Ô nhiễm môi trường vì rác thải nhựa đang là vấn đề bức thiết mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt, trong đó có Việt Nam. Vì thế, cần giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,8 tấn rác thải nhựa, 90% trong số đó không được tái chế. Điều này là thách thức lớn đối với việc bảo vệ môi trường.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, chỉ khoảng 10% trong số rác thải nhựa ở Việt Nam được tái chế, phần lớn được xử lý bằng cách chôn lấp và đốt.
Chế tài có đủ mạnh?
Việc chôn lấp làm thay đổi môi trường đất, môi trường nước ngầm, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Còn xử lý bằng cách đốt sẽ sinh ra khí độc, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hay một lượng lớn rác thải nhựa trôi nổi trên sông, hồ, biển làm ô nhiễm nguốn nước, cá tôm nhiễm độc… Những hình ảnh đó không khó để bắt gặp ở nước ta bởi sự thiếu ý thức của con người. Thậm chí, còn có nạn đổ trộm rác thải nhựa, do ý thức về môi trường chưa tốt. Chế tài xử phạt đã có, cũng đánh vào kinh tế người dân nhưng xử phạt chưa nghiêm, nhất là đối với cá nhân xả rác.
Để quản lý rác thải nhựa có hiệu quả, thời gian qua, Nhà nước đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách pháp luật liên quan. Trong đó có các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia... đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường (BVMT).
Luật sư Nguyễn Ngọc Phú (Giám đốc hãng luật NPLaw) cho biết, tại Khoản 2 và Điểm a, Khoản 7, Điều 25 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT tại nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường đối với hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường đều bị xử phạt. Trong đó, cá nhân đổ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt xuống ao, hồ có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nếu gây ra ô nhiễm.
Coi rác thải là tài nguyên
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, việc xử lý và hạn chế rác thải nhựa ở nước ta còn gặp nhiều thách thức do ý thức người dân chưa tốt trong việc sử dụng, phân loại và xả rác; công nghệ tách rác thải còn hạn chế; chế tài xử phạt chưa nghiêm; chất thải nhựa hiện nay chủ yếu nằm trong chất thải rắn nên vẫn chưa có cơ chế rõ ràng trong công tác quản lý chất thải nhựa; nhu cầu sử dụng sản phẩm nhựa lớn... nên lượng rác thải nhựa hàng năm vẫn nhiều lên. Do đó, phải coi rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng là nguồn tài nguyên để tái chế sử dụng. Điều này giúp BVMT và mang lại lợi ích lớn về kinh tế.
Ông Thịnh đưa ra giải pháp: Đối với khâu xử lý, cần phải phân loại rác ngay từ hộ gia đình để tận dụng tối đa loại rác thải nhựa có thể tái chế hoặc tái sử dụng, chỉ san lấp, đốt những thứ không thể tái chế; xây dựng nhà máy xử lý rác thải phải phù hợp với lượng và loại rác thải, phù hợp với quy mô cấu trúc xã hội… Còn đối với việc hạn chế rác thải nhựa, theo ông Thịnh rất cần tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa tới cộng đồng. Tuyên truyền thường xuyên, đưa giáo dục môi trường trở thành môn học bắt buộc để trẻ em có ý thức từ bé; thưởng phạt thích đáng, nghiêm minh; các tổ dân phố, các đoàn thể nên vận động, kiểm tra việc phân loại rác; các cơ quan làm môi trường cần sát sao kiên trì trong việc truyền thông và vận động để “xã hội cư xử văn minh hơn với môi trường”.
Ông Thịnh cũng đưa ra khuyến cáo có thể giảm bớt sử dụng rác thải nhựa bằng việc hạn chế sử dụng các vật dụng bằng nhựa, sử dụng vật liệu thay thế. “Giải pháp lâu dài là giảm bớt sản sinh rác thải nhựa. Các cơ quan chức năng cũng cần phải giám sát các doanh nghiệp, xử lý nghiêm để tạo tính răn đe. Luật của Nhà nước về vấn đề môi trường được quy định rất rõ, tất cả doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm đối với rác thải” - ông Thịnh nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Anh - Giám đốc phát triển bền vững (Công ty nhựa tái chế Duy Tân) cho hay, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang có cách nhìn nhận rác thải không phải rác thải, nếu biết cách xử lý rác thải có thể trở thành tài nguyên. Tái chế rác thải cũng là một cơ hội để kinh doanh. Hiện có công nghệ tái chế "Bottle-to-Bottle" (chai ra chai), mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch và giúp vòng đời của một chai nhựa có thể tăng từ 1 lần sử dụng như trước đây lên đến hơn 50 lần. Đó là bước tiến lớn của ngành nhựa cũng như nhựa tái chế, góp phần làm giảm rác thải nhựa.
Ở góc độ nhà quản lý, theo ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số diễn ra ngày càng mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt (trong đó có chất thải nhựa) nói riêng phát sinh ngày càng nhiều. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý loại chất thải này còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người. Do đó, Luật BVMT năm 2020 đã có những quy định mới mang tính đột phá thay đổi cách thức quản lý, ứng xử với chất thải. Một trong những điểm mới đó là quy định nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác... quy định UBND cấp tỉnh quyết định phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt... Chính sách trên được đánh giá là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cả mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như việc vận hành triển khai trên thực tế...
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNM quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, trong đó đã quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển, điểm tập kết, trạm trung chuyển, công nghệ xử lý, phân loại...; truyền thông tới từng hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng... để phát triển kinh tế tuần toàn, tạo tiền đề cho cho Việt Nam tiến gần đến mục tiêu xây dựng một tương lai “sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050.
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng:
Đưa sản xuất, tiêu dùng, loại bỏ, thu gom và tái chế sản phẩm nhựa thành một vòng tròn khép kín
Rác thải nhựa đang là vấn đề rất lớn và rất nóng đối với Việt Nam nói chung và các thành phố lớn nói riêng. Rác thải nhựa tồn tại trong môi trường tự nhiên hàng trăm năm, do đó nó gây tổn hại đến môi trường vô cùng lớn và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến an sinh và phát triển bền vững. Việc hạn chế rác thải nhựa ở Việt Nam dựa vào 3 yếu tố, bao gồm: Giảm lượng rác thải nhựa thông qua loại bỏ hoặc thay thế sản phẩm nhựa chỉ sử dụng một lần; thúc đẩy tái chế nhựa và tăng cường tỷ lệ thu gom và xử lý.
Chúng ta cần kết hợp tổ hợp các giải pháp về khoa học, nâng cao ý thức của người dân, nâng cao ý thức của nhà quản lý; phải có chế tài thích đáng, chế tài xử phạt rất nặng để không ai xả thải ra môi trường. Đây là vấn đề phải quyết liệt đến cùng, coi đây là một chiến dịch mà nếu không làm thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe, chất lượng nguồn lực, gây nặng nề cho an sinh xã hội; phải có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, tái chế. Chúng ta đang xây dựng cơ chế, mô hình để phù hợp với giai đoạn cụ thể nhằm đưa sản xuất, tiêu dùng, loại bỏ, thu gom và tái chế sản phẩm nhựa thành một vòng tròn khép kín hướng tới giảm phát thải ô nhiễm và phát triển kinh tế tuần hoàn.