Hán Nôm và khoảng lặng 'măng non'

Minh Phúc (thực hiện) 12/07/2017 09:45

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đỗ Thị Hảo- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, bày tỏ sự trăn trở trước đội ngũ kế cận nghiên cứu kho tàng văn hóa, văn học cổ của Việt Nam qua ngôn ngữ Hán Nôm ngày một thiếu hụt.

PGS. TS Đỗ Thị Hảo.

PV: Thưa bà, một đời gắn bó với công việc văn nghệ dân gian, gần gũi với di sản Hán Nôm của dân tộc, ngày trước thế hệ bà được đào tạo như thế nào?

PGS. TS Đỗ Thị Hảo: Thực ra, tôi là người may mắn vì lúc bấy giờ được học lớp Hán Học đầu tiên của Việt Nam. Ở đấy, tôi được trực tiếp giáo dục bởi những người thầy nổi tiếng như cụ Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Nguyễn Đổng Chi, Đặng Thai Mai. Hầu hết những điều chúng tôi có thể vận dụng được cho đến ngày hôm nay đều do bị ngấm những lời giảng của những cây đại thụ văn hóa Việt Nam. Lớp chúng tôi có tất cả 18 học viên.

Thế hệ trước đã có nhiều đóng góp khi khai thác nguồn di sản Hán Nôm, nhưng có lẽ vẫn cần những cuộc đào sâu nghiên cứu thêm?

- Tất nhiên rồi. Nghiên cứu Hán Nôm, tôi thấy nó mênh mông vô cùng. Bằng chứng là, chúng ta đi bất cứ nơi nào, địa phương nào, làng quê nào đều còn lưu lại dấu tích, bút tích của ông cha ta thời trước. Từ trong gia đình, dòng họ, dòng tộc đều có gia phả, tộc phả, phả hệ; nhà nào khá cho con theo học thầy đồ lấy ít chữ giắt lưng, có tiền có chí theo đuổi nghiệp sĩ tử đi thi, đỗ đạt ra làm quan. Dường như ra khỏi nhà là gặp ngay Hán Nôm, chữ ở đình, chùa, đền, miếu với những hoành phi, câu đối, bia khắc. Xã hội ta, về cơ bản, suốt một thời kì dài từ thời kì Bắc thuộc đến đoạn đầu thế kỉ 20, hầu hết mọi văn tự đều dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm.

Cho nên toàn bộ nền văn học bác học, văn học dân gian Việt Nam đều được lưu giữ, truyền tải bằng chữ Hán hay chữ Nôm. Không có những công trình ghi chép rành rẽ, chi tiết, tỉ mỉ của các lớp thế hệ tiền bối như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Đổng Chi, Lê Thước, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Hoa Bằng, Nam Trân và của Viện Viễn Đông Bác Cổ để lại, hẳn chúng tôi sẽ khó lòng mà tìm hiểu nổi những tinh hoa văn hóa, văn chương, văn hiến, phong tục, tập quán, lối sống của tổ tiên ta ngày trước.

Phải khẳng định rằng, Hán Nôm đã giúp cho chúng ta đi xa hơn, sâu hơn và làm sáng tỏ hơn những giá trị về cội nguồn dân tộc Việt Nam hiện còn nằm khuất lấp đâu đó trong lòng nhân dân, để rồi qua các tư liệu, hiện vật mà chúng ta tìm thấy được thấy toát lên cả một nền văn hiến Việt Nam được hình thành từ buổi đầu dựng nước và giữ nước như thế nào, từ văn học, văn học dân gian, phong hóa, phong tục, lề thói, tập tục, bản sắc của dân tộc và con người Việt Nam chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu những tinh hoa văn hóa, văn chương, văn hiến, phong tục... của tổ tiên. Nghiên cứu Hán Nôm là nghiên cứu cả chiều rộng, chiều dài và chiều sâu của sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Tiếc là lớp “măng non”, các em không còn đắm đuối, say mê với Hán Nôm như lớp chúng tôi ngày trước. Một em học sinh để có thể làm việc được cũng phải mất khoảng 15 năm tính từ sau khi ra trường. Một nền văn hóa trải dài trên 2.000 năm lịch sử, mà hầu hết đều được ghi chép bằng chữ cổ, nếu không có hiểu biết về Hán Nôm, không có được đội ngũ kế tục, e văn hóa sẽ có phần bị đứt đoạn. Điều đó dẫn đến những giá trị văn hóa của dân tộc lại bị chìm xuống, lắng dần. Về vấn đề này, chúng tôi cũng trăn trở nhiều lắm, đã trực tiếp đề xuất với ngành giáo dục cho học sinh học Hán Nôm ngay từ chương trình cấp 2, nhưng vẫn không có hồi âm.

Có một thực tế là những người hiểu biết và am hiểu về văn hóa dân tộc, nhất là Hán Nôm đều đã khuất bóng hoặc lớn tuổi nhưng lớp kế cận quá ít và non nớt. Nếu không có những biện pháp kịp thời và tích cực, chỉ trong 15 - 20 năm nữa sẽ không có đội ngũ nghiên cứu tinh hoa văn hóa văn nghệ của dân tộc.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hán Nôm và khoảng lặng 'măng non'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO