Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước, tỉ lệ trẻ em đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển và có đến hơn 77% các vụ xảy ra tại cộng đồng.
Ngày 19/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Chương trình Hội thảo Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em cho các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐTB&XH, cho biết: Theo thống kê hàng năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước, trẻ em đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển, có đến hơn 77% các vụ xảy ra tại cộng đồng. Đuối nước xảy ra không chỉ ở các địa phương có nhiều ao hồ, sông suối, ngay cả các tỉnh miền núi và trung tâm thành phố cũng có trường hợp trẻ em bị đuối nước thương tâm, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Thực tế cho thấy, tai nạn đuối nước đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, gây ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em.
Ông Nam cho rằng, để giảm thiểu tử vong do đuối nước ở trẻ em đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể và sự vào cuộc của cộng đồng. Đặc biệt cần quan tâm đến các can thiệp trực tiếp tại cộng đồng, đến việc hỗ trợ trực tiếp trẻ em các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, các kỹ năng bơi; hỗ trợ cho gia đình và cộng đồng các kiến thức, kỹ năng để giám sát, quản lý trẻ,… đồng thời mỗi gia đình phải thấy rõ trách nhiệm bảo vệ chính con em mình.
Mỗi chính quyền địa phương cần có trách nhiệm và quan tâm chỉ đạo sát sao việc phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương. Trong đó, vai trò của công tác truyền thông được xem là yếu tố quan trọng, đi đầu trong nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng và cả chính các em trong bảo vệ con em của các bậc cha mẹ, thầy cô, tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè mình.
Theo bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam, cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước là do hiện nay ở nhiều địa phương thiếu các sân chơi lành mạnh, đã khiến trẻ em từ nông thôn tới thành phố tìm đến các ao hồ, sông suối, các bãi tắm tự phát trong khi lại thiếu hiểu biết về kỹ năng phòng tránh đuối nước, thiếu sự quản lý giám sát của người lớn.
Theo đó, việc trang bị kỹ năng bơi và thoát hiểm dưới nước hiện nay được nhiều gia đình hướng đến cho các con, nhất là trong dịp nghỉ hè. Tham gia lớp học, các em sẽ được trang bị những kiến thức, lý thuyết bơi cơ bản; thực hành bơi dưới nước; kỹ năng sơ cấp cứu và kiến thức an toàn dưới nước; cách xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm dưới nước; khi gặp người đuối nước.
Nói về Dự án Phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở Việt Nam được triển khai tại từ năm 2018. Bà Huyền, cho biết: Trong giai đoạn 2018 - 2019, Dự án được triển khai tại 103 xã của 21 huyện thuộc 8 tỉnh có tình hình tử vong do đuối nước trẻ em cao nhất cả nước: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng.
Bà Huyền thông tin thêm: "Dự án đã hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai cho mạng lưới gồm: Các bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức phi chính phủ trong phòng chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam; các tài liệu hướng dẫn đã được chuẩn hóa trước khi triển khai can thiệp; 8 bể bơi mới và 35 bể bơi huy động của địa phương được lắp đặt để tổ chức dạy bơi cho trẻ em. Dự án đã thu hút 13.000 trẻ được dạy bơi an toàn và hơn 23.000 trẻ được dạy kỹ năng an toàn môi trường nước...Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông đã được thực hiện hiệu quả và đa dạng theo đặc thù của từng địa phương. Kết quả, trên 78% phụ huynh được tiếp cận thông tin về chương trình, nhận thức của phụ huynh về nguy cơ của đuối nước trẻ em tăng từ 63% lên 72%...".
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đề ra nhiều giải pháp phòng chống đuối nước trẻ em từ góc độ quy định pháp luật đến các giải pháp về quản lý và thực tiễn thực hiện.
Là một trong 8 tỉnh được hỗ trợ thực hiện Dự án Phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022, Đồng Tháp đã có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả, giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ bằng cách mỗi ngành mỗi cấp địa phương phải tăng cường phối hợp bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đẩy mạnh truyền thông về phòng chống tai nạn do đuối nước; xây dựng tiêu chí về ngôi nhà an toàn cho trẻ; thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy; thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân; quan trọng nhất của việc phòng chống là phải dạy bơi cho các em, trên địa bàn tỉnh có 44 hồ bơi cố định và 44 hồ bơi di động tại các địa phương để phục vụ việc học bơi của các em nhỏ, nhờ đó số trẻ em biết bơi tăng lên, giảm thiểu tai nạn đuối nước rõ rệt.