Ngày 8/7, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho hai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam (đoạn đi qua địa bàn Thủ đô).
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao UBND các xã: Đại Xuyên, Phượng Dực, Chuyên Mỹ, Thường Tín, Thượng Phúc, Ngọc Hồi, Tiến Thắng, Quang Minh, Thư Lâm, Phúc Thịnh, Đông Anh, Phù Đổng, Thuận An được giao trực tiếp tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong phạm vi hành chính quản lý; đồng thời phối hợp xây dựng hồ sơ, phương án, kế hoạch chi tiết để triển khai giải phóng mặt bằng đúng tiến độ.
Trên cơ sở hồ sơ ranh giới giải phóng mặt bằng tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và tiến độ tổng thể được phê duyệt, các địa phương sẽ phối hợp cùng sở, ngành xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hai dự án quan trọng này.
UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các địa phương để xác định vị trí, quy mô các khu tái định cư, lập hồ sơ trình UBND thành phố phê duyệt, đồng thời khẩn trương tổ chức đầu tư xây dựng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Các đơn vị liên quan có trách nhiệm khảo sát, lập kế hoạch, dự trù nhu cầu vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; trình UBND thành phố thông qua Sở Tài chính để đảm bảo phù hợp với tiến độ dự án.
Sở Tài chính chủ trì tham mưu kế hoạch ứng vốn ngân sách thành phố phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và tổng hợp nhu cầu vốn từ các đơn vị được giao nhiệm vụ để trình UBND thành phố, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp cần thiết, UBND thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng để làm rõ cơ chế ứng vốn, hoàn vốn, đảm bảo triển khai nhanh nhưng vẫn tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.
Sở Xây dựng làm đầu mối phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) tiếp nhận, rà soát hồ sơ thiết kế sơ bộ, ranh giới giải phóng mặt bằng; thống nhất phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga và các yếu tố kỹ thuật khác.
Đồng thời, Sở Xây dựng cũng sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tham mưu UBND thành phố phương án tổ chức triển khai, giải quyết vướng mắc vượt thẩm quyền, đảm bảo tiến độ triển khai dự án.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội được giao chủ trì phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) thu thập thông tin về hướng tuyến, vị trí các nhà ga, làm cơ sở lập đề cương, dự toán lựa chọn tư vấn lập nhiệm vụ và quy hoạch TOD (Transit-Oriented Development – phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng) xung quanh các vị trí dự kiến đặt ga.
Dựa trên các phương án tuyến và công trình dọc hành lang hai tuyến đường sắt quốc gia, đơn vị này sẽ lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch TOD và kế hoạch phát triển đô thị chi tiết, bao gồm tiến độ, nguồn lực và phương án đầu tư.
Các sở, ngành và địa phương được giao nhiệm vụ có trách nhiệm báo cáo tiến độ định kỳ (tuần, tháng, quý) và đột xuất theo chỉ đạo của UBND thành phố và Bộ Xây dựng, thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.