Nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc trận chiến 60 ngày đêm, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức triển lãm “Hà Nội sau 60 ngày đêm huyết lệ”. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, người thực hiện bộ ảnh “Hà Nội - Đổi mới và hội nhập đương đại”.
Khách tham quan triển lãm “Hà Nội sau 60 ngày đêm huyết lệ”.
PV: Thưa ông, đánh dấu 70 năm kết thúc “Trận chiến 60 ngày đêm của Thủ đô huyết lệ”, lý do nào mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lại lựa chọn tổ chức triển lãm ảnh “Hà Nội sau 60 ngày đêm huyết lệ” chứ không phải là một mít tinh, lễ kỷ niệm?
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo: Thực ra đây là một dịp hiếm hoi khi đến sát ngày kỷ niệm, Trung tâm tư liệu “Xưa & Nay” thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có khai thác được một số những tư liệu của Hà Nội sau 60 ngày đêm khói lửa năm 1947. Triển lãm được tổ chức không chỉ có ý nghĩa kỷ niệm còn là cơ hội để truyền tải những hình ảnh mới được khai thác được tới công chúng. Ngoài ra, triển lãm được tổ chức cũng là dịp để cho các thế hệ sau này biết đến một giai đoạn tuy ngắn ngủi nhưng đầy bi tráng của Thủ đô. Bởi thông qua những bức ảnh không chỉ để mọi người có dịp hồi tưởng mà ngay thế hệ sau này như tôi, con tôi sẽ hiểu rằng Hà Nội thời kỳ đó tuy rằng đổ nát nhưng có những nét rất riêng. Bên cạnh đó, thông qua những nhân chứng sống đã từng đi qua những bước thăng trầm của lịch sử chúng ta sẽ có được tổng kết rất chính xác về những giá trị lịch sử mà ông cha ta đã để lại. Tôi tin rằng việc tổ chức triển có ý nghĩa hơn một buổi mít tinh kỷ niệm thông thường.
Điều đặc biệt của triển lãm không chỉ ở bức ảnh tư liệu quý giá mà còn là những hình ảnh đối chiếu giữa Hà Nội xưa và nay. Xin ông chia sẻ về ý tưởng này?
- Triển lãm “Hà Nội sau 60 ngày đêm huyết lệ” giới thiệu một số tấm ảnh may mắn còn được lưu giữ của 3 nhà nhiếp ảnh đã có tên tuổi của Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám 1945 là Trần Văn Nhung (1905-1952) cùng Trần Văn Vẻ (1930 -1988) và Nguyễn Duy Kiên (1911-1979). Các tác giả là những người dân Hà Nội trở lại với ngôi nhà của mình ngay sau khi chiến trận vừa chấm dứt kể từ lúc những chiến sĩ quyết tử đã thực hiện một cuộc “rút quân thần kỳ” vào đêm 17 rạng 18/2/1947 để bảo toàn lực lượng lên chiến khu tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài với niềm tin mãnh liệt sẽ khải hoàn trở về giải phóng Thủ đô. Đó là những tấm ảnh chụp khung cảnh một Hà Nội bị tàn phá vì bom đạn và cũng là một Thủ đô bất chấp mọi hy sinh “quyết không chịu làm nô lệ một lần nữa”. Sự đổ nát đến mức nhiều tấm ảnh không còn nhận dạng và định vị được trên tấm bản đồ phố phường Hà Nội.
Tuy nhiên, từ những tư liệu đó chúng tôi lại nảy ra một ý tưởng với những bức ảnh đã xác định được vị trí, tọa độ chúng tôi sẽ chụp lại những bức ảnh mới cũng tại góc đó với những hình ảnh của Hà Nội sau 70 năm. Nhưng rất may với nhiều bức ảnh không xác định được chính xác chúng tôi đã đăng tải lên Facebook và chỉ sau 1 tuần đã có rất nhiều bức ảnh đã được cộng đồng xác minh chính xác. Cuối cùng chúng tôi đã có được 32 bộ ảnh đối chiếu xưa và nay.
Là người trực tiếp chụp những bức ảnh đối chiếu Hà Nội xưa và nay, ông cảm nhận gì về sự đổi thay của Hà Nội sau 70 năm?
- Tôi không hiểu sao xưa các cụ chụp Hà Nội rộng thế mà ngày nay sao chật trội vậy. Mặc dù đây là những thay đổi tất yếu của cuộc sống những tôi vẫn thấy buồn bởi việc xây dựng của Hà Nội do không có quy hoạch, chiến lược lâu dài đã dẫn đến sự chật trội này. Khi tôi chụp những bức ảnh đối chiếu Hà Nội xưa và nay thú thực cảm xúc phải kìm nén rất nhiều. Bản thân phải cố thổi vào mình những cái không có trong tôi về Hà Nội để có một cái gì đó yêu mến hơn.
Hiện nay hình ảnh của Hà Nội từ những góc phố, ngôi nhà trong những bức ảnh tư liệu đang rơi vào tình trạng loạn sắc. Những bức ảnh tôi chụp thường vào thời điểm sáng sớm, khi mọi hoạt động chưa cao. Đó là lúc nhìn Hà Nội mới mềm mại chứ nếu chụp vào những giờ cao điểm thì nhộn nhạo vô cùng. Ngoài ra, việc chuyển những bức ảnh sang đen trắng cũng làm Hà Nội bớt “lòe loẹt” hơn. Chúng tôi không muốn người xem nhìn thấy độ vênh về cảm xúc giữa Hà Nội xưa và nay.
Trân trọng cảm ơn ông!