Đầu quý 2 tới, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ triển khai việc kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hà Nội có khoảng 2.600 chung cư thì có đến 86 chung cư xảy ra tranh chấp, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư…
Nhiều chung cư tại Hà Nội sẽ được kiểm tra.
Nhiều chung cư vào “tầm ngắm”
Theo Kế hoạch số 23/KH-SXD (QLN) vừa được Sở Xây dựng Hà Nội ban hành, cơ quan này sẽ tổ chức kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội ngay đầu quý 2 năm nay. Theo đó, về nội dung, kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố, những kết quả đạt được, làm rõ những hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ, xác định nguyên nhân trách nhiệm, nhằm kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư;
Việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU, ngày 28/6/2019, của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 241/KH-UBND, ngày 15/11/2019, của UBND thành phố về triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TU, của Thành ủy.
Đối tượng kiểm tra gồm UBND các quận, huyện, thị xã có nhà chung cư. Dự kiến, trong quý II//2020 tổ chức kiểm tra tại các quận, huyện: Long Biên; Nam Từ Liêm; Bắc Từ Liêm; Hà Đông; Thanh Xuân; Cầu Giấy; Ba Đình; Đống Đa; Tây Hồ; Hai Bà Trưng; Hoàng Mai; Thanh Trì; Quý III+IV/2020, tổ chức kiểm tra tại các quận, huyện: Gia Lâm; Hoài Đức; Chương Mỹ; Thanh Oai; Mê Linh; Đan Phượng, Quốc Oai.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay có 13,5% dân số Hà Nội đang sinh sống ở chung cư. Thành phố có gần 2.600 chung cư, chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước, trong đó có gần 1.580 chung cư cũ, 845 chung cư thương mại và 174 chung cư tái định cư.
Tuy nhiên, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương có số lượng lớn chung cư, nhiều hơn hẳn so với các địa phương nhưng cũng là hai “điểm nóng” về các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra tại các chung cư. Đặc biệt là các mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư . Có nhiều vụ việc lên tới đỉnh điểm khiến cư dân các chung cư bức xúc, tổ chức biểu tình…
Bộ Xây dựng cho biết, những tranh chấp chủ yếu xảy ra giữa cư dân và chủ đầu tư liên quan đến diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng. Cụ thể, tranh chấp về phần diện tích nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, diện tích kinh doanh, cho thuê… đây chính là một trong những tranh chấp gay gắt nhất giữa chủ đầu tư và ban quản trị, cư dân tại các chung cư hiện nay. Ngoài ra, các tranh chấp còn liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung do chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần quỹ bảo trì cho ban quản trị.
Riêng tại Hà Nội, trong số gần 2.600 chung cư của Hà Nội, có tới 86 chung cư xảy ra hiện tượng tranh chấp liên quan đến vấn đề này, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự xã hội. Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), liên quan đến câu chuyện quỹ bảo trì chung cư, mâu thuẫn chủ yếu nằm ở việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, một số chủ đầu tư cố tình “ôm quỹ” không bàn giao cho ban quản trị tòa nhà, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân…
Hướng đến quyền lợi của dân
Có thể khẳng định, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư dường như là một “cuộc chiến” dai dẳng chưa bao giờ chấm dứt. Theo đại diện Ban Quản trị Tòa nhà C14 Bắc Hà (đường Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội), thực chất mâu thuẫn lớn nhất thường nảy sinh giữa chủ đầu tư và Ban quản trị chung cư. Chính những chồng chéo, mơ hồ trong các quy định giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư khiến cho khi có vấn đề nảy sinh thì không thể giải quyết một cách dứt điểm được. Đại diện ban Quản trị Tòa nhà C14 Bắc Hà cho biết, đáng lẽ những hồ sơ về các vấn đề liên quan mật thiết đến tính mạng người dân như cầu thang máy, phòng cháy chữa cháy… thì các chủ đầu tư rất mơ hồ, chung chung. “Ngoài ra, các vấn đề về diện tích chung, riêng, tầng hầm, đường đi nội bộ cũng luôn làm nảy sinh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và ban quản trị tòa nhà”- vị này cho hay.
Giới chuyên gia trong ngành bất động sản nhận định, câu chuyện tranh chấp ở chung cư thường liên quan đến 3 bên bao gồm chủ đầu tư, ban quản trị và chính quyền địa phương. Không chỉ ở Việt Nam, đây là câu chuyện xảy ra ở nhiều nước. Theo ông Nguyễn Trần Nam- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), việc đưa ra những chính sách hài hòa, cần bằng lợi ích được cả ban bên là cần thiết. Song, theo quan điểm của ông Nam, nếu không thể hài hòa được thì các chính sách cần hướng đến quyền lợi của người dân. Bởi người dân là phe yếu, không có tiềm lực kinh tế, hiểu biết chưa cao, mối quan hệ ít, trong khi doanh nghiệp nào cũng có đầy đủ bộ pháp chế, luật sư, các hồ sơ đều làm chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Đối với quyết định của Sở Xây dựng Hà Nội trong việc kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố, dư luận kỳ vọng, sự vào cuộc của nhà quản lý lần này sẽ hóa giải được những mâu thuẫn tồn tại lâu nay tại các chung cư trên địa bàn Hà Nội.