Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc nghiên cứu thành lập sàn giao dịch Quyền sử dụng đất (QSDĐ) là vấn đề không đơn giản và cần có sự góp ý từ giới chuyên gia, tổ chức và thậm chí cá nhân có kinh nghiệm.
Theo VARS, việc nghiên cứu thành lập sàn giao dịch QSDĐ là chủ trương đúng đắn, có tác động tích cực tới thị trường. Bởi lẽ: Sàn giao dịch QSDĐ sẽ góp phần quản lý, giám sát một cách đầy đủ và trọn vẹn hơn thị trường bất động sản (BĐS) thay vì chỉ dừng lại ở sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai và đất nền dự án như hiện tại. Về bản chất sàn giao dịch QSDĐ không phải hoàn toàn mới. Xét ở một góc độ nào đó, nó là sự bổ sung nhằm quy định và kiểm soát một phần lớn sản phẩm BĐS, bao gồm toàn bộ các phân khúc BĐS, không chỉ riêng nhà ở đang bị bỏ ngỏ trên thị trường.
Bên cạnh đó tương tự cách thức hoạt động của các sàn giao dịch khác các sản phẩm muốn được giao dịch qua sàn giao dịch QSDĐ phải có thông tin được niêm yết cụ thể, rõ ràng, với sự kiểm chứng chặt chẽ, đặc biệt là tính pháp lý và công khai giá. Đây là căn cứ quan trọng giúp người mua yên tâm để thực hiện giao dịch. Tránh tình trạng mua bán nhà trên giấy, hoạt động lừa đảo, thông tin sai sự thật, mua bán nhà “2 giá", lũng đoạn giá.
Ngoài ra khi triển khai sàn giao dịch QSDĐ, nếu được kết hợp cùng với sàn giao dịch BĐS, sẽ là nguồn cung cấp, cập nhật dữ liệu giao dịch, là cơ sở xây dựng dữ liệu, lập bản đồ giá đất trên toàn quốc. Chưa kể việc triển khai sàn giao dịch QSDĐ sẽ tạo thêm phương thức tin cậy, giúp người dân, đặc biệt là các nhà đầu tư trong và ngoài nước thuận lợi trong việc tìm kiếm thông tin và giao dịch.
Đặc biệt thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch QSDĐ cũng góp phần tích cực vào việc chống thất thoát thuế cho nhà nước. Bởi lẽ QSDĐ đang được giao dịch tự do, thiếu kiểm soát. Nhà nước chỉ thu thuế trên “giá trị khai báo”, không nắm được giá trị giao dịch thực. Việc thành lập sàn giao dịch QSDĐ sẽ tạo cơ hội tăng khoản thuế thu được của Nhà nước, góp phần không nhỏ vào việc vốn hóa đất đai.
Tuy nhiên QSDĐ là một “hàng hóa” có giá trị lớn và mức độ bao phủ rộng. Chính vì vậy, việc thành lập sàn giao dịch QSDĐ chắc chắn không đơn giản, không thể thực hiện ngay trong một sớm, một chiều. Để sàn giao dịch QSDĐ thực sự phát huy được tác dụng, không chồng chéo, gây phát sinh thêm các thủ tục hành chính phức tạp cho người dân, cần phải có một quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Cần có sự tham gia ý kiến từ những cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia...
Sàn giao dịch sẽ được thành lập ở cấp nào? Chỉ trung ương hay tại từng địa phương? Nếu chỉ ở trung ương liệu có đảm bảo tính thuận lợi và dễ dàng tiếp cận của người dân không? Nếu tới từng địa phương thì nhân sự tại các địa phương có đảm bảo đủ người, đủ chuyên môn để vận hành không? Cơ quan nào sẽ quản lý, giám sát việc thành lập và hoạt động của các sàn này? Hoạt động của sàn liệu có gì xung đột hay trùng lặp với công chứng? Sau khi giao dịch qua sàn rồi, có phải thực hiện công chứng nữa không? Hay có thể kết hợp để người dân đỡ mất thời gian đi nhiều nơi và thực hiện nhiều thủ tục?
Việc thành lập sàn giao dịch chắc chắn sẽ phát sinh các chi phí liên quan, bao gồm bộ máy hoạt động, chi phí cho quá trình thẩm tra, thẩm định các QSDĐ đưa vào giao dịch và rất nhiều chi phí phát sinh khác nữa. Các chi phí này liệu có khiến giá BĐS tăng lên do việc kết chuyển chi phí vào giá bán không? Quy định thu phí với người tham gia giao dịch (cả bên bán và bên mua) sẽ như thế nào để đảm bảo hài hòa giữa các bên? Có rất nhiều câu hỏi cần tìm lời giải đáp phù hợp để đảm bảo việc thành lập sàn giao dịch QSDĐ là khả thi và thực sự tác động tích cực tới thị trường.
Theo VARS, quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế vận hành sàn giao dịch này cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tính khả thi, đem lại lợi ích tối đa cho các bên liên quan.
Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng ban hành quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023; đồng thời, đề xuất miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2022 và năm 2023 với các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2022... Trước, trong năm 2022, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34 ngày 28/5/2022 cho phép gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với số tiền thuê đất, thuê mặt nước phát sinh phải nộp kỳ đầu của năm 2022, thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2022. Dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 - 3.700 tỷ đồng. Theo tính toán, từ năm 2020 - 2023, tổng giá trị giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước và số miễn tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên 13.300 tỷ đồng.