Hạ Long được dự đoán sẽ trở thành điểm đến quốc tế, trong khi Phú Quốc sẽ là bến đỗ của những du khách sang trọng từ khắp nơi trên thế giới. Các doanh nghiệp lữ hành dự báo về tiềm năng của hai điểm đến này trong 5 năm tới.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - Biểu tượng mới của du lịch Quảng Ninh.
Hạ Long:Sẵn sàng quy hoạch trở thành điểm đến thế giới
Mới đây, Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 tầm nhìn năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 702/QĐ-TTg ngày 7/6/2019 xác định Hạ Long là đô thị dịch vụ - du lịch quốc gia, có tầm quốc tế, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Theo quy hoạch, mô hình và cấu trúc phát triển của thành phố Hạ Long là đa cực, trong đó lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển vịnh Hạ Long thành những đô thị du lịch, công nghiệp, dịch vụ tầm cỡ quốc tế... Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để tiến tới nhập huyện Hoành Bồ vào Hạ Long để mở rộng thành phố.
Nhận định về động thái mới trong sự phát triển của Quảng Ninh, ông Nguyễn Anh Tú - Bí thư Huyện ủy Hoành Bồ nhấn mạnh: “Hiện “tấm áo” của Hạ Long đã quá chật, nếu không mở rộng địa giới hành chính sẽ không thể thực hiện mục tiêu đề ra Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 tầm nhìn năm 2050”.
Ông Nguyễn Anh Tú cũng cho biết thêm “Hoành Bồ có quỹ đất lớn phù hợp với dự án dịch vụ, khai thác dịch vụ du lịch mới như dù lượn; đua thuyền buồm; thủy phi cơ; trường đua ô tô, mô tô; và cả những loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm tại khu bảo tồn Đồng Sơn, Kỳ Thượng, hồ Yên Lập, núi Đá Chồng. Hoành Bồ còn có bản làng người Dao và những khu rừng già... Sau khi sáp nhập, Hạ Long như một đất nước Việt Nam thu nhỏ với rừng vàng, biển bạc, di sản thiên nhiên thế giới. Đây là những điều kiện cần và đủ để phát triển du lịch, hấp dẫn cũng như kéo dài thời gian lưu trú của du khách”.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense: Hạ Long không chỉ là điểm đến trọng điểm của Việt Nam mà còn là trung tâm du lịch của thế giới. Điều cốt lõi để tạo nên sức hút của Hạ Long chính là di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận. Thêm vào đó, kể từ khi có các tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng tại Hạ Long và vùng phụ cận như: Tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Halong Complex; dự án Quảng trường Sun Carnival Plaza cùng với các siêu dự án hạ tầng như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… đã giúp tăng thêm sức hấp dẫn cho điểm đến Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung. “Tất cả giúp cho Hạ Long ngày càng trở nên hoàn hảo với cả du khách trong nước và quốc tế”, ông Tài nhấn mạnh.
Cáp treo Hòn Thơm là một trải nghiệm hút khách ở Phú Quốc.
9 tháng đầu năm nay, khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 11,3 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 4,1 triệu lượt, tăng 14%, doanh thu từ du lịch tăng 29% so với cùng kỳ. Những con số đó cho thấy mục tiêu 50 triệu khách du lịch của Quảng Ninh vào năm 2020 không phải là viển vông.
Du lịch hạng sang dịch chuyển về Phú Quốc
Cùng với Hạ Long (Quảng Ninh), du lịch Phú Quốc cũng hứa hẹn sẽ bứt tốc trong 5 năm tới. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng, huyện đảo có khoảng 300 dự án, với tổng vốn đăng ký, cam kết đầu tư hơn 370.000 tỷ đồng, phần lớn đầu tư vào du lịch. Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đầu tư lớn vào Phú Quốc như Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group… góp phần đưa du lịch Phú Quốc nổi bật, thu hút ngày càng nhiều khách trong và ngoài nước.
Cùng với đó, Phú Quốc cũng đang đổi mới hạ tầng du lịch, với hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn gồm trên 600 cơ sở lưu trú, khoảng 18.000 phòng nghỉ khang trang, hiện đại, giao thông đường biển với tàu cao tốc đưa, đón khách du lịch từ Rạch Giá, Hà Tiên ra đảo Phú Quốc và ngược lại nhanh chóng, an toàn. Nhiều đường bay nội địa kết nối với các thành phố lớn trong cả nước và đường bay quốc tế đến nhiều nước trên thế giới cũng đã được khai thác mới, mang tới cho Phú Quốc nhiều luồng khách mới.
Khai thác tour Phú Quốc chục năm nay, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong nhận thấy rõ sự đổi thay ở đảo Ngọc: “Nếu như 6 năm trước Phú Quốc mới chỉ có hai khách sạn 4 sao, Tiên Phong phải rất vất vả mới tổ chức được tour cho đoàn khách 1000 người thì đến nay, cơ sở lưu trú từ 4 - 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp có thể đáp ứng được những đoàn khách lớn vài ngàn người”.
Cũng theo ông Khánh, việc khai thác hiệu quả loại hình du lịch sinh thái biển, đảo, các khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí trên đảo như: Vinpearl Land, Safari, cáp treo Hòn Thơm, Casino Phú Quốc… đã trở thành điểm nhấn, thu hút khách du lịch đến Phú Quốc ngày càng tăng. “Lượng khách du lịch đến Phú Quốc qua Tiên Phong Travel hiện tăng gấp 10 lần so với 5 năm trước”, ông Khánh bật mí.
Nhảy dù ở Hoành Bồ (Quảng Ninh) - Nguồn: Internet.
Là doanh nghiệp lữ hành có chi nhánh tại Phú Quốc, ông Lương Duy Ngân, Chủ tịch HĐQT Newstar Group cho biết: Hiện, các thị trường khách quốc tế lớn của Việt Nam như Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc đang bắt đầu dịch chuyển đến Phú Quốc, khi mà Nha Trang hay Đà Nẵng đã trở nên quen thuộc với họ. Với vị trí đặc biệt, trong tương lai, Phú Quốc sẽ là trung tâm du lịch của khu vực phía Nam, là cửa ngõ bằng đường biển đi ra Đông Nam Á”.
Cùng chung nhận định, ông Khánh cho rằng, đảo Ngọc cần chú trọng quảng bá ở các thị trường quốc tế, nhất là những thị trường có khả năng chi trả cao như: Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Tây Âu và ASEAN. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần linh hoạt trong huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư phát triển du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, dịch vụ gắn với hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao, thể hiện được thương hiệu du lịch Phú Quốc.
Các doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng, cả Phú Quốc và Hạ Long hiện đã khai thác được dịch vụ du lịch ban ngày, nhưng kinh tế đêm mới bước đầu manh nha, cần tiếp tục đẩy mạnh thời gian tới, có như vậy mới kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn, lưu trú dài hơn.