Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính về việc mua gạo dự trữ quốc gia 4 tháng đầu năm 2020, có 7 Cục Dự trữ nhà nước khu vực đã để các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho dự trữ của Nhà nước không đúng quy định pháp luật. Một thông tin mang theo nhiều lo ngại đặc biệt khi việc xuất khẩu gạo thời gian qua khá lình xình, đến độ Thanh tra Chính phải phải vào cuộc xem có tiêu cực hay không.
Kho dự trữ gạo nhà nước không thể để bị lợi dụng kiếm lợi riêng. Ảnh minh họa.
Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ nhà nước) được giao mua 190.000 tấn gạo. Kết quả mở thầu ngày 12/3/2020 có 28 doanh nghiệp (DN) trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia đợt 1 năm 2020 với số lượng 178.000 tấn. Nhưng hết thời hạn phải ký hợp đồng, có tới 24 DN từ chối ký hợp đồng, với số gạo trúng thầu là 170.300 tấn; 2 DN ký hợp đồng cung cấp một phần số lượng gạo đã trúng thầu là 1.800 tấn. Chỉ có 2 DN đã ký hợp đồng cung cấp đủ số lượng gạo trúng thầu là 5.900 tấn.
Nhưng ở đây, việc DN từ chối bán gạo cho việc dự trữ quốc gia là vấn đề khác, chưa vội bàn, mà chỉ nói đến vụ “gửi nhờ” gạo trong kho dự trữ của Nhà nước. Được biết kết quả kiểm tra tại các điểm kho dự trữ của 22 Cục Dự trữ nhà nước khu vực cho thấy có 7/22 Cục đã để các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho dự trữ không đúng với qui định, gồm: Cục Dự trữ nhà nước Khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa.
Tại sao lại cho “gửi nhờ” trong kho dự trữ cực quan trọng của Nhà nước? Thật là hành động khó hiểu, hay nói thẳng ra là tiêu cực, là có “chung chi”. Điều đó rồi sẽ được cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ nhưng trước mắt việc Bộ Tài chính tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ sai phạm đối với các Cục trưởng, Chi cục trưởng Dự trữ nhà nước nêu trên khách quan cho thấy đây là hành vi sai phạm nghiêm trọng. Nếu không thì đã không đình chỉ công tác cả loạt người đứng đầu đơn vị cũng như Bộ Tài chính yêu cầu Đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc sai phạm sang Cơ quan Điều tra Bộ Công an.
Thế là chỉ từ việc “gạo” mà tới thời điểm này ít nhất đã cho thấy những lình xình rất khó chấp nhận. Từ việc xuất khẩu hay không xuất khẩu, xuất khẩu lượng gạo bao nhiêu trong khi đang chống dịch Covid-19, tới việc mở tờ khai hải quan lúc 0 giờ dẫn tới việc các DN chậm chân kêu trời kêu đất, Bộ Tài chính gửi cả công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo cơ quan thuộc quyền vào cuộc điều tra; rồi ý kiến trái nhau trong cùng một sự việc giữa hai bộ Tài chính - Công thương, rồi đến Thanh tra Chính phủ vào cuộc, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo riết róng… Rõ ràng là có vấn đề. Nay lại thêm việc đã không mua được gạo dự trữ lại mang kho cho DN gửi nhờ gạo, sự việc xem ra có móc xích với nhau không hề đơn giản chút nào.
Ai đã trải qua những tháng ngày bao cấp hẳn không thể quên suốt từ cuối năm 1975 cho đến đầu những năm 1990, nước ta thiếu gạo đến mức độ nào. Chế độ tem phiếu chia phần cho từng đối tượng được mua mỗi tháng bao nhiêu cân gạo. Trẻ con bao nhiêu, người lớn bao nhiêu, lao động “nặng” bao nhiêu, lao động “nhẹ” bao nhiêu. Hầu hết các gia đình cán bộ công chức không đủ gạo ăn cho tới cuối tháng. Bát cơm hôm nào cũng vơi. Một hạt gạo lại cõng theo hạt ngô, lát sắn, lát khoai lang. Có lúc thiếu gạo quá lại phải ăn cả bo bo nhập ngoại rắn như đá, hỏng cả dạ dày. Bột mì mốc phải sàng cho hết mọt mới ăn được. Khổ thế nhưng dân mình vẫn vượt qua, vì tin rằng sẽ đến một ngày cơm no áo ấm.
Mà ngày đó đến thật. Khi đất nước đổi mới, Việt Nam bỗng chốc trở thành nước xuất khẩu gạo. Điều mà những năm tháng đói cơm không ai dám mơ tới. Không những thế, dần dà Việt Nam còn trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Sản xuất nông nghiệp, trong đó có lúa gạo, đã thực sự trở thành “vịnh tránh bão, trụ đỡ” mỗi khi nền kinh tế nước nhà gặp khó khăn.
Đến nay, không ai lo đói vì thiếu gạo, đất nước không còn lo an ninh lương thực. Nói thế để thấy công của người trồng lúa rất lớn. Chúng ta tự hào về người nông dân Việt Nam, những người “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Và cũng từ đó lại càng căm phẫn trước những hành động trục lợi từ sự vất vả của nhà nông, từ những hạt gạo do chắt chiu mà có được.
Bất cứ ai lợi dụng tình thế dịch Covid-19, trong đó có việc xuất khẩu, dự trữ gạo quốc gia… để trục lợi cũng đều đáng lên án, cần phải sớm xử lý, xử lý nặng. Chỉ có như vậy mới không hủy hoại công lao của người nông dân, không làm hỏng chính sách của Đảng, Nhà nước.
Vì thế, dư luận chờ đợi kết quả xử lý những cú “bắt tay ngầm” từ việc cho gửi nhờ gạo trong kho dự trữ của Nhà nước cho đến có hay không việc móc nối với DN để trục lợi trong đợt xuất khẩu gạo vừa qua.
Chiều ngày 8/5, ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng kho dự trữ nhà nước để giữ hộ hàng hóa đã vi phạm các quy định. Tại khoản 2, Điều 61, Luật Dự trữ Quốc gia số 22/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012”; trong đó quy định “Khu vực kho DTQG phải được tổ chức bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định của pháp luật; trang bị đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết cho quan sát, giám sát, phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, hư hỏng, mất mát và các yếu tố khác có thể gây thiệt hại đến hàng dự trữ quốc gia”. Còn tại Công văn số 600/TCDT-TCQT, ngày 14/5/2018 của Tổng cục Dự trữ nhà nước về hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, kho dự trữ quốc gia quy định: “Nghiêm cấm thủ trưởng các đơn vị cho thuê, cho mượn diện tích đất, kho dự trữ cũng như cơ sở nhà đất là trụ sở làm việc dưới mọi hình thức (kể cả kho ngoài quy hoạch không có nhu cầu sử dụng) khi chưa có quyết định phê duyệt của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước”. (T.Hằng)