UBND TP Hà Nội vừa ban hành công văn về việc tăng cường quản lý di tích và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh vai trò người đứng đầu.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa tiến hành kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Sau quá trình kiểm kê, rà soát, thành phố Hà Nội nhận diện thêm được 567 di tích. Tổng số di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội là 6.489 di tích.
Theo các chuyên gia, việc kiểm kê di tích không chỉ đơn thuần là công tác thống kê số lượng mà còn là nền tảng quan trọng để phân loại, xây dựng hồ sơ xếp hạng, từ đó bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững. Di tích không chỉ là minh chứng sống động của lịch sử mà còn là nguồn lực quý giá thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa – ngành kinh tế mũi nhọn được kỳ vọng sẽ đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của Thủ đô trong những năm tới.
Trước nhu cầu tình hình thực tế, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn về việc tăng cường quản lý di tích và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa và quy định của pháp luật khác có liên quan khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, giá trị của các di tích; sự cần thiết phải bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án trước khi triển khai để nhân dân được biết, tích cực tham gia.
Đặc biệt, công văn nêu rõ nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, xếp hạng di tích; gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, bảo vệ và phát huy giá trị di tích thuộc địa bàn quản lý.
Theo ThS. Nguyễn Đắc Tới - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu di sản (Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển), Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích, phản ánh bề dày lịch sử, văn hóa của Thủ đô nghìn năm. Tuy nhiên, số lượng lớn cũng đồng nghĩa với áp lực lớn trong công tác bảo tồn. Mà một trong những điểm nghẽn lâu nay là thiếu cơ chế rõ ràng về trách nhiệm cá nhân trong quản lý di tích. Khi không ai chịu trách nhiệm cụ thể, di tích dễ bị xuống cấp hoặc bị xâm hại mà không ai đứng ra xử lý.
“Việc UBND TP Hà Nội ban hành công văn tăng cường quản lý di tích, trong đó nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, là một động thái cần thiết và đúng lúc. Trong công tác bảo tồn di tích, yếu tố con người luôn đóng vai trò quyết định. Khi người đứng đầu địa phương, cơ quan hay ban quản lý thực sự nhận thức được trách nhiệm của mình, việc bảo vệ và phục hồi di tích sẽ không còn là nhiệm vụ mang tính hình thức, mà trở thành hành động cụ thể, lâu dài và hiệu quả” - ông Tới nói.