Việc thực thi kinh tế tuần hoàn của châu Âu (CEAP) có thể giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thêm khách hàng mới. DN có thể giảm được chi phí nhờ đầu tư bài bản đáp ứng yêu cầu mới của EU, từ đó thu được hiệu suất kinh doanh tốt hơn.
Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực bị ảnh hưởng
Kế hoạch CEAP là một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu, nhằm giải quyết các thách thức cấp bách toàn cầu, như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, chất thải và ô nhiễm. Với CEAP, EU đặt mục tiêu sớm chấm dứt mô hình kinh doanh công nghệ và thời trang với các sản phẩm có “vòng đời ngắn” và nền kinh tế “tạo rác”. Theo đánh giá, kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn (CEAP) sẽ tác động mạnh tới thương mại toàn cầu, trong đó có các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Đề cập về những ảnh hưởng của CEAP đối với DN Việt Nam tại buổi tọa đàm “Kế hoạch của EU về CEAP và hệ lụy đối với DN Việt Nam” mới đây, ông Đỗ Hữu Hưng - đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, sau 4 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh EU (EVFTA) đang là động lực lớn thúc đẩy thương mại song phương, song với quy định CEAP xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới từ Chính sách xanh của EU.
Theo ông Hưng, với những quy định cụ thể cho từng nhóm hàng, đã có hiệu lực từ tháng 7/2024. Một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể ảnh hưởng bởi quy định này, gồm: dệt may và giầy dép, các sản phẩm nhựa và bao bì... Trong đó, quy định ISPR (quy định liên quan đến thiết kế sinh thái, sản phẩm bền vững) đã có hiệu lực từ tháng 7/2024. ISPR có quy định liên quan đến việc ngăn chặn, hạn chế tiêu hủy các sản phẩm dệt may, yêu cầu các sản phẩm phải có hộ chiếu kỹ thuật số DPP.
“Những quy định này rất phức tạp. Các quy định của EU trong CEAP sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam. Những sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn của EU sẽ không thể thâm nhập được vào thị trường EU” - ông Hưng thông tin.
Để đáp ứng được những quy định này, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng các DN phải đầu tư máy móc, phải thay đổi quy trình sản xuất, quy trình quản lý, chi phí đầu tư tăng khiến giá thành sản phẩm tăng, sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh.
Biến thách thức thành cơ hội
Bên cạnh những khó khăn, thách thức mà các DN gặp phải, theo các chuyên gia, đây sẽ là bước đệm để các DN đẩy mạnh khai thác thị trường tiềm năng này. Lý do, ban đầu chi phí đầu tư nhằm đáp ứng được những tiêu chuẩn EU có thể cao, nhưng khi DN đã có được chiến lược đầu tư bài bản, thì lâu dài sẽ thu được những hiệu suất kinh doanh tốt hơn, sẽ giảm được chi phí.
TS Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, CEAP sẽ tác động rất lớn đến các quốc gia đang tham gia vào thị trường châu Âu cũng như sắp tới có mong muốn thâm nhập vào thị trường châu Âu, và Việt Nam là một trong số các quốc gia đó.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên đánh giá, kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh vừa là thách thức và đồng thời cũng là cơ hội. Cơ hội để DN phát triển, hội nhập với thế giới và đáp ứng các yêu cầu của thị trường hiện nay. Ông Dương cho biết để đáp ứng tiêu chuẩn của EU, 13 nhà máy thuộc công ty đang hướng tới triển khai 100% điện áp mái; giảm và tái chế giẻ vụn thông qua áp dụng 100% máy cắt tự động; chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng bền, chắc và kéo dài tuổi thọ của sản phẩm nhằm đáp ứng tiêu chí xanh, tuần hoàn.
Bên cạnh sự nỗ lực của DN để thích ứng với các quy định xanh của EU, ông Dương kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư các khu công nghiệp sinh thái có hệ thống xử lý nước tuần hoàn, nhằm đáp ứng cho nhu cầu sản xuất dệt nhuộm, hiện chủ yếu phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Đồng thời, hỗ trợ vốn bằng việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý, giúp DN đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật và quản lý kinh tế xanh cần được đưa vào chương trình đào tạo từ bậc cao đẳng trở lên để sẵn sàng phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh.
Để hỗ trợ DN ứng phó với CEAP, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, Bộ Công thương sẽ ban hành chính sách định hướng, văn bản hướng dẫn DN về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phổ biến thông tin, tập huấn cho DN về những quy định của thị trường châu Âu. Bộ cũng sẽ hỗ trợ DN tiếp cận và mở rộng thị trường.