“Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…” - Đó là lời trong ca khúc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao. Và nhiều người đến nay vẫn đinh ninh rằng Hà Nội có 5 cửa ô, thế nhưng theo các nhà nghiên cứu lịch sử, cùng những tư liệu mà chúng tôi tìm hiểu thì Hà Nội xưa có nhiều cửa ô.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội vừa khai mạc Trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hà Nội và những cửa ô” tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Thông qua các nguồn sử liệu, các hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, các tài liệu Hán Nôm và tiếng Pháp, trưng bày tái hiện lịch sử các cửa ô của Hà Nội; cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động nhất về các hoạt động đời sống xã hội xung quanh các cửa ô và sự biến mất của hầu hết các cửa ô vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Sử sách ghi chép lại, năm 1749, chúa Trịnh Doanh đã cho đắp một tòa thành đất bao bọc khu Hoàng thành Thăng Long, xung quanh bên ngoài có hào nước sâu cắm chông bảo vệ. Trên thân thành đất mở ra 8 cửa để cho người dân qua lại. Kiến trúc mỗi cửa được thiết kế gồm 1 cửa chính và 2 ô cửa phụ 2 bên, trên cửa có vọng lâu canh gác nên còn gọi là ô môn. Tất cả 8 cửa đều có kích thước, hình dạng giống nhau. Tên gọi “cửa ô” lần đầu xuất hiện trong lịch sử kinh thành Thăng Long.
Thời xưa, đây là các cửa ra vào kinh thành. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác. Một điểm đặc biệt khác là, phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch. Phía Tây có 2 cửa, phía Nam có 3 cửa ra sông Tô Lịch; lối ra sông Hồng có 11 cửa. Lý do là bởi thời đó, đường giao thông nối Thăng Long với các vùng khác chủ yếu là đường sông...
Người dân từ các làng nghề ngoại thành có thể mang các sản vật, nông sản vào kinh thành trao đổi, mua bán thông qua các cửa ô này; thúc đẩy sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các vùng miền, đồng thời hình thành nên bản sắc đô thị độc đáo cho đất Thăng Long xưa.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ghi rõ, theo sách “Bắc thành dư địa chí” soạn hồi đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô, nhưng không liệt kê tên đầy đủ. Bản đồ Tòa thành Hà Nội (thành đất), do ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến dựng năm 1831, có ghi vị trí và tên 16 cửa ô. Còn bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô.
Tuy nhiên, trải qua những biến động của lịch sử, những dấu tích của các cửa ô xưa đã bị xóa nhòa. Trong 5 cửa ô còn lại là Ô Chợ Dừa, Ô Đông Mác, Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền thì hiện nay cũng chỉ còn duy nhất dấu tích gần của Ô Quan Chưởng, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.
Ô Quan Chưởng kiến trúc gồm 2 tầng, được xây dựng theo kiểu vọng lầu. Tầng thứ nhất có 3 cửa, cửa chính nằm ở giữa, cao và rộng khoảng 3m, 2 cửa phụ nằm ở 2 bên, rộng khoảng 1,65m, cao 2,5m. Còn tầng thứ 2 có vọng lầu 4 mái, thu nhỏ ngay tại vị trí nóc cửa chính, xung quanh có lan can trang trí các hình lục lăng, tứ giác, hoa thị. Có một điểm đặc biệt ấn tượng tại Ô Quan Chưởng chính là ở tường phía bên trái cửa chính có gắn 1 tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881, khắc chữ “Thân cấm khư tệ”, tức lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô.
Với giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc, cửa Ô Quan Chưởng được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1994.
Còn với người Hà Nội, 5 cửa ô chính là những chứng nhân lịch sử của Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm, biến đổi; cũng là nơi ca khúc khải hoàn, hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về; từ đó Hà Nội từng bước thay da đổi thịt, ngày càng mở rộng phát triển, với những không gian, quy hoạch xứng tầm, với những con đường, đại lộ, cây cầu mới mọc lên, vươn xa...