Kinh tế

Hà Tĩnh: Hồi phục nghề truyền thống, nông dân thêm cơ hội làm giàu

Hạnh Nguyên 21/10/2024 08:25

Nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm đang được huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) phục hồi để tạo thêm cơ hội cho nông dân vươn lên làm giàu.

z5884471681484_b66def275bce3c78c293bd8329bae42f.jpg
Huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) có lợi thế về đất đồi để trồng nguyên liệu cho nuôi tằm. Ảnh: HN.

Hà Tĩnh có lợi thế phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm nhưng lâu nay, nghề truyền thống này không mấy ai mặn mà. Hiện nay, huyện miền núi Hương Sơn đang hồi phục nghề trồng dâu nuôi tằm nhằm đa dạng hóa nghề nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Huyện Hương Sơn có lợi thế quỹ đất vườn, đất đồi và đất màu ven sông dồi dào, địa phương này cũng thường xuyên khuyến khích đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, tận dụng được tối đa quỹ đất, lao động phổ thông.

z5884471678709_5762bf422b6f10c63c8b676fcccefa3c.jpg
Phục hồi nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm sẽ tạo cơ hội cho nông dân đa dạng hóa nghề nghiệp. Ảnh: HN.

Một trong những nghề truyền thống có thể phát huy lợi thế của huyện miền núi này là trồng dâu nuôi tằm. Vì vậy, năm 2022, được sự ủng hộ, tạo điều kiện của địa phương, Hợp tác xã (HTX) Cường Nga tiên phong đầu tư xây dựng mô hình thử nghiệm trồng dâu nuôi tằm trên diện tích 3ha tại xã Quang Diệm.

Khởi nghiệp ban đầu, HTX Cường Nga tận dụng nhà xưởng nên chỉ thả nuôi 2 hộp tằm/tháng. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên sản lượng kén tằm thu về không đạt như kỳ vọng. Không nhụt chí, anh Nguyễn Văn Cường - Giám đốc HTX Cường Nga tìm đến các mô hình trồng dâu nuôi tằm ở các tỉnh khác để học tập kinh nghiệm nuôi trồng và xúc tiến tìm kiếm thị trường đầu ra.

z5884471659466_b9e469d8715c1bfe0c428fa59c91f937.jpg
HTX Cường Nga tiên phong thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm ở huyện Hương Sơn. Ảnh: HN.

Cùng với sự hỗ trợ về quy trình kỹ thuật của Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, đến nay HTX tự tin làm chủ quy trình nuôi tằm con và tằm lớn, với các giống tằm chính: Lưỡng hệ Trung Quốc và VH2020.

“Nuôi tằm giống khó vì chúng đòi hỏi sự chuẩn chỉ về nhiệt độ, độ ẩm, môi trường vô trùng. Song nuôi tằm lớn chỉ cần nắm chắc kỹ thuật cho ăn, vệ sinh là có thể thành công. Hiện HTX đang định hướng sẽ nuôi tằm con (tuổi 1 - 3) trước khi chuyển giao con giống, kỹ thuật cho người dân nuôi tằm lớn (tuổi 4 - 5), sau đó liên kết doanh nghiệp bao tiêu kén tằm cho bà con”, anh Cường chia sẻ.

Nghề trồng dâu nuôi tằm hứa hẹn nâng cao thu nhập cho nông dân miền núi.
Nghề trồng dâu nuôi tằm hứa hẹn nâng cao thu nhập cho nông dân miền núi. Ảnh: HN.

Đối với vùng nguyên liệu, dâu là loài cây chịu nhiệt tốt và có khả năng thích nghi với nhiều chất đất, ít sâu bệnh. Hơn nữa, các giống dâu lai HTX đã trồng thử nghiệm không chỉ năng suất mà bộ lá to, dày nên tiết kiệm được chi phí công thu hoạch so với các giống dâu khác.

“Hiện nay diện tích dâu HTX đang sản xuất chỉ mới đủ đáp ứng công suất nuôi 4 hộp tằm/tháng, đem về đoanh thu trên 30 triệu đồng. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương phối hợp đánh giá hiệu quả mô hình, đồng thời, tạo điều kiện cho thuê đất mở rộng vùng nguyên liệu nhằm phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn toàn huyện”, anh Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.

z5884471312459_f897fd2147349ceaf43848464be7121d.jpg
Sau quá trình nỗ lực thực hiện, mô hình của HTX Cường Nga đã có thành quả. Ảnh: HN.

Theo Giám đốc HTX Cường Nga, nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Hương Sơn rất có tiềm năng. “Trước đây quỹ đất bãi bồi ven sông người dân trồng 1 vụ ngô, doanh thu đạt khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha. Hay những diện tích đất đồi núi thấp từng trồng keo, phải sau 7 năm mới cho thu hoạch với doanh thu khiêm tốn từ 70 đến 80 triệu đồng/ha. Trong khi đó, những vị trí này nếu trồng dâu nuôi tằm có thể đạt hơn 300 triệu đồng/ha”, anh Cường phân tích.

Khảo sát của UBND huyện Hương Sơn, quỹ đất vườn nông hộ từ 500m2 trở lên trên địa bàn Hương Sơn có thể vận bà con trồng dâu nuôi tằm đạt khoảng 2.000ha. Ngoài ra, có khoảng 1.000 ha đất bãi bồi ven sông không trồng ngô, trồng cỏ nuôi bò, hươu cũng có thể chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm.

z5884471660144_26e0e665386824a70c52549b3d1db621.jpg
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh kiểm tra mô hình trồng dâu nuôi tằm của HTX Cường Nga. Ảnh: HN.

Đó là chưa kể đất đồi thấp từng trồng keo, chỉ cần đảm bảo nước tưới cũng có thể chuyển đổi sang loại cây này. Trên địa bàn huyện, các địa phương có tiềm năng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tập trung ở xã: Sơn Trung, Sơn Giang, Sơn Ninh, Sơn Châu, Tân Mỹ Hà, An Hòa Thịnh, Sơn Bằng, Sơn Tây, Sơn Lĩnh...

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng cho biết: Sau khi cử cán bộ huyện cùng đồng hành HTX Cường Nga tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Nam, chúng tôi đã chỉ đạo HTX này phối hợp với chuyên gia nghiên cứu dâu tơ tằm Trung ương xây dựng mô hình nuôi thí điểm. Rất mừng, sau gần 2 năm triển khai, HTX đã làm chủ được kỹ thuật nuôi, ươm được con giống. Toàn bộ sản phẩm kén tằm thu về chất lượng tốt, sản lượng cung không đủ cầu.

Huyện miền núi Hương Sơn, Hà Tĩnh có lợi thế phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.
Nghề trồng dâu nuôi tằm mở ra nhiều cơ hội cho nông dân Hà Tĩnh vươn lên làm giàu. Ảnh: HN.

“Mô hình trồng dâu nuôi tằm ở xã Quang Diệm bước đầu cho hiệu quả rất khả thi. Sắp tới chúng tôi sẽ định hướng HTX Cường Nga liên kết theo chuỗi với hộ gia đình nhằm tận dụng tối đa quỹ đất, lao động nhàn rỗi, chủ yếu là phụ nữ để nhân rộng mô hình, nâng cao thu nhập cho bà con. Rất an tâm, đầu ra sản phẩm là cái đáng lo nhất thì nay ổn định nên cơ hội phát triển tốt”, ông Nguyễn Kiều Hưng đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Tĩnh: Hồi phục nghề truyền thống, nông dân thêm cơ hội làm giàu