Kết quả tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm là tiền để du lịch Hà Nội có thể đạt mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ đón khoảng 29 triệu lượt khách với doanh thu du lịch ước đạt hơn 103 nghìn tỷ đồng.
Hà Nội đã và đang là điểm đến thu hút du khách mọi nơi trên thế giới. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN).
Trong 6 tháng đầu năm 2019, du lịch Hà Nội đã đạt dấu mốc mới về doanh thu và lượng khách khi đón gần 14,4 triệu lượt khách, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt doanh thu hơn 50 nghìn tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả trên là tiền đề để Hà Nội có thể thực hiện được mục đặt ra đến hết năm 2019 sẽ đón khoảng 29 triệu lượt khách với tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 103 nghìn tỷ đồng.
Tăng trưởng ấn tượng
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, riêng trong tháng 6/2019, ước tính khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 2,6 triệu lượt, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt hơn 413 nghìn lượt, tăng 12,8%.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.336 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Với đà tăng trưởng đó, 6 tháng đầu năm nay lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng 9,5%, ước đạt gần 14,4 triệu lượt.
Khách du lịch quốc tế ước đạt hơn 3,3 triệu lượt, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa ước đạt khoảng 11 triệu lượt, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tiêu biểu trên địa bàn thành phố trong nửa đầu năm 2019 giữ nhịp độ tăng trưởng khá.
Về tình hình kinh doanh khách sạn, trên địa bàn Hà Nội có 3.499 cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, căn hộ du lịch, nhà nghỉ du lịch), với tổng số 60.812 buồng phòng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Thủ đô đã có sự hiện diện của các thương hiệu quản lý hàng đầu thế giới cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tượng khách; đủ năng lực phục vụ thành công nhiều sự kiện trong nước và quốc tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn ước đạt 72,7%, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2018, duy trì mức công suất tốt.
Khách quốc tế lưu trú tập trung là khách quốc tịch Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Công suất sử dụng phòng của các khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội đạt khoảng 80%.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, du lịch Thủ đô đang ngày một chuyên nghiệp và tạo được ấn tượng với du khách trong thời gian qua là nhờ hệ thống sản phẩm và dịch vụ ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Nhiều điểm đến truyền thống vẫn phát huy được thế mạnh, tổ chức nhiều hoạt động để tăng lượng khách đến. Các thương hiệu khách sạn cao cấp quốc tế, hệ thống sân golf chuẩn quốc tế, các trung tâm thương mại quy mô lớn… đều có mặt ở Hà Nội.
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hiện có đường bay trực tiếp đến hơn 40 quốc gia trên khắp các châu lục tạo điều kiện thu hút du khách đến với Thủ đô.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, Hà Nội đã thành công trong việc thực hiện quảng bá, tuyên truyền tiềm năng du lịch một cách bài bản và chuyên nghiệp.
Du lịch Hà Nội cũng ghi điểm hơn khi tạo được những điểm đến thú vị, những sản phẩm có tính thương hiệu. Đồng thời Hà Nội cũng bắt kịp với xu hướng du lịch của thế giới khi vận dụng sáng tạo những mô hình du lịch mới như du lịch xanh, du lịch không khói thuốc, du lịch thông minh…
Năm 2019, Hà Nội tiếp tục có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín về du lịch. Hãng hàng không ANA của Nhật Bản xếp Hà Nội đứng thứ 25/26 các thành phố châu Á tốt nhất để làm việc và du lịch.
Hà Nội được nhận giải Travelers’ Choice Awards năm 2019, xếp thứ 4/25 điểm đến hàng đầu châu Á; xếp thứ 15/25 điểm đến hàng đầu thế giới do du khách bình chọn trên trang TripAdvisor.
Mới gần đây, hãng thông tấn CNN của Mỹ bình chọn Hà Nội là điểm đến của Việt Nam lọt tốp "Danh sách vàng những điểm du lịch tốt nhất châu Á" năm 2019.
Để tăng cường quảng bá hình ảnh, mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ký kết Bản ghi nhớ Chương trình hợp tác với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh CNN quốc tế giai đoạn 2019-2024. Trong giai đoạn này, CNN tiếp tục giới thiệu về Hà Nội dựa trên các nền tảng về giá trị văn hóa, lịch sử và con người Thủ đô, cửa ngõ liên kết tới những điểm đến khác của đất nước.
Sở Du lịch Hà Nội cũng triển khai các nội dung hợp tác giữa Sở Du lịch với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam về việc phối hợp tổ chức đón các đoàn khảo sát của Nhật Bản, Australia và châu Âu trong năm 2019; phối hợp tổ chức chương trình “Mùa Hè châu Âu” tại khu vực nhà Bát Giác - Vườn hoa Lý Thái Tổ. Cũng trong thời gian này, Sở Du lịch Hà Nội xúc tiến xây dựng các sản phẩm du lịch vùng ngoại thành dựa trên việc khai thác tiềm năng du lịch tại các huyện, thị xã.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Sân nhà cổ trong Di tích làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN).
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước, thời gian tới, ngành du lịch thành phố tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa là điểm đến du lịch gắn với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Trong đó ngành chú trọng xây dựng điểm đến du lịch chất lượng để nhân rộng mô hình hoạt động; lựa chọn các khu, điểm du lịch chất lượng cao cần tập trung đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn, tiêu biểu của thành phố trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Sở Du lịch Hà Nội cũng chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp khảo sát, xây dựng và kết nối các điểm đến dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố, trọng tâm là các điểm đến du lịch gắn với di sản, làng nghề có giá trị trên địa bàn Thủ đô để quảng bá, tuyên truyền, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đặc biệt, với 18 huyện, thị xã, ngoại thành Hà Nội được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng du lịch, nhất là khu vực thuộc vùng văn hóa xứ Đoài, với đậm đặc các dấu tích văn hóa cổ, mang đặc trưng làng quê đồng bằng Bắc Bộ cùng cảnh quan tự nhiên đẹp.
Thay vì tập trung phát triển du lịch khu vực nội đô như trước, ngành du lịch Thủ đô đang từng bước khai thác tiềm năng du lịch ngoại thành nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát triển toàn diện du lịch, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế-xã hội địa phương.
Tới đây để đánh thức những tiềm năng, lợi thế nhằm hấp dẫn du khách, theo các chuyên gia cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành, các huyện ngoại thành Hà Nội cần có giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn, đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo môi trường du lịch lành mạnh, đẩy mạnh sự kết nối với ngành du lịch Thủ đô.
Đứng trên góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng địa phương cần tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi bởi nếu chỉ dựa vào tiềm năng thôi chưa đủ.
Bên cạnh đó, các huyện cần quan tâm quản lý điểm đến bởi nó ảnh hưởng lớn đến việc khai thác sản phẩm giữa doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp ở nơi khác. Do vậy, phải tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp để từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của du khách và sự phát triển của thị trường.
Theo quan điểm của Sở Du lịch Hà Nội, việc xây dựng điểm đến du lịch khu vực ngoại thành phải làm từng bước và có sự đầu tư dài hạn. Để trở thành điểm đến thu hút đông du khách hay trở thành một tour du lịch hoàn chỉnh, các huyện cần có sự kết nối thường xuyên với doanh nghiệp lữ hành.
Một điều quan trọng khác, địa phương cần quan tâm hơn đến cảnh quan môi trường, lắp đặt biển chỉ dẫn cho khách tham quan.
Địa phương cũng cần có kế hoạch cụ thể, quy hoạch các phân khu chức năng đón tiếp, phục vụ khách, dịch vụ bổ trợ...
Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng hệ thống biển, bảng chỉ dẫn, chuẩn hóa bài thuyết minh, hỗ trợ huyện đào tạo chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ, người làm du lịch trên địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất cho địa phương phát triển du lịch.