Đối diện với tình trạng cạn kiệt dòng tiền hoạt động khi mở lại đường bay quốc tế, hiện các hãng bay trong nước đều mong muốn sớm được tiếp cận với các gói vay ưu đãi. Giới chuyên gia cho rằng, cần ưu tiên cứu hàng không vì vai trò quan trọng và tác động lan tỏa của nó với nền kinh tế.
Cạn kiệt dòng tiền
Không đợi tới lúc “hộ chiếu vaccine” được áp dụng, các hãng hàng không nội địa đã chủ động mở lại đường bay quốc tế trong điều kiện được cho phép và đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế từ Việt Nam đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan được các hãng công bố ngay từ đầu tháng 4 này và lên kế hoạch bay tới các nước châu Âu và Mỹ trong thời gian tới.
Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do Covid-19. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh các hãng hàng không đều lên tiếng về rủi ro cạn dòng tiền do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Đến thời điểm này Vietnam Airlines là hãng bay duy nhất được hỗ trợ tín dụng 4.000 tỷ đồng, vì thế nhiều hãng hàng không khác cũng mong muốn Chính phủ mở rộng các khoản vay này. Trong đó, Vietjet đề nghị được vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỷ đồng trong 3 năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4%. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ…
Cần được đối xử công bằng
Nhìn nhận về việc hỗ trợ cho hàng không hậu Covid-19, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, dịch bệnh đã khiến nền kinh tế nói chung, các hãng hàng không trong nước và trên thế giới giống như bị “ngộ độc”, cần thuốc “giải độc”. Do đó, các hãng hàng không Việt cần phải được hỗ trợ của nhà nước. Bởi Chính phủ tài trợ hàng không cũng chính là tài trợ cho tương lai.
“Hàng không thế giới đứng dậy thì ta phải đứng dậy ngay lập tức đồng thời đi kèm với dự báo được tương lai của ngành hàng không trong bối cảnh hiện tại” - ông Thiên nhận định.
Đề xuất giải pháp cứu hàng không, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc Chính phủ “bơm máu”, “trợ thở” thì phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ là một trong các giải pháp đầu tiên được phần lớn các hãng hàng không trên thế giới áp dụng. Việc này không chỉ bổ sung dòng tiền thiếu hụt mà còn giúp nâng cao năng lực tài chính cho hãng, đảm bảo đủ tiền vốn để duy trì hoạt động và tạo nguồn đầu tư phát triển giai đoạn hậu Covid-19.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia ngành hàng không PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh, các hãng hàng không Việt cần được đối xử công bằng, công tâm. Theo TS Nguyễn Thiện Tống, cách quản lý ngành hàng không hiện nay đang làm méo mó thị trường, gây hoang mang cho nhà đầu tư và các hãng hàng không tư nhân.
Hãng hàng không VNA có vốn nhà nước mà khi càng lỗ càng được hỗ trợ từ nguồn vốn đến chính sách. Các hãng hàng không tư nhân cũng lỗ thật nhưng chưa được hỗ trợ và ngược lại đang phải lãi giả để không bị ngân hàng hạ tín nhiệm dẫn đến phải vay vốn với chi phí lãi suất cao hơn và để không bị Ủy ban Chứng khoán cắt margin (theo quy định, công ty niêm yết sẽ bị cắt margin nếu lỗ 2 quý liên tiếp). Các hãng hàng không buộc phải chuyển nhượng tài sản và tài chính tích lũy để bù lỗ hàng ngàn tỷ đồng cho hoạt động hàng không và để có “bản cân đối đẹp”.
Vẫn TS Nguyễn Thiện Tống thông tin: Theo một thống kê, chính phủ các nước cam kết hỗ trợ bình quân 13% GDP để hạn chế thiệt hại của đại dịch Covid, trong đó hàng không chiếm số vốn hỗ trợ khá lớn (hiện lên tới trên 200 tỷ USD). Trong khi nước ta hỗ trợ cho hàng không chỉ khảng 0,5% GDP và tuyệt đại đa số vốn hỗ trợ đó dành cho VNA.
“Hơn lúc nào hết, các hãng hàng không Việt cần được đối xử công bằng và công tâm để vượt qua khó khăn, cùng vươn lên phát triển, cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài” - TS Nguyễn Thiện Tống bày tỏ.