Hà Nội bước vào đợt giãn cách xã hội tiếp theo, kéo dài từ 23/8 đến 6/9. Theo khảo sát của PV Đại Đoàn Kết, tại hệ thống các chợ, siêu thị, nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, không có dấu hiệu khan hàng.
Nếu như trong các ngày 21 và 22/8, lượng người đi mua sắm có đông hơn ngày thường do đúng vào dịp Lễ Vu Lan, thì ngay sau đó, không khí mua sắm đã dịu xuống. Sáng 23/8, lượng người mua đến mua sắm tại các chợ truyền thống và siêu thị đã thưa hơn. Hàng hóa tại các chợ cũng rất dồi dào, các sản phẩm lương thực, rau củ quả thiết yếu vẫn đầy đủ tại các sạp. Giá vẫn ổn định, không có dấu hiệu khan hiếm.
Tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) giá thịt lợn dao động quanh mức 150.000 đồng – 180.000 đồng/kg, thịt gà có giá 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg. Thịt bò 250.000 đồng - 320.000 đồng/kg tùy loại. Các loại rau củ quả cũng vẫn giữ giá như những tuần trước đó. Cà chua 25.000 đồng/kg, rau muống 10.000 đồng/mớ, bí xanh 20.000 đồng - 25.000 đồng/kg...
Tại các siêu thị như Vinmart, Mega Market, Co.op mart…, nguồn cung hàng hóa cũng đầy đủ, thực phẩm tươi sống, đồ khô xếp đầy ăm ắp, người dân không lo thiếu hàng. Theo nhận định của đại diện các siêu thị, lượng người đến mua trực tiếp giảm hơn trước, thay vào đó, số đơn đặt hàng online tăng mạnh.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ đầu tháng 8 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP Hà Nội đã phải đóng cửa 20 chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Để tránh tình trạng “đứt gẫy” chuỗi cung-cầu, ngành Công thương Hà Nội và các siêu thị đã đa dạng hình thức phân phối trong tình hình mới.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan, trước khi bước vào các đợt giãn cách mới, Hà Nội đã có phương án cụ thể về cung ứng thực phẩm. Đối với doanh nghiệp có hệ thống phân phối, thành phố luôn chỉ đạo dự trữ hàng hóa tăng 30% tại các kho hàng, dự trữ hàng hóa tại quầy kệ tăng 50%. Theo bà Lan, với lượng hàng hóa dồi dào tại như vậy, trong những đợt giãn cách vừa qua, hoàn toàn không còn hiện tượng người dân lo lắng đổ xô đi mua hàng. Cùng với đó, phương thức vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng cũng được đảm bảo kịp thời trong thời gian giãn cách.
Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã cấp mã trên 9.000 xe máy và trên 14.000 shipper vận chuyển hàng. Ngoài ra, thành phố có trên có 8.250 điểm bán bình ổn hàng hóa, tăng 7 lần so với năm ngoái. Sở Công Thương Hà Nội đang tiếp tục phối hợp mở các điểm bán hàng của các quận, huyện, thị xã bán hàng lưu động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đã có 9 quận huyện triển khai các điểm bán hàng. Đồng thời, mở hàng nghìn điểm bán hàng của bưu điện.
Để người dân yên tâm thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch, không phải lo lắng tình trạng giá cả bị đẩy lên, Sở Công Thương niêm yết công khai 8.216 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, triển khai 36 điểm bán hàng lưu động. Hệ thống siêu thị cũng đa dạng các hình thức bán hàng như: Trực tuyến, bán hàng combo, đi chợ hộ... Đồng thời 9 quận tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa.
Cùng với việc cung ứng hàng hóa, bố trí các điểm bán hàng thiết yếu đầy đủ phục vụ người dân, việc niêm yết giá và kiểm soát giá cũng được Sở Công Thương Hà Nội thực hiện nghiêm ngặt, nên giá cả hàng hóa vẫn ổn định.