Trong xã hội ngày nay, xu thế thương mại điện tử là tất yếu. Có thể nói việc giao dịch, thanh toán điện tử thông qua mạng internet là một tiện ích rõ rệt, đơn giản, thuận tiện cho cả bên mua và bên bán. Song, tiện ích đôi khi cũng “lợi bất cập hại”, khi mà người sử dụng thiếu hiểu biết, hay chỉ đơn giản là sơ xảy trong việc bảo mật thì lập tức phải trả giá bằng việc “tiền mất, tật vẫn mang”.
Ảnh minh họa.
Thử hỏi có ai mà không biết việc mở tài khoản, sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán khi mua bán hàng hóa ngày nay hết sức đơn giản, thuận tiện.
Dù là người làm công ăn lương, hay các doanh nghiệp, thậm chí là nông dân nhưng nếu có nhu cầu vẫn có thể mở tài khoản ngân hàng, làm thẻ quẹt thanh toán thay vì phải mang trong mình một lượng lớn tiền mặt.
Nói một cách dân dã là thay vì mang hàng vài chục triệu đồng tiền mặt đi mua cái tivi thì nay chỉ cần một chiếc thẻ ngân hàng gọn nhẹ để thanh toán, không còn nơm nớp nỗi lo bị cướp, trộm cắp, hay đánh rơi.
Đó là mới chỉ tính đến vài chục triệu đồng mua tivi thôi. Nếu phải “ôm” vài trăm triệu đồng hay thậm chí vài tỷ đồng từ tận Sơn La, Lai Châu, hay Hà Giang về Hà Nội mua cái ô tô thì nỗi lo mất mát sẽ càng tăng lên gấp bội. Tiện ích thì thấy rõ rồi, nhưng cũng không phải là không có phiền toái.
Tỷ dụ như việc đã mở tài khoản, làm thẻ thanh toán ngân hàng thì đương nhiên hàng tháng sẽ bị thu các khoản phí. Không lẽ chỉ một lần đi mua cái tivi hay cái ô tô mà phải mở tài khoản, phải làm thẻ thanh toán ngân hàng để rồi hàng tháng phải nộp một khoản phí không nhỏ hay sao?
Nói vậy thôi chứ có tiền mua ô tô thì ba cái khoản phí ngân hàng có nhằm nhò gì. Song, một khi đã mở tài khoản, đã dùng thẻ thanh toán ngân hàng thì không chỉ đơn giản là các khoản phí phải nộp hàng tháng, quan trọng hơn là việc bảo mật thông tin để tránh việc bị kẻ xấu lợi dụng “móc túi”.
Chẳng phải trong thời gian qua đã có không ít trường hợp vì lý do nào đó đã vô cớ bị mất oan vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng đó sao? Khi bị mất tiền, người ta mới “à, ờ” và “biết thế” thì giữ tiền mặt trong nhà...
Người duy tâm thì cho rằng số mất của thì kiểu gì chả mất, dù giữ tiền mặt hay để trong tài khoản ngân hàng thì cũng vẫn sẽ mất thôi. Song, đâu phải như vậy.
Việc giữ một lượng lớn tiền mặt thì nguy cơ bị mất là cao hơn gấp nhiều lần so với việc để trong tài khoản ngân hàng. Chỉ có điều, cái gì cũng có hai mặt của nó, để tiền trong tài khoản ngân hàng dù có an toàn cũng vẫn sẽ mất nếu chủ tài khoản để lộ lọt thông tin. Vậy nên mới nói cần hết sức cẩn trọng với các tiện ích.
Lại nữa. Trong thế giới phẳng ngày nay, thay vì phải đến tận các cửa hàng để lựa chọn mua sản phẩm cần dùng, người ta có thể ngồi nhà và chỉ bằng một vài cú click chuột là đã có thể mua được mặt hàng ưng ý.
Chính vì xu thế tất yếu đó của xã hội hiện đại mà hiện các trang website bán hàng online đang mọc lên như nấm sau mưa rào. Internet phát triển quả thật là đã giải phóng sức lao động của con người.
Chẳng tốn công đi lại “thăm giá”, chọn hàng, chỉ cần ngồi ngay tại nhà vẫn có người mang đến tận nơi phục vụ. Hoan hô công nghệ!
Ấy vậy nhưng xin chớ xem thường kẻo lại tiền mất tật mang. Trong những năm qua, việc mua bán online, thanh toán điện tử càng ngày càng phát triển và khiến người ta ngày càng tin cậy vào hình thức giao dịch này.
Song, bên cạnh vô vàn các công ty, các trang website bán hàng một cách đàng hoàng, có uy tín thì cũng có không ít công ty ma, trang web ma được dựng lên bởi một số kẻ lừa đảo. Chẳng vậy mà đã có không ít người sau khi chọn hàng, chuyển tiền vào tài khoản cho bên bán song người giao hàng thì mất hút.
Có người sẽ nói, đó chẳng qua là mấy ông dại dột chuyển tiền thanh toán trước nên mới bị lừa. Song, thực tế cho thấy có không ít “người khôn” vẫn cứ bị hớ khi mua hàng online, dù đã thực hiện biện pháp trả tiền khi nhận hàng.
Trên một số trang website không có uy tín, người ta quảng cáo nào là đang bán đồng hồ hàng hiệu giá rẻ bẳng nửa, thậm chí bằng 1/3 giá thực tế, hay quần áo, giày dép hàng hiệu đại hạ giá...
Với các chiêu bài trên, đã có vô số người hám rẻ nhưng lại muốn “sành điệu” đã bị sập bẫy, bỏ ra vài triệu đồng chỉ để mua chiếc đồng hồ Longin nhái.
Còn nhiều ví dụ khác mà trong khuôn khổ bài viết không thể kể hết về “tính hai mặt” của các tiện ích khi thực hiện giao dịch và thanh toán điện tử qua mạng internet.
Song, như đã nói một vấn đề bao giờ cũng có hai mặt. Công nghệ càng phát triển càng thuận tiện bao nhiêu thì nguy cơ bị lừa đảo, mất mát càng nhiều bấy nhiêu.
Vậy nên ta hãy cứ tận dụng ưu thế của công nghệ, nhưng hãy đề cao cảnh giác để không vì sự tiện ích mà bị thất thoát tài sản, hay những hệ lụy xấu khác phát sinh.
Trong dịp năm hết Tết đến này, nhu cầu mua bán hàng hóa của người tiêu dùng càng tăng cao, trong đó có không ít các giao dịch, thanh toán điện tử qua mạng internet. Mong rằng mọi người hãy hết sức cẩn trọng với các tiện ích công nghệ để không bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo dẫn đến tiền mất, tật mang.