Giao thông

Hà Nội: Nỗ lực tìm hướng phát triển mạng lưới vận tải công cộng

Lê Khánh 22/11/2023 14:09

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến về đề xuất xây dựng thêm 6 tuyến đường sắt mới. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát mạng lưới xe buýt để hoạt động hiệu quả...

Lấy ý kiến để xây dựng thêm 6 tuyến đường sắt

UBND TP Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo đề án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 (thay thế quy hoạch 1259, ban hành tháng 7/2011).

Theo dự báo, vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2025 sẽ đáp ứng 27 - 31% nhu cầu của người dân (hiện là 9,5%), trong đó xe buýt đáp ứng 18 - 19%, đường sắt đô thị đáp ứng 4 - 7%.

Đến 2030, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 35 - 40%, trong đó xe buýt chiếm 20% và đường sắt đô thị chiếm 10 - 14%.

img_3326.jpg
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Để hoàn thành dự thảo Đề án, UBND TP Hà Nội lấy ý kiến 30 quận huyện, thị xã và đại diện 8 tỉnh, thành phố có địa giới giáp ranh với Hà Nội về các mục tiêu phát triển không gian đô thị và hạ tầng GTVT.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030 - 2045, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đạt được từ 40 đến 60% nhu cầu đi lại của người dân, TP Hà Nội đưa ra hướng phát triển các loại hình VTHKCC, trong đó trọng tâm là đường sắt đô thị (đường sắt nội đô).

Đánh giá về khả năng phục vụ của VTHKCC và sau 12 năm thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết: Loại hình xe buýt vẫn đang đóng vai trò vận chuyển chủ đạo với hơn 120 tuyến buýt trợ giá (trong đó bao gồm cả tuyến buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã - Hà Đông), năng lực đáp ứng được 19% nhu cầu của người dân (so với mục tiêu của quy hoạch là 30 đến 35% nhu cầu).

Về hệ thống đường sắt, theo quy hoạch có 10 tuyến với 413km, nhưng đến nay mới thực hiện 1 đoạn tuyến dài 14km thuộc tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông (đạt 6,5% yêu cầu).

Hệ thống đường sắt monorail (đường sắt đô thị 1 ray) quy hoạch 3 tuyến với chiều dài 44km, hiện chưa thực hiện được tuyến nào.

Trên cơ sở đó, Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến các quận huyện, các tỉnh thành lân cận để dự thảo Đề án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội trình các cấp. Ngoài 10 tuyến đã có quy hoạch, thành phố Hà Nội đề xuất xây dựng thêm 6 tuyến mới.

Hà Nội sẽ ưu tiên xem xét bổ sung 3 tuyến, gồm tuyến đi theo đường Lê Văn Lương để thay thế tuyến BRT trong tương lai; tuyến tại đô thị Bắc sông Hồng theo hướng song song tuyến số 4 và kết nối với khu vực Long Biên, Gia Lâm; tuyến chạy dọc theo trục phía Nam kết nối đô thị trung tâm và các địa phương dọc trục phát triển phía Nam với sân bay thứ 2.

Sau đó, nghiên cứu xem xét bổ sung thêm 3 tuyến mới, gồm tuyến chạy dọc theo Quốc lộ 18 (kết nối sân bay Nội Bài với Bắc Ninh); tuyến dọc theo Vành đai 1; tuyến chạy dọc theo đường Vành đai 2.

Mạng lưới xe buýt cần tiếp tục rà soát để đạt hiệu quả

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo quy hoạch hệ thống xe buýt nhanh BRT trên địa bàn Hà Nội từ năm 2011 đến 2030 tầm nhìn 2050 sẽ có 11 tuyến, chiều dài hoạt động 316 km.

Song, đến nay sau 12 năm thực hiện, thành phố đã thực hiện được 1 tuyến là tuyến BRT số 01 lộ trình Kim Mã - Hà Đông với 14 km, đạt khoảng 4,4% nhu cầu.

Sở GTVT Hà Nội đánh giá, mạng lưới vận tải hành khách công cộng gồm đường sắt đô thị và xe buýt, trong đó có buýt BRT vẫn được xác định là trụ cột của VTHKCC.

image.daidoanket.vn-images-upload-lekhanh-11282022-_z3916759097047_52bc36598b12ba70a3136e966861431b.jpg
Đánh giá toàn diện tuyến buýt nhanh BRT trong quý IV/2023.

"Thời gian tới, mạng lưới xe buýt cần tiếp tục rà soát, hợp lý hóa mạng lưới tuyến để tăng cường hiệu quả hoạt động, đảm bảo kết nối giữa các loại hình giao thông trong đô thị", đại diện Sở GTVT cho hay.

Theo báo cáo đánh giá của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, tuyến buýt nhanh BRT là một trong các tuyến buýt hoạt động hiệu quả, trong các năm từ 2017 - 2022, đều đạt sản lượng, doanh thu cao nhất toàn mạng lưới buýt và cần thiết duy trì hoạt động của tuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy nhiên, hiện dư luận xã hội vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về tính hiệu quả và sự phù hợp của loại hình này đối với Hà Nội. Về quan điểm của Sở, trước mắt cần tiếp tục duy trì hoạt động loại hình BRT, cùng với đó kết hợp các giải pháp về tổ chức giao thông phù hợp để thu hút người dân tham gia. Việc tiếp tục triển khai loại hình BRT trong thời gian tới sẽ được xem xét đánh giá kỹ lưỡng.

Với tương lai của BRT, Sở đang khẩn trương triển khai việc rà soát đánh giá tổng thể mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trong đó có xem xét đánh giá đối với mạng lưới xe buýt nhanh BRT hiện nay. Dự kiến trong Quý IV/2023, Sở GTVT sẽ hoàn thành báo cáo nội dung này với UBND thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Nỗ lực tìm hướng phát triển mạng lưới vận tải công cộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO