Gần đây Hà Nội liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, đặc biệt là tại các khu chợ dân sinh, chợ đầu mối... nhiều người tập trung, qua lại.
Trong bối cảnh đó, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khuyến cáo người dân chỉ nên đi chợ 2 lần/tuần nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.
Chỉ đi chợ khi thật sự cần thiết
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A, là nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Do đó, khi đến trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, mỗi cá nhân cần thực hiện đúng các hướng dẫn về phòng, chống nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid -19.
PGS. TS Trần Đắc Phu giải thích, các chợ liên tiếp ghi nhận ca mắc Covid-19 bởi trong số những người đến đây có các ca F0. Thông qua truy vết, giám sát, các lực lượng phát hiện thêm nhiều ca ở khu vực này, chủ yếu là những trường hợp thứ phát từ một ổ dịch trong cộng đồng.
Trong bối cảnh Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo an toàn, chuyên gia Trần Đắc Phu khuyến cáo: Chợ không chỉ là nơi tập trung đông người, mà còn có nhiều khu vực ẩm thấp, thậm chí một số nơi còn không được sạch sẽ. Đây là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, virus sinh sôi và lây lan dịch Covid-19. Vì thế người dân không nên đi chợ quá nhiều lần trong tuần, chỉ đi chợ trong trường hợp thật sự cần thiết, tập trung mua những đồ dùng thiết yếu. Với số lượng hàng hóa ổn định, người dân có thể mua đủ đồ dùng cho vài ngày mỗi lần, khi mua về cần có phương án bảo quản, sử dụng hợp lý. Để đảm bảo số lượng hàng cần mua, trước khi ra chợ, người dân nên kê khai danh mục cần thiết, mua nhanh, không nên kéo dài thời gian ở những khu vực có nguy cơ.
Chuyên gia Trần Đắc Phu cho rằng, việc một số nơi ở Hà Nội phát phiếu đi chợ 2 ngày/lần là nhiều, chỉ nên để khoảng 2 lần/tuần là hợp lý.
Cùng với đó, chính quyền, Ban quản lý các chợ cũng phải sắp xếp lại việc bán hàng của các tiểu thương và người dân, chỉ nên cho bán những sản phẩm thiết yếu, đặc biệt chú ý khoảng cách giao tiếp giữa hai người; bố trí đường đi mua hàng theo một chiều, tức vào một đầu, ra một đầu.
Một số nơi đã có những giải pháp giữ khoảng cách như tấm kính chắn hoặc che ni lông, đặt các dấu chân, căng dây, đeo tấm chắn kính khi bán hàng... Tại những nơi có nguy cơ cao, người đi chợ và người bán hàng phải thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế nhằm hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.
Hiện tại, Bộ TTTT đã đưa ra phương án quét mã QR code cho người dân khi di chuyển giữa các địa điểm, chuyên gia Trần Đắc Phu cho rằng cần triển khai mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa phương án này, hỗ trợ cho công tác truy vết khi phát hiện ra các ca F0 có liên quan.
Đi chợ an toàn
Trước diễn biến căng thẳng của dịch Covid–19, ngày 29/7, hai Bộ Công thương - Y tế tổ chức họp trực tuyến cùng hướng dẫn các địa phương cách phòng chống dịch bệnh tại chợ truyền thống.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, “Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ” đã được Bộ Công thương phối hợp xây dựng và Bộ Y tế ban hành (cụ thể là Công văn 5858).
Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo sở công thương các tỉnh/thành phố để phổ biến, áp dụng. Hướng dẫn này áp dụng đối với các địa phương hiện đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng cho các chợ (bao gồm cả chợ đầu mối và chợ bán lẻ).
Theo đó, đối với hộ kinh doanh, cơ quan chức năng yêu cầu chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, tuân thủ việc sắp xếp bảo đảm khoảng cách, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Các hộ ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; Quản lý thông tin người lao động/làm việc, người bán hàng, yêu cầu thông báo khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1.
Đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch vệ sinh khử khuẩn hàng ngày, thông thoáng, khoảng cách, có biển thông báo số điện thoại liên hệ khi cần thiết. Thông báo ngay nếu phát hiện bản thân hoặc người có triệu chứng; hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách tối thiểu. Nhắc nhở khách hàng luôn đeo khẩu trang, tuân thủ khoảng cách. Thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm; Bản thân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như hướng dẫn với người bán hàng.
Còn đối với khách hàng và người lao động, Bộ Y tế cho biết cần lưu ý 6 điểm trước khi đến chợ. Trong đó, lưu ý đầu tiên là không được đến chợ nếu có một trong các triệu chứng hoặc đang trong thời gian cách ly; phải khai báo y tế hàng ngày, thực hiện 5K; thông báo ngay nếu phát hiện bản thân hoặc người có triệu chứng; đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi di chuyển đến chợ và ngược lại; người lao động ký cam kết thực hiện, tuân thủ quy định, hướng dẫn phòng chống dịch và tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm; khách hàng đi chợ theo đúng ngày được quy định và nộp thẻ vào chợ tại cổng.
Để tăng cường, quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch, ông Phu cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ người dân ra khỏi nhà; các quận, huyện, thị xã tiếp tục kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, kể cả cơ quan Trung ương.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang tận dụng tối đa các ngày giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; cách ly triệt để các trường hợp liên quan, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, cố gắng không để lây lan ra cộng đồng.
Để giữ an toàn cho bản thân và gia đình trong mùa dịch Covid-19, khi đi chợ và đi chợ về,các chuyên gia y tế khuyến cáo người dần cần lưu ý thực hiện các việc sau:
Khi đi chợ phải đeo khẩu trang suốt quá trình đi đến, ở chợ và trên đường về. Tại chợ lưu ý giữ khoảng cách an toàn (tốt nhất là 2 m) với những người khác trong chợ. Ngay cả khi đang tiến hành việc mua sắm ở chợ cũng nên rửa tay thường xuyên khi có điều kiện.
Đặc biệt, khi đi chợ về cần thiết phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc nước rửa tay sát khuẩn ngay. Đồng thời thay quần áo, giặt hoặc thải bỏ khẩu trang. Việc sơ chế, bảo quản thực phẩm cũng cần làm cẩn thận và an toàn. Rửa tay sau khi hoàn tất sơ chế, bảo quản thực phẩm. Ngay sau đó cần vệ sinh sạch sẽ bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường các bề mặt (bàn, nơi đựng thực phẩm, …) có tiếp xúc với thực phẩm mới mang về.