Khó kiểm soát tai nạn đuối nước

Phạm Hưởng 05/06/2017 08:30

Để phòng ngừa tai nạn đuối nước, tỉnh Gia Lai đã “rốt ráo” ra văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động phòng ngừa, nhưng tai nạn vẫn cứ xảy ra.

Chị Lê Thị Mơ với nỗi đau tột cùng khi mất con.

Tuy nhiên việc thiếu sân chơi cho trẻ và thiếu kiểm soát trẻ trong dịp hè ngoài giờ học đang đặt ra rất nhiều thách thức cho các ngành chức năng trong tỉnh.

Mới đây (chiều 2/6) đã có 4 em học sinh tại Thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai tiếp tục tử vong vì tai nạn tại đuối nước đã nâng tổng số em lên thành 20 khiến sự việc đã đạt đến mức báo động.

Đến thôn Tân Lập, bà con làng xóm vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết tức tưởi của 4 em học sinh xảy tai nạn đuối nước. Đáng thương nhất là hoàn cảnh của gia đình em Nguyễn Thị Hảo con anh Nguyễn Bá Cổn và chị Lê Thị Mơ.

Trong căn nhà tềnh toàng, chị Mơ bị mắc căn bệnh huyết áp cao, chốc chốc lại ngất lên ngất xuống khi thấy thi thể của con. Những lúc tỉnh lại chị lại gào khóc đòi ra nhìn mặt đứa con út.

Còn anh Cổn, thần kinh không ổn định lâu nay nên khi thấy cháu nằm ở giữa gian nhà, anh liền lao vào cầm tay chân cháu kêu dậy. Do không kiểm soát được hành vi, anh Cổn quanh quẩn bên thi thể cháu rồi lại nói nhảm một mình. Sao không ai cấp cứu nó? Nó sao không dậy?

Vụ việc xảy ra khoảng 16h30 chiều 2/6, năm em học sinh rủ nhau xuống hồ tưới cà phê C3 của Công ty Cà Phê Ia Sao 2 (xã Ia Sao) chơi thì 4 em lội xuống nước và bị đuối nước.

Các em bị nạn gồm em Nguyễn Hải Yến (học sinh lớp 5, Trường Võ Thị Sáu là con anh Nguyễn Thanh Hồng), em Nguyễn Thị Ngọc Hảo, (lớp 4, Trường Võ Thị Sáu là con anh Nguyễn Bá Cổn) và em Đỗ Ngọc Thuận, sinh năm 2012 (là con chị Nguyễn Thị Hải) nhà của 3 em nằm sát bên nhau, cùng trú tại thôn Tân Lập, xã Ia Sao. Em bị nạn còn lại Tống Thị Quỳnh Hương, lớp 3, Trường Trần Quốc Toản (xã Ia York).

Theo nhiều người dân sống quanh hồ tưới cà phê C3 (Cty Cà Phê Ia Sao 2) nơi đây đã từng xảy ra 4 vụ đuối nước và cướp đi sinh mạng của 8 người. Mặc dù vậy, quanh khu vực hồ lại không có một biển cảnh báo, biển cấm hay rào cản nào trong khi đó hồ nước lại rất sâu nên rất dễ xảy ra tai nạn.

Trước đó cũng tại huyện Ia Grai (ngày 29/3) 5 học sinh nữ trường Trung học cơ sở Chu Văn An, xã Ia O (huyện Ia Grai) rủ nhau đến hồ nước làng O (xã Ia O) để tắm.

Tiếc thay 4 em là Lê Thị Minh Thư và Lê Thị Quỳnh Hương (cùng lớp 6A1); Võ Ngọc Mỹ và Hoàng Thị Hòa (cùng lớp 6A3, tất cả cùng SN 2005) đã bị đuối nước, tử vong.

May mắn, em Nguyễn Thị Thu Phương đứng trên bờ nên thoát nạn. Hai vụ tai nạn cách nhau chưa đến 15 ngày với 6 học sinh tử nạn.

Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐTBXH Gia Lai) - Nguyễn Ngọc Hải cho biết: “Chỉ chưa đầy 6 tháng của năm 2017 đã có 20 trẻ tử vong, còn năm 2016 xảy ra 55 vụ đuối nước làm chết 51 em.

Tỉ lệ tử vong vì đuối nước luôn ở mức cao nhất trong vấn đề tai nạn thương tích trẻ em (tai nạn giao thông, ngộ độc, bạo lực, bom mìn, bỏng cháy...).

Theo khảo sát của Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em số trẻ em là con hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào thiểu số trong độ học sinh cấp tiểu học, tỷ lệ biết bơi chỉ là 15,6% và độ tuổi trung học chỉ mới 25%.

Hơn thế, nhiều sông suối, ao hồ, các công trình thủy lợi lại chưa được rào chắn, đặt biển cảnh báo. Vấn đề thiếu chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên dạy bơi trong trường học của Gia Lai cũng đáng lưu tâm.

Tỉ lệ bị đuối nước trong thời gian qua gia tăng mạnh, theo Giám đốc Sở GDĐT Gia Lai Huỳnh Minh Thuận đó là các em thiếu sân chơi lành mạnh, cơ sở vật chất yếu kém, không có hồ bơi, trong khi địa hình Gia Lai thì biết rồi sông to, suối sâu, độ dốc lớn do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ”.

Thống kê của Sở GD-ĐT Gia Lai hiện toàn tỉnh có đến 380.000 học sinh nhưng toàn tỉnh chỉ có 15 bể bơi (Nhà nước 2; tư nhân 13), lại tập trung chủ yếu ở TP. Pleiku, còn các huyện thị vùng sâu, vùng xa là hầu như không có.

“Do đó, gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương cần nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục các cháu. Đặc biệt là các đơn vị sử dụng hồ, đập phục vụ tưới tiêu cần có những biển cảnh báo, biển cấm và xây dựng các rào chắn an toàn”- ông Thuận nhấn mạnh.

Sở LĐTBXH Gia Lai nhận định rằng, nhận thức của phụ huynh về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em còn hạn chế, một số địa phương nhất là ở cấp xã chưa thực sự quan tâm đối với công tác phòng chống.

“Kiểu bố mẹ đi làm nương, đi rẫy thiếu hướng dẫn, giám sát. Các em đi học về cứ thế bỏ đi chơi rồi xảy ra sự việc thương tâm”, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em Nguyễn Ngọc Hải ví dụ.

Hạn chế tai nạn đuối nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Kpă Thuyên đã có quyết định và kế hoạch xây dựng đề án xây dựng mỗi huyện một hồ bơi thông minh và đến năm 2020 là 2 hồ bơi kiên cố để dạy bơi phổ cập cho học sinh.

Tuy thế, khó nhất hiện nay vẫn là kinh phí, khi nguồn ngân sách nhà nước không đảm bảo thì xã hội hóa hồ bơi đang là hướng ưu tiên?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó kiểm soát tai nạn đuối nước