Kinh tế

Hàng giả, hàng nhái: Hoành hành trên môi trường mạng

T.Hằng 15/03/2024 09:32

Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như ASICS, Kikkoman, Kubota, Kokuyo, Daiichi Sankyo Healthcare, Panasonic) đã phản ánh thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) được bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử ảnh hưởng xấu đến uy tín của doanh nghiệp.

anhbaitren.jpg
Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ thuốc bảo vệ thực vật giả mạo thương hiệu. Ảnh: QLTT.

Hàng nhái bày bán công khai

Đại diện Công ty Panasonic cho hay, rất nhiều sản phẩm giả mạo thương hiệu này như máy sấy tóc, bình đun nước siêu tốc, pin, ổ cắm điện… được bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Theo Panasonic, doanh nghiệp (DN) xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm tiêu dùng sản phẩm của Panasonic nhưng cũng là thị trường trọng điểm phải chống hàng giả, bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng, tập trung vào hàng điện tử, gia dụng.

Trong khi đó đại diện Công ty Kobuta, chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp, máy móc xây dựng, cho biết, từ năm 2008, DN này đã mở công ty bán hàng tại Bình Dương, bán chạy nhất là các loại máy nông nghiệp. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, nhiều loại máy của Kobuta đã bị “nhái” thiết kế, thương hiệu nên DN đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng để can thiệp. Sau đó, các DN có sản phẩm này buộc phải thay đổi mẫu mã.

Theo số liệu từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), giai đoạn năm 2021 – 2023, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến xâm phạm sở hữu trí tuệ sản phẩm Nhật Bản tại Việt Nam. Cụ thể, mặt hàng mỹ phẩm có 123 vụ bị xử lý, xử phạt hơn 959 triệu đồng; thực phẩm chức năng có 31 vụ, xử phạt 226 triệu đồng; 100 vụ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt 707 triệu đồng...

Ông Watanabe Shige - Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá, tình trạng hàng nhái, hàng giả tại Việt Nam tác động tiêu cực đến quá trình hình thành một thị trường lành mạnh. Không chỉ hàng chất lượng cao của DN Nhật Bản bị làm nhái, nhiều loại hàng hóa khác cũng bị làm giả tràn lan.

Tại Hà Nội, lực lượng liên ngành vừa mới phát hiện một kho hàng chứa lượng lớn sản phẩm là mỹ phẩm dạng kem dưỡng, serum, mặt nạ dưỡng da và thực phẩm chức năng phục vụ nhu cầu làm đẹp, được dán nhãn, tem là thương hiệu nước ngoài. Trong số này có 840 lọ Blackmores Evening Primrose Oil, xuất xứ Australia, 1.300 mặt nạ Yujin, xuất xứ Korea, 16.362 chai dung dịch vệ sinh femfresh có dấu hiệu bị làm giả. Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sang chiết, đóng sản phẩm vào các hộp, chai, lọ, bên ngoài thể hiện các nhãn hiệu như Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal retinol… có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ với khối lượng lên tới 40 tấn hàng hoá.

Hàng giả thách thức cả cơ quan quản lý

Bà Nguyễn Như Quỳnh- Chánh Thanh tra - Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, Việt Nam rất nỗ lực thực thi các quy định quốc tế về phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm SHTT. Tuy nhiên, thực tế, hàng giả giao dịch trên nền tảng TMĐT đang thách thức việc kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.

“Số vụ vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm SHTT trên môi trường trực tuyến tăng rất nhanh. Các hành vi vi phạm rất tinh vi khiến cơ quan chức năng gặp khó trong việc nhận biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả” - bà Quỳnh nhấn mạnh.

Thậm chí có trường hợp còn giả mạo tích xanh của Bộ Công thương bằng phần hình ảnh logo được chèn thêm vào cuối website. Nhiều đối tượng làm hàng giả các thương hiệu lớn, dựng nên các website và fanpage giả để quảng bá, giới thiệu đến khách hàng.

Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm, cần tăng cường nhận thức cho người dân để phân biệt hàng thật - hàng giả, đồng thời cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, để phòng chống tội phạm trên các sàn TMĐT, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao, bên cạnh phương pháp truyền thống, cần áp dụng công nghệ, có thay đổi quy định để thuận tiện hơn trong việc truy vết khi có hàng triệu người bán hàng trên mạng. Đặc biệt, cần có quy định định danh người bán trên mạng xã hội, các sàn TMĐT trên cơ sở tận dụng, kết nối tốt cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Về phía người tiêu dùng, thực tế không ít người còn dễ dãi trong việc lựa chọn các sản phẩm trên thị trường, vẫn thích sử dụng “hàng hiệu giá rẻ”, như vậy là gián tiếp thỏa hiệp với các hành vi vi phạm, tiếp tay để hàng giả, hàng nhái có đất sống. Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức tiêu dùng thông minh, tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái cũng là việc làm cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng giả, hàng nhái: Hoành hành trên môi trường mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO