Ngày 13/4, Hiệp hội du lịch Việt Nam (HHDLVN) phối hợp với Sở VHTTDL Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển du lịch Hà Tĩnh”.
Văn nghệ dân ca Ví Giặm tại hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều quan chức, các nhà khoa học, nhà kinh doanh trong, ngoài tỉnh. Mục đích của hội thảo là nhằm tìm ra giải pháp để phát triển du lịch Hà Tĩnh. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần biến du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Tham luận “Một vài suy nghĩ về giải pháp phát triển du lịch Hà Tĩnh” do ông Ngô Đức Huy - Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh trình bày nhận được khá nhiều ý kiến tán thưởng.
Ông Huy nhận định: Hà Tĩnh là tỉnh có đủ điều kiện thuận lợi để biến du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng.
Ông Huy đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề quy hoạch. Nếu như trước đây, Hà Tĩnh coi trọng phát triển công nghiệp thì nay cần chú trọng phát triển bền vững, khai thác tiềm năng con người, cần xác định du lịch là ngành kinh tế “mũi nhọn”, “quan trọng” để tập trung ưu tiên.
“Trong điều kiện thuận với quy luật, nơi nào giữ lại được môi trường thiên nhiên thuần khiết sẽ nắm giữ một lợi thế lớn” – Ông Huy nói.
Cũng theo ông Huy, trong khoảng từ 3-5 năm tới, Hà Tĩnh phải hình thành được sản phẩm du lịch có thương hiệu riêng. “Tôi đề nghị chọn “Du lịch đường 8A” để xây dựng thành tuyến du lịch trọng điểm.
Muốn làm được việc này, cần tập trung đầu tư vào khu du lịch (KDL) biển Xuân Thành, nơi sắp tới sẽ đưa sân golf và sân đua chó vào hoạt động; KDL sinh thái Hải Thượng Lãn Ông và các sản phẩm nhung hươu, suối nước nóng Sơn Kim…” - ông Huy phát biểu.
PGS-TS Nguyễn Văn Hạnh (giảng viên Đại Học Vinh, Nghệ An) cho rằng: Hà Tĩnh đang bảo tồn khá tốt những trầm tích văn hóa giàu có, đặc sắc tạo nên diện mạo của một vùng đất sơn thủy hữu tình.
Tiềm năng, lợi thế này đóng vai trò quan trọng để phát triển loại hình du lịch văn hóa. PGS TS Nguyễn Văn Hạnh gợi mở: Chúng ta cần kết hợp khai thác với bảo tồn các di sản văn hóa; mở rộng liên kết nhiều loại hình du lịch; coi trọng công tác truyền thông.
Thông tin đầy đủ, chính xác những giá trị đặc sắc, độc đáo của các di sản phải được xem là một yêu cầu mang tính sống còn. Bên cạnh đó, thông tin quảng bá phải sáng tạo, hấp dẫn. Để thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài, cần khai thác tối đa truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội, các trang web, đặc biệt là trang web du lịch thế giới…
Ông Lê Hoài Thương (Trường cao đẳng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Du) đề xuất: Hà Tĩnh cần phát triển “du lịch xanh”, khám phá làng quê nông thôn, tham quan danh thắng bằng phương tiện thân thiện với môi trường… Cần nghiêm túc xử lý và tái tạo lại lợi thế vốn có của môi trường biển.
Bà Thương nhấn mạnh: “Cần giúp người dân địa phương nâng cao ý thức phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo vệ môi trường. Một hành động nhỏ của cư dân làm du lịch khi không vứt rác bừa bãi, thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định sẽ tạo ấn tượng tốt trong mắt du khách”…
Hội thảo đã quy tụ được 38 tham luận của những nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh và những người làm công tác đào tạo trong, ngoài tỉnh.
Tựu trung, các tham luận của các đại biểu đã hướng đến 4 giải pháp cơ bản gồm: Khai thác tốt tài nguyên du lịch văn hoá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; liên kết phát triển du lịch.
Toàn bộ tham luận đã được các đại biểu phân tích, đánh giá kỹ lưỡng. Những ý kiến đưa ra tại hội thảo là những tinh hoa góp phần giúp ngành chức năng cũng như nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đưa ra quyết sách cụ thể nhằm “chữa lành vết thương” mà ngành du lịch tỉnh này phải đối mặt trong thời gian qua.