Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH; trình độ CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2017, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ bỏ điểm sàn (mức điểm tối thiểu yêu cầu thí sinh phải đạt được để xét tuyển vào các trường ĐH).
GS.VS Phạm Minh Hạc.
Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, điểm sàn cần được hiểu một cách linh hoạt và trong thời điểm này, việc bỏ điểm sàn là chưa thích hợp. Ông nói:
- Nhìn sang giáo dục ĐH của một số nước phát triển, chẳng hạn như Mỹ, sau khi học sinh tốt nghiệp THPT, căn cứ vào điểm thi THPT, các trường ĐH, CĐ có thể sắp xếp việc học tập theo ngành nghề cho học sinh tùy theo số điểm thi và năng lực của các em. Trước đó, học sinh đã được phân luồng nghề nghiệp ngay từ cấp THCS và THPT.
Đối với nước Anh, mặc dù không có điểm sàn, không công bố điểm xét tuyển ĐH, CĐ trên giấy tờ nhưng học sinh thi theo hình thức thi chung. Đề thi đều do Bộ GD&ĐT ra và chấm. Kết quả trúng tuyển vào trường nào sẽ được chỉ định sau đó gửi vào máy điện thoại cho học sinh.
Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu kỹ việc có nên bỏ điểm sàn hay không, đừng vội vàng. Việc học tập kinh nghiệm của nước ngoài là đúng nhưng phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Không nên vận dụng một cách máy móc. Đồng thời chất lượng giáo dục giữa các cơ sở đào tạo ĐH của Việt Nam hiện nay vẫn còn chênh lệch khá lớn. Cụ thể là giữa các trường ĐH công lập với nhau và với các trường ĐH ngoài công lập.
PV:Nếu Bộ GD&ĐT vẫn quyết định bỏ điểm sàn, theo ông điều gì sẽ xảy ra?
GS Phạm Minh Hạc: Năm 2016, cả nước đã có trên 202.000 cử nhân thất nghiệp. Nếu Bộ “thả cửa” cho các trường được tự chủ tuyển sinh mà không giới hạn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, không loại trừ có những trường sẽ tuyển sinh bằng mọi giá để đảm bảo thu nhập trong khi chất lượng đào tạo cả về mặt kiến thức, kỹ năng không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội. Hệ lụy của điều này là tình trạng sinh viên thất nghiệp gia tăng.
Riêng đối với ngành sư phạm, những năm gần đây chất lượng đầu vào không cao. Có ý kiến cho rằng nếu bỏ điểm sàn thì vấn đề chất lượng đầu vào sẽ càng đáng buồn hơn nữa, thưa ông?
- Phải hiểu đào tạo sư phạm là đào tạo ra những người thầy để dạy lại người khác, trong đó chủ yếu là dạy thế hệ trẻ. Thầy cô sẽ là những tấm gương để học trò noi theo. Nếu những học sinh có điểm thi rất thấp, chẳng hạn 10 điểm 3 môn vẫn đỗ đại học, vẫn ra trường dễ dãi và được tuyển dụng để đi dạy chính môn mình bị điểm kém đó thì sẽ dạy thế nào, dù cho người đó rất yêu nghề dạy học?
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra là ngành Giáo dục phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Tôi nhấn mạnh lại là phải căn cứ vào điều kiện thực tế về lịch sử, kinh tế, xã hội của nước ta mà hoạch định chính sách, vội vã thì không thành công. Điều này dẫn đến những hệ lụy có khi chúng ta phải chịu đựng hàng vài chục năm.
Thực tế hiện nay, có hướng chuyển trường chuyên đào tạo sư phạm thành đào tạo đa ngành để dễ thu hút sinh viên ở địa phương vào học. Khi có đông người học sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của cán bộ giảng dạy. Nhưng để làm được điều này rất khó, nhất là ngành sư phạm ở nước ta không được coi trọng như trước đây.
Vị thế của các nhà giáo cũng có những khó khăn đặc thù mà các em sinh viên lại chưa nhận thức được rõ sứ mạng của người làm nghề sư phạm. Họ chọn nghề nhà giáo để trước hết học xong ra trường xin được việc có thu nhập tốt nuôi sống bản thân và gia đình. Đó là quy luật giá trị trong thời kỳ kinh tế thị trường ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành giáo dục của nước ta và ngành sư phạm.
Trân trọng cảm ơn ông!