Từ tháng 6/2024, Hà Nội chính thức triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 23 phường, tiến tới triển khai trên toàn thành phố. Điều này đang được nhiều người kỳ vọng để rác thải không còn là câu chuyện gây ra nhiều bức xúc cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Hà Nội thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt…
Ngược dòng thời gian, từ năm 2006, một dự án phân loại rác thải do Nhật Bản tài trợ đã được thực hiện ở một số phường của Hà Nội. Dự án kéo dài trong 4 năm và được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 tổ chức khảo sát và đã triển khai trong năm 2006, các chuyên gia Nhật Bản đi khảo sát thực tế tại các điểm xử lý chất thải các phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Láng Hạ, Thành Công.
Giai đoạn 2 được thực hiện năm 2007 với việc thí điểm phân loại rác từ nguồn tại 4 quận: Ba Ðình, Hoàn Kiếm, Ðống Ða, Hai Bà Trưng, đồng thời triển khai các hoạt động tuyên truyền về giữ gìn môi trường thành phố.
Giai đoạn 3 được thực hiện trong năm 2008 - 2009 với việc đánh giá hiệu quả dự án, đồng thời nhân rộng dự án ra nhiều quận của thành phố.
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, dự án không mang lại kết quả như kỳ vọng. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó các chuyên gia nêu ra là do chưa đồng bộ hệ thống hạ tầng thu gom cũng như hệ thống pháp luật.
Phân loại rác tại nguồn là một chủ trương đúng đắn bởi rác thải nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu có thể tái chế… cũng bị vùi chôn trong đất mà theo tính toán phải mất hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Trong khi đó, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế.
18 năm sau, tháng 6/2024, Hà Nội tiếp tục thực hiện thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Theo Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO), thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH - rác) tại nguồn, công ty sẽ phối hợp triển khai thí điểm tại 23 phường thuộc 5 quận trên địa bàn thành phố do URENCO phụ trách gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm.
Cụ thể, quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ, quận Ba Đình tại phường Nguyễn Trung Trực; quận Nam Từ Liêm áp dụng tại 2 phường Phú Đô, Cầu Diễn; quận Đống Đa tại phường Nam Đồng. Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở cả 18 phường.
Thời gian thí điểm giai đoạn 1 đến quý I/2025. Sau đó, các quận tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương án để tiếp tục thí điểm giai đoạn 2 trong các tháng còn lại của năm 2025. Việc thí điểm để có số liệu, kinh nghiệm thực tế cho Đề án “Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại nguồn”, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2025.
Đây sẽ là cơ sở để chuẩn bị phân loại rác tại nguồn đồng loạt trên toàn thành phố trong năm 2026.
Tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, chất thải được phân thành 4 nhóm, gồm: Chất thải có khả năng tái chế; chất thải cồng kềnh; chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt còn lại. Quận đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức quản lý của phường; chuẩn bị hạ tầng, chuẩn hóa các thiết bị thu gom như mẫu, quy cách, loại túi đựng.
Tại quận Ba Đình, đã triển khai 3 điểm tiếp nhận, thu gom rác thải cồng kềnh tại các phường Thành Công, Giảng Võ, Nguyễn Trung Trực. Thời gian mở cửa tiếp nhận rác từ 16h30’ thứ sáu đến 16h30’ thứ bảy hàng tuần.
Theo đại diện UBND quận Ba Đình, triển khai hoạt động phân loại rác tại nguồn nói chung, tập kết rác cồng kềnh nói riêng vừa nhằm thực hiện kế hoạch chung của thành phố, vừa tạo thói quen phân loại rác cho người dân, nhất là “kỹ năng” xử lý rác cồng kềnh. Sau rác thải cồng kềnh, quận sẽ mở rộng triển khai phân loại chi tiết các loại rác thải khác như rác nguy hại, rác điện tử…
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, Hà Nội mỗi ngày phát sinh khoảng 6.500-7.000 tấn rác thải sinh hoạt, đứng thứ hai cả nước chỉ sau TPHCM.
Câu chuyện rác thải cũng là một trong những vấn đề khá nhức nhối của nhiều khu dân cư của Hà Nội, đồng thời là vấn đề mà thành phố cần giải quyết, khi nhiều bãi rác đã trở nên quá tải, thậm chí gây bức xúc cho người dân vì sự ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các địa phương phải phân loại rác tại nguồn. Công nhân môi trường sẽ từ chối thu gom rác không phân loại. Hộ gia đình, cá nhân không phân loại, hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Việc phân loại rác thải cũng nhiều lần được cử tri đề xuất lên HĐND TP Hà Nội.
Với lần thí điểm quy mô rộng hơn này, nhiều người kỳ vọng bộ mặt đô thị của Hà Nội văn minh, sạch đẹp hơn. Nhưng, một số ý kiến cũng cho rằng, Hà Nội cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn. Tránh “vết xe đổ” như 18 năm trước.
Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc thí điểm phân loại rác trước khi thực hiện đồng loạt rất cần thiết. “Phải tránh bài học cũ, trước năm 2020, chúng ta chưa có quy định nào bắt buộc mà chỉ khuyến khích. Hà Nội cũng đã từng thí điểm nhưng hạ tầng chưa đồng bộ”, ông Dương nhấn mạnh.
Vấn đề nhiều người quan tâm là sự đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại, thu gom, đặc biệt là xử lý tái chế rác thải sinh hoạt là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của phân loại rác tại nguồn. Chính vì vậy, việc đầu tư, huy động các nguồn lực cho hạ tầng xử lý, tái chế rác thải được rất nhiều địa phương quan tâm, nhất là các vùng nông thôn, miền núi nơi việc xử lý rác thải đang gặp rất nhiều khó khăn.
Còn lúng túng
Nhìn rộng ra, câu chuyện phân loại rác thải cũng đang trở thành mối lo của nhiều địa phương trên cả nước. Hiện nay hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai phân loại rác thải rắn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch phân loại rác thải rắn. Các địa phương đang đợi các hướng dẫn của Bộ để triển khai thực hiện.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương), mặc dù đã có 2 năm cho công tác chuẩn bị kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, nhưng đến nay khâu chuẩn bị vẫn chưa được kỹ.
“Hiện tại nhiều người dân, nhiều chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ việc phân loại rác thải như thế nào, trả tiền theo lượng rác thải ra sao, sau thu gom sẽ xử lý ra sao, nơi tập kết rác như thế nào. Nhiều địa phương cũng chưa thực sự sẵn sàng cho công tác chuẩn bị”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trăn trở.
Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc và nhiều vấn đề nan giải cũng đang được đặt ra như thiếu thiết bị thu gom, thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng đạt chuẩn, thiếu địa điểm tập kết và thiếu quy định về đơn giá, định mức thu gom, xử lý rác thải.
P.V