Ngày đầu tiên thực hiện giãn cách (24/7), đường phố của Hà Nội khá vắng vẻ. Các cửa hàng không thiết yếu thực hiện đóng cửa theo quy định. Ngay sáng 24/7, lượng khách mua tại các siêu thị tăng khoảng 15-30%... Hà Nội đang triển khai phương án nhằm thực hiện tốt lưu thông hàng hóa và hạn chế xáo trộn ở mức thấp nhất.
Trao đổi về nguyên nhân đưa ra quyết định giãn cách xã hội với Hà Nội từ 6h00 ngày 24/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, quyết định áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg đã được chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân.
Phố xá vắng vẻ; siêu thị, chợ dân sinh đông đúc
Ngày đầu tiên Hà Nội áp dụng Chỉ thị số 17 theo tinh thần của Chỉ thị số 16 để tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19. Đường phố Hà Nội giảm lượng lưu thông lớn, nhiều con phố vắng vẻ. Các cửa hàng không thiết yếu thực hiện đóng cửa theo quy định. Bến xe Giáp Bát cũng “khóa cửa sắt”, ngưng hoạt động.
Ghi nhận của phóng viên, tại các siêu thị và một số khu vực chợ dân sinh vẫn khá đông đúc dù nhiều người đã có kinh nghiệm mua sắm từ đợt giãn cách trước. Vào khoảng 8h30, lượng người dân đến mua hàng ở các siêu thị tăng dần. Người dân chủ yếu mua sắm các loại rau củ quả, thực phẩm tươi sống và một số loại đồ khô… để dự trữ. Tại hệ thống siêu thị Vinmart, lượng hàng hóa được chuẩn bị sẵn sàng. Nhân viên liên tục xếp hàng lên các kệ, khu vực thanh toán cũng được tăng cường nhân viên để hỗ trợ người dân.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc vận hành Công ty VinCommerce (VCM) cho biết: Tại Hà Nội, VCM có 41 siêu thị VinMart và hơn 800 cửa hàng VinMart+. Hệ thống đã làm việc với các nhà cung cấp lớn tăng lượng cung ứng gấp 3 đối với hàng thực phẩm thiết yếu, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần. Các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây... cũng nhiều hơn và làm để đảm bảo hàng trên quầy kệ không bị trống.
Tập đoàn Masan cũng tăng công suất hoạt động sản xuất của các nhà máy lên mức tối đa nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: Mỳ ăn liền, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt...
Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị Big C đã tăng cường nguồn cung hàng hóa, đa dạng các kênh bán hàng, kéo dài thời hoạt động đến 22h, nếu sắp tới cần thiết sẽ kéo dài thêm để phục vụ khách hàng mua sắm tạo điều kiện mua sắm giãn cách. Về nguồn cung hàng hoá, Big C đã tiến hành làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung, nâng cao trữ lượng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn để sẵn sàng phục vụ khách hàng. Đối với hàng thực phẩm khô, BigC đã dự trữ tăng 30-50% với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao. Đối với hàng tươi sống, BigC đã làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng lên 200-300% so với thông thường.
Tại một siêu thị tại quận Hoàng Mai, chị Trần Mai Hoa cho biết: Gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn một số đồ khô cần thiết. Đối với thực phẩm tươi sống, khoảng 2-3 ngày tôi đi chợ hoặc đi siêu thị một lần. Tôi cho rằng siêu thị hoạt động liên tục, không nghỉ nên mọi người nên an tâm, không lo tích trữ hàng hóa.
Giải pháp cấp bách phòng, chống dịch
Cũng trong sáng 24/7, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai chủ trì hội nghị thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, trong bối cảnh Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6 giờ sáng cùng ngày.
Về diễn biến tình hình dịch đợt này, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trung bình 1 ngày Hà Nội phát hiện thêm 50-60 trường hợp, dự kiến thời gian tới diễn biến tăng vì có nhiều trường hợp phát hiện qua cộng đồng, thông qua sàng lọc, các trường hợp mắc nhưng không có triệu chứng. Đợt dịch này chủ yếu là biến chủng virus Delta và Delta+ có khả năng lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn, chỉ từ 2-3 ngày.
Thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, Sở Y tế đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn. Hiện nay, đang là phương án, kịch bản 1.000 giường đã được thực hiện. Cùng với đó, sở xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 20.0000 giường và 50.000 giường... và chia 4 tầng điều trị. “Với những kịch bản như vậy, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, trong thời gian tới, hoàn toàn đáp ứng được với từng tình huống cụ thể”, Phó giám đốc Sở Y tế khẳng định.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cũng thông tin: Với việc bảo đảm hàng hóa, Sở Công thương đã được giao triển khai từ đầu năm 2020, hiện đang triển khai phương án 5 với mức hàng dự trữ tăng 3 lần so với các tháng bình thường với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng của 17 mặt hàng thiết yếu. Hiện nay, nguồn cung hàng hóa đã được doanh nghiệp triển khai, thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo thành phố, lượng dự trữ đang tăng từ 30-50% được bố trí trong kho hàng tại nội đô và một số tỉnh lân cận.
Khẳng định, TP đã có chỉ đạo các sở, ngành để kích hoạt đồng bộ, thống nhất bảo đảm lưu thông hàng hóa tốt nhất cho người dân. Bà Lan thông tin: Ngay sáng 24/7, lượng khách mua tại các siêu thị tăng khoảng 15-30%, nhưng hàng hóa vẫn bảo đảm bình thường. Tại các chợ dân sinh, nguồn hàng cũng được tiểu thương bảo đảm, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. Hà Nội đang triển khai phương án để giúp doanh nghiệp thực hiện tốt lưu thông hàng hóa.
Được biết, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Ý thức của mỗi người dân là rất quan trọng
Trước đó, trao đổi về nguyên nhân đưa ra quyết định quan trọng nêu trên, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, quyết định áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg đã được chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân và phát huy hiệu quả cao.
“Trên thực tế, Hà Nội đã có kinh nghiệm áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg trong năm 2020. Ngay trước khi thực hiện giãn cách xã hội lần này, thành phố đã áp dụng các biện pháp tiệm cận. Qua đó cho thấy, không chỉ cấp ủy, chính quyền thành phố đã có sự chuẩn bị nhằm bảo đảm đời sống nhân dân, mà bản thân người dân cũng làm quen và dần thích nghi với Chỉ thị số 16/CT-TTg”, Bí thư Thành ủy nói.
Nhấn mạnh vai trò trung tâm, chủ thể của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19, ông Đinh Tiến Dũng kêu gọi mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. “Ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này là vô cùng quan trọng. Mong rằng từng cá nhân hãy cố gắng có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt lưu ý việc tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng” bởi đây vẫn là hạn chế, nhất là cấp cơ sở.
Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trực tiếp là người đứng đầu phải công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng, chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/7 để kịp thời giải quyết công việc trong mọi tình huống.
Cụ thể hóa trách nhiệm giám sát địa bàn cho từng cá nhân đồng chí cấp ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ các cấp; cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố cũng như khuyến khích các kênh giám sát của nhân dân thông qua mạng xã hội của khu dân cư địa phương.
Tăng lượng hàng hóa thiết yếu, đảm bảo đời sống nhân dân
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo ngành Công thương Hà Nội đã phối hợp tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích gấp 3 lần bình thường, nhiều mặt hàng tăng gấp 5. Chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm vẫn được phép hoạt động. Phương án cung ứng hàng hóa với 3 cấp độ tuỳ từng tình huống dịch đã sẵn sàng. Sở Giao thông Vận tải đã tạo “luồng xanh” thông suốt và cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển.