Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai lấy ý kiến cho dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành. Và dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2022.
Nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông hiện nay, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai lấy ý kiến cho dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành. Và dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2022.
Cụ thể, phía Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đăng tải dự thảo Quy chuẩn nêu trên để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các tổ chức và cá nhân quan tâm. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tổng cục Môi trường sẽ tổng hợp, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn trước khi trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký ban hành.
Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến phương tiện ô tô đang lưu hành tại Việt Nam. Cụ thể là các loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ bốn bánh xe trở lên và thường được dùng để chở người hoặc hàng hóa...
Trong phần 4 của dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ô tô nêu rõ, quy định mức khí thải đối với phương tiện ô tô đang lưu hành: Khí thải phương tiện ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén sản xuất trước năm 1999, đang lưu hành phải đáp ứng mức 1, tương đồng 4,5% thể tích; thông số HC đối với động cơ 4 kỳ là 1.200, động cơ 2 kỳ là 7.800, động cơ đặc biệt là 3.300.
Khí thải phương tiện ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén sản xuất từ năm 1999 đến ngày 1/1/2017, đang lưu hành phải đáp ứng mức 2, tương ứng với thông số CO là 3,5% thể tích; HC (động cơ 4 kỳ) là 800, động cơ 2 kỳ là 7.800, động cơ đặc biệt 3.300.
Khí thải phương tiện ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén sản xuất sau ngày 1/1/2017 và phương tiện ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén đã qua sử dụng nhập khẩu phải thực hiện theo Lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Kết quả quan trắc các thông số khí thải ô tô đang lưu hành tại Việt Nam phục vụ chứng nhận kiểm định, kiểm tra phải được thực hiện bởi đơn vị được chứng nhận đủ điều kiện kiểm định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
Và đáp ứng điều kiện năng lực hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường đối với lĩnh vực quan trắc khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chuẩn này.
Quy chuẩn này không áp dụng đối với các loại xe cơ giới đặc chủng của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.
Khí thải giao thông nguồn cơn gây ô nhiễm không khí
Liên quan tới Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ô tô, nhiều chuyên gia hàng đầu về môi trường cho rằng, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh… là khí thải từ các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy.
Vẫn theo các chuyên gia hàng về môi trường kể trên, quá trình theo dõi diễn biến chất lượng không khí ở các đô thị lớn trong thời gian thực hiện cách ly xã hội do dịch Covid-19 đã cho thấy rõ tác động của giao thông đến chất lượng không khí.
Cụ thể, theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc (từ 1/4-15/4/2020), trong khoảng thời gian này, lưu lượng giao thông giảm khiến chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt.
Kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường: So sánh diễn biến chất lượng không khí từ ngày 1/1 - 10/4/2020 với cùng kỳ của những năm trước đó, chất lượng không khí có xu hướng được cải thiện hơn. Tuy vậy, trong thời gian từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3/2020, giá trị thông số PM2.5 có thấp hơn những năm trước đó nhưng không rõ rệt. Trong khi đó, từ thời gian nửa cuối tháng 3 đến tuần đầu tháng 4, giá trị thông số PM2.5 thấp hơn hẳn thời gian cùng kỳ những năm trước đó.
Còn với thông số CO, thông số đặc trưng cho nguồn phát thải từ hoạt động giao thông tại các khu vực đô thị, kết quả quan trắc cho thấy, giá trị CO trung bình 24 giờ trong khoảng thời gian nửa cuối tháng 3 và tuần đầu của tháng 4/2020 thấp hơn hẳn khoảng thời gian từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3/2020. Theo dõi diễn biến giá trị CO trong ngày cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 - 10/4/2020, giá trị CO giảm đáng kể vào các khung giờ cao điểm giao thông so với các tháng trước đó.
Tại TP Hà Nội, xét về chỉ số AQI giờ trong ngày tại các trạm trên địa bàn trong thời gian từ khoảng ngày 22/3 - 7/4.2020, phần lớn thời gian trong ngày, chất lượng không khí duy trì ở mức tốt và trung bình. Riêng trong hai ngày 8/4 - 9/4/2020 chất lượng không khí bị suy giảm ở mức kém và xấu. Đây cũng là những ngày ghi nhận lượng phương tiện tham gia giao thông trong nội đô tăng cao hơn hẳn những ngày trước đó.
Theo các nhà khoa học, cũng như chuyên gia hàng đầu về môi trường, diễn biến chất lượng không khí ở các đô thị trong thời gian cách ly xã hội đã cho thấy mối tương quan giữa hoạt động giao thông và ô nhiễm không khí. Vậy để giảm ô nhiễm không khí, phải cải thiện hoạt động giao thông, bắt đầu từ việc kiểm soát số lượng các phương tiện và sự phát thải khí thải của các phương tiện đó.