Hàng giả, hàng nhái vẫn đang len lỏi vào thị trường với nhiều cách thức ngày càng tinh vi. 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra và bắt giữ, xử lý 55.234 vụ vi phạm, tăng 6.543 vụ so với cùng kỳ năm 2014. Sự gia tăng này đang khiến cơ quan quản lý đau đầu, còn người tiêu dùng thì luôn trong tâm trạng bất an.
Tổ liên ngành Hà Nội kiểm tra hàng giả, hàng nhái.
Ảnh:Hoàng Long
Vẫn gia tăng số vụ vi phạm
Số liệu mới nhất của Bộ Công thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, thực hiện kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sản xuất kinh doanh hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 91.458 vụ, phát hiện và xử lý 55. 234 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm… Tăng 6.543 vụ so với cùng kỳ 2014, thu nộp ngân sách 233,52 tỷ đồng (tăng 30,75 tỷ đồng)…
Riêng tại địa bàn TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã kiểm tra 12.960 vụ, xử lý 8.539 vụ, khởi tố hình sự 25 vụ và 35 bị can. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, tiền bán thanh lý hàng tịch thu, trị giá hàng chưa bán, trị giá hàng tiêu hủy, hàng tái xuất là hơn 1.056 tỷ đồng.
Những kết quả nói trên cho thấy, lực lượng quản lý thị trường, các ngành, cơ quan chức năng đã và đang dốc sức vào cuộc để bài trừ vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng bằng nhiều cách vẫn từng ngày, từng giờ len lỏi được vào thị trường. Thực trạng này đã và đang khiến cơ quan chức năng hết sức đau đầu, bởi công cuộc đối phó với vấn nạn hàng giả hàng nhái không phải là ở một thời điểm mà là từng giờ, từng phút.
Điều nguy hại ở chỗ, lợi dụng các sản phẩm có uy tín, có thương hiệu trong nước, không ít đối tượng đã gắn mác “hàng Việt Nam chất lượng cao” để lừa gạt người tiêu dùng. Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương không ít lần nêu lên thực trạng, các đối tượng sau khi vận chuyển hàng lậu vào Việt Nam thường cất giấu ở nhà dân và lắp ráp, dán nhãn thành hàng Việt trà trộn vào các chuỗi hàng Việt Nam chất lượng cao, đánh lừa người tiêu dùng Việt.
Tiêu hủy hàng giả, hàng nhái.
Chính sách vẫn còn lỗ hổng
Mặc dù các cơ quan chức năng, nhà quản lý, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các sự vụ vi phạm, song vẫn không thể triệt tận gốc vấn nạn hàng giả hàng nhái. Số vụ vi phạm vẫn gia tăng theo từng năm. Tại Hội nghị sơ kết trực tuyến 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng nhận định: “Vẫn còn nhiều biểu hiện bỏ lọt, bỏ sót, thậm chí, nhiều địa phương, nhiều ngành còn sơ hở trong công tác phòng chống buôn lậu”.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những lỗ hổng trong chính sách, quy định pháp lý, từ đây, tạo ra cơ hội để các đối tượng có thể lợi dụng tuồn hàng gian, hàng giả vào thị trường một cách dễ dàng, hoặc nhiều quy định, chế tài không đủ sức răn đe nên các đối tượng “nhờn thuốc”.
Đơn cử như quy định về việc, nếu xe tải chở gà lậu do chính chủ điều khiển thì bị tịch thu. Theo Thiếu tướng Phạm Xuân Bình - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, với quy định này, các chủ hàng thường “né” bằng cách thuê người lái xe nên rất khó xử lý triệt để. Ông Bình cho rằng, với quy định nói trên, nếu chỉ xử lý mấy con gà nhập lậu mà không thể tịch thu phương tiện, thì sẽ không đủ sức răn đe.
Để bài trừ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, chỉ một mình cơ quan chức năng là không đủ sức, cần phải có sự góp sức của cả cộng đồng DN, của người tiêu dùng trong việc tố cáo, vạch trần các hành vi vi phạm.
Theo ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, DN phải chủ động hơn nữa trong việc phát hiện các sản phẩm của mình bị làm giả. Đối với nhiệm vụ cam go này, DN phải sát cánh cùng cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm tội. Chính sự chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng của cộng đồng DN bằng việc hỗ trợ thông tin nhận biết, phân biệt hàng giả, hàng nhái… sẽ tạo động cơ thúc đẩy người tiêu dùng tham gia chống hàng giả, hàng nhái.
Ông Trần Thế Định, Phó Giám đốc Sở Công thương Thái Bình: Mỗi người dân nên là người tiêu dùng thông thái. Câu này vẫn được các nhà quản lý khuyến cáo, nhưng làm sao để người dân phân biệt được hàng thật, hàng giả? Ngay cả cơ quan chức năng nhiều khi cũng khó phân biệt vì hàng giả được làm rất tinh vi. Bởi vậy, với công tác chống hàng giả hàng nhái, một mặt, cơ quan quản lý thị trường của địa phương cần tăng cường, sát sao trong việc kiểm tra, kiểm soát, nhưng mặt khác, chúng tôi cũng sử dụng các phương tiện, sự hiểu biết của mình để khuyến cáo người dân không sử dụng hàng giả hàng nhái. Tại các hội chợ, triển lãm các sản phẩm hàng Việt được tổ chức ở Thái Bình, chúng tôi thường dành riêng một gian hàng, ở đó chuyên trưng bày các sản phẩm hàng giả hàng nhái để giúp người tiêu dùng phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật, từ đó họ có thêm kiến thức để phòng tránh tốt nhất việc mua phải các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng. Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội: Tập trung cao độ ngăn chặn hàng giả, hàng nhái Để các DN đứng vững trên thị trường và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo toàn bộ 33 đội Quản lý thị trường thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP thường xuyên tập trung cao độ kiểm tra kiểm soát tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn thành phố. Giám đốc Sở cũng đã tuyên bố, đơn vị nào còn để tình trạng hàng giả hàng nhái tồn tại trên thị trường, lãnh đạo đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý thị trường của Hà Nội thời gian qua đã rất tích cực vào cuộc để ngăn chặn thấp nhất nạn hàng giả hàng nhái. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 389 của TP cũng đã phối hợp với các ngành chức năng, các ban chỉ đạo thuộc các địa bàn lân cận thành phố nỗ lực vào cuộc xử lý để bắt giữ các sản phẩm làm nhái giả. |