Nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển. Trong khi đó, trước ma trận các phương thức tuyển sinh, nhiều thí sinh đang lúng túng không biết lựa chọn phương thức nào để tăng tỷ lệ đỗ đại học vào ngành mong muốn.
Điểm chuẩn vào các ngành hot, trường hot sẽ tăng nhẹ
Thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào xét tuyển theo điểm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Đây là mức điểm đủ điều kiện tiếp nhận hồ sơ xét tuyển.
Theo thông báo của Đại học Quốc gia Hà Nội, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của trường là 20 điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, chưa nhân hệ số).
Các trường thành viên xác định điểm sàn tối thiểu bằng mức điểm sàn chung của hệ thống. Hiện trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế đã công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp là 23 điểm.
Năm nay, Trường Đại học Ngoại thương có hai phương thức xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi này là xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp, xét tuyển dựa vào điểm thi.
Trường công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển tại trụ sở chính Hà Nội là 23,5 điểm, xét các tổ hợp A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07. Đây cũng là mức điểm sàn cho cơ sở TP Hồ Chí Minh, xét các tổ hợp A00, A01, D01, D06, D07.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng vừa công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 và điểm thi đánh giá tư duy.
Đối với điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần đạt mức điểm sàn quy định chung cho cả 9 tổ hợp xét tuyển gồm A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29 là 23 điểm. Thêm vào đó, học bạ bậc THPT của thí sinh cần có tổng điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học trong tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 42 trở lên.
Theo dự báo của các chuyên gia giáo dục, điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay có thể tăng nhẹ so với năm 2021.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, năm nay đề thi tốt nghiệp THPT độ phân hóa tương đối tốt, thí sinh khó để đạt điểm 9 - 10 ở các môn.
Ngoài xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT, năm nay các trường cũng đưa ra rất nhiều phương thức khác để tuyển sinh. Do đó với các ngành hot, trường hot, điểm chuẩn sẽ không tăng hoặc có tăng cũng không đáng kể so với năm ngoái.
Thí sinh mong sớm ổn định phương thức xét tuyển
Năm 2022, phương thức xét tuyển có nhiều sự thay đổi, các trường giảm số chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng các chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển khác. Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm nay các trường đại học sử dụng 20 phương thức xét tuyển. Thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển nhiều phương thức khác nhau ở cùng 1 trường.
Mặc dù thời điểm này, nhiều trường đã công bố điểm sàn xét tuyển nhưng giữa “ma trận” phương thức tuyển sinh nhưng nhiều thí sinh lúng túng trong việc lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học mong muốn.
Nguyện vọng vào học ngành Kinh tế nhưng em Trịnh Hoàng Quỳnh Phương, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Bắc Kạn (Bắc Kạn) chỉ đạt 22 điểm từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. So với điểm chuẩn vào các trường ở khối ngành này, cơ hội trúng tuyển không nhiều.
Phương cho biết, hiện em đang phân vân giữa các phương thức xét tuyển khác như xét tuyển học bạ. Theo phương thức này thì em được 24 điểm. Tuy nhiên, em đang không biết nên lựa chọn phương án nào.
“Mặc dù đa dạng các phương thức xét tuyển sẽ giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển đại học nhưng cũng khiến chúng em bị loạn, đắn đo suy nghĩ rất nhiều”.
Em Nguyễn Hồng Phương, thí sinh Hà Nội cũng cho biết, em đang gặp khó trong việc điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp bởi các trường đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, mặt tích cực của việc đa dạng hoá các phương thức tuyển sinh là giúp các thí sinh có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, cơ hội đỗ vào trường mong muốn. Tuy nhiên, việc làm này cũng có mặt tiêu cực.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, khi học sinh chưa xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp, các em có thể luôn “đứng núi này trông núi nọ”, mơ hồ xác định nghề nghiệp. Có em tham gia rất nhiều các kỳ thi khác nhau. Lúc đó, các em bị phân tán sức lực, thời gian và công sức dẫn tới kết quả ko tốt.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: "Về lâu dài các trường sẽ có lộ trình để làm thế nào ổn định các phương thức tuyển sinh, giúp cho thí sinh dễ theo dõi tìm được phương thức tuyển sinh phù hợp nhất đối với tình hình hiện nay".