Giáo dục

Hạ chuẩn để đảm bảo nguồn tuyển

Hàn Minh 02/04/2024 06:28

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018 để lấy ý kiến góp ý của các cá nhân, đơn vị.

Dự thảo Nghị quyết quy định việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học, bao gồm: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) theo Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học và THCS.

Theo đó, các địa phương đang thiếu giáo viên và có biên chế sẽ được tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên về Địa lý hoặc Lịch sử hoặc ngành ghép các môn, trong đó có môn Địa lý hoặc Lịch sử để dạy môn Lịch sử và Địa lý. Trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS.

Các địa phương cũng có thể tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành đào tạo giáo viên về Kỹ thuật công nghiệp, Kỹ thuật nông nghiệp hoặc ngành ghép các môn, trong đó có môn Kỹ thuật công nghiệp, Kỹ thuật nông nghiệp để dạy môn Công nghệ cấp THCS. Trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS. Với các môn học còn lại cũng tương tự.

Thông tin này đối với nhiều địa phương là một giải pháp gỡ khó về bài toán thiếu giáo viên một số môn học trong Chương trình GDPT 2018. Như thống kê sơ bộ của Bộ GDĐT trên cơ sở dữ liệu ngành, đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Trong đó, giáo viên thiếu chủ yếu tập trung ở bậc mầm non, các môn học mới xuất hiện trong Chương trình GDPT mới.

Đơn cử, với môn Nghệ thuật, số giáo viên trong biên chế của cả nước là 46 nhưng có đến 2.465 trường THPT. Cả khu vực Đồng bằng sông Hồng có… 2 giáo viên môn Nghệ thuật trong biên chế. Địa phương có nhiều giáo viên môn Nghệ thuật nhất là Bắc Giang với 7 giáo viên.

Tại Yên Bái, dù được tuyển dụng nhiều đợt nhưng số đăng ký dự tuyển luôn thấp hơn chỉ tiêu được giao và số trúng tuyển còn ít hơn nữa. Riêng giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học, tỉnh có chính sách thu hút lên vùng cao đối với giáo viên tuyển mới với số tiền 100 triệu đồng/người nhưng vẫn chưa tuyển mới được một trường hợp nào. Đó là thực trạng khó khăn của việc tuyển dụng giáo viên lên vùng cao, nhưng ngay ở miền xuôi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, năm học 2022 - 2023, tỉnh được giao 614 biên chế nhưng chỉ tuyển được 140 người vì không có nguồn tuyển.

Câu chuyện nguồn tuyển với nhiều địa phương đến nay vẫn là một bài toán khó, nhất là từ khi chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo Luật Giáo dục 2019 nâng lên so với trước đây, yêu cầu chuẩn giáo viên mầm non phải từ cao đẳng trở lên, chuẩn giáo viên tiểu học là trình độ đại học. Lãnh đạo nhiều địa phương như Quảng Nam, Lào Cai… đã từng đề nghị Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ xem xét hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng để giải quyết khó khăn về nguồn tuyển.

Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên là nguyên tắc đầu tiên cần phải đảm bảo để duy trì việc dạy và học trong nhà trường. Như Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn từng chia sẻ, thực tế ghi nhận có giáo viên theo chuẩn cũ được đào tạo ở các trường cao đẳng ra chưa đáp ứng được chuẩn mới. Lộ trình từ nay đến 2030 phải hoàn thành bồi dưỡng, nâng chuẩn.

Trên cơ sở nhiều địa phương đề xuất, Bộ GDĐT để tạm tuyển số giáo viên theo chuẩn cũ, đẩy mạnh bồi dưỡng đến 2030 để số giáo viên này đạt chuẩn. Nếu đến lúc đó họ chưa đạt chuẩn thì sẽ chấp nhận không tham gia trong đội ngũ. Giải pháp này được đánh giá là phù hợp trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay khi chương trình, sách giáo khoa mới đã có, đã triển khai nhưng nguồn lực giáo viên vẫn thiếu, chưa đảm bảo số lượng dẫn đến các địa phương, nhà trường gặp khó trong việc sắp xếp đội ngũ, môn học…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạ chuẩn để đảm bảo nguồn tuyển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO