuộc làu sách giáo khoa rồi diễn tả một cách diễn cảm thôi chứ không có sáng tạo. Đó là chưa kể tới ta chưa có các kiến thức bổ trợ. Như các nước đã làm, sử hay và ly kỳ. Cho nên nó có phim ảnh, tiểu thuyết, bảo tàng… Còn ở ta tất cả những thứ đó gần như tách rời trong quá trình học sử. Tôi muốn nói tới ở ta không có nhiều hình thức chuyển tải những nội dung để lịch sử trở thành môn học hấp dẫn.
Vì không có nhiều hình thức chuyển tải sinh động, thiết thực và hấp dẫn nên càng ngày học sinh càng “sợ” lịch sử?
- Tôi lấy thí dụ câu chuyện có nên thi chia theo các khối ra hay không, để rồi sử chỉ học trong các nhóm thi vào khối C. Không hẳn, vì các ngành nghề hiện nay mang tính liên ngành rất cao. Trong đó các nước tiên tiến người ta đã thiết kế những môn, chương trình thi, như SAT của Mỹ - ở đó có đầy đủ các kiến thức nhưng ở trình độ phổ thông. Họ sắp xếp những kiến thức rất phổ thông để qua đó kiểm tra học sinh có khả năng tổng hợp hay không. Có khả năng phân tích và tư duy nhạy bén hay không, rồi IQ thế nào.
Theo thống kê từ nhiều thập niên gần đây, 100 người thì khả năng học tốt cho bậc sau phổ thông chỉ là 10% mà người ta gọi là “Top Ten”, chứ không phải tất cả mọi người đều nên thi đại học. Còn ở lại có người mức học vừa phải có thể đi ngành khác, sau đó có nhu cầu khác lại học nâng cao hay nối các hệ với nhau. Thế nên thường ở các nước, đại học chỉ rộng cửa cho từ 20-25% sinh viên thôi. Xã hội cần nhiều ngành khác chứ đâu có phải là mỗi đại học, đâu chỉ là những người học bằng cấp với các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đâu. Thợ giỏi cũng được tôn vinh và xã hội cũng rất cần họ.
Nghĩa là, theo GS, không nhất thiết ai cũng phải học lên bậc Đại học, không nhất thiết “phổ cập” Đại học?
- Tôi cho rằng những người không có khả năng học đại học mà vẫn phải theo thì đó là sự tra tấn, tốn kém, lãng phí nguồn lực xã hội, ta vẫn đang tồn tại cái đó. Cho nên tôi muốn quay trở lại vấn đề thi, có nên chia ra 3 khối để tất cả các anh học phổ thông xong đều tính chuyện thi đại học, thì hiện nay đang là như vậy rồi. Theo tôi chưa chắc điều đó đã đúng, nhưng đó là câu chuyện phải chữa lại một lần nữa, dù đã được pháp định hóa. Câu chuyện 100% học sinh thi phổ thông trung học sau đó lên đại học là không đúng thực tiễn với thế giới và không đúng với quy luật thống kê.
Như vậy ta đặt ra 2 câu chuyện đã được pháp định hóa là vấn đề thi đại học và môn lịch sử. Nhưng ta cũng phải tính tới chuyện đổi mới giáo dục là một quá trình liên tục. Ở những nước có nền giáo dục được khen là tốt như Singapore, tôi đã từng trao đổi với những người có trách nhiệm, họ nói đối với Singapore không có cuộc cải cách giáo dục nào cả, mà đó là một công việc liên tục chứ không phải chờ tích tụ đến một lúc nào đó rồi mới làm cuộc cách mạng. Giáo dục phải thay đổi, phải rất linh hoạt và mềm dẻo. Vì vậy với vấn đề đang đặt ra chúng ta phải nhìn từ nhiều chiều kích khác nhau. Chúng ta còn cơ hội và sự đổi thay là trong tay của nhà quản lý, các thầy cô và của cả xã hội.
Trân trọng cảm ơn GS!
Tôi đã từng nói là môn phải đi đầu trong đổi mới. Là bởi vì khi một nền giáo dục tiếp cận nội dung thì sử là môn có rất nhiều thứ phải nhớ. Cho nên chương trình thường là quá tải, việc giảm tải chỉ mất thời gian thôi. Thứ hai, ngoài nội dung có nhiều thứ để nhớ, môn học này chúng ta đã thiết kế sách giáo khoa và một cách giảng bài tương đối khô khan, có thể nói là áp đặt chủ quan diễn ra theo cách những người soạn chương trình muốn học sinh hiểu. Lẽ ra dựa trên thực tại lịch sử, hướng nó vào những kết luận tự rút ra một cách khách quan. Rõ ràng phải thiết kế khác đi chứ. Với những dữ liệu lịch sử như vậy, với kết luận tự rút ra thì người học sẽ thấy lý thú hơn rất nhiều là phải thuộc làu những điều thầy cô đã kết luận sẵn. Cần thẳng thắn để nói những điều này.