Trong khi đất ở và đất sản xuất do người dân xóm núi Voi (thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) khai phá theo chủ trương xây dựng kinh tế mới bị UBND tỉnh Lâm Đồng đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ thì lại có gần 10 ha được chừa lại giữa rừng.
“Ốc đảo” giữa rừng phòng hộ
Đến Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Đại Ninh tìm hiểu thông tin về việc UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch rừng phòng hộ chồng lấn lên đất ở, đất sản xuất của người dân xóm núi Voi (thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi bất ngờ khi được xem tấm bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ. Giữa bạt ngàn màu xanh của rừng phòng hộ lại nổi lên vài “ốc đảo” có diện tích khoảng gần 10ha.
Lạ một điều là không chỉ có một “ốc đảo” không phải đất lâm nghiệp được quy hoạch giữa rừng phòng hộ, mà có tới vài ốc đảo như vậy. Ngoài ra còn có những khoảng đất “phi nông nghiệp” tiếp giáp giữa rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Theo giải thích của Trưởng BQL rừng phòng hộ Nguyễn Văn Nhẫn thì đó không phải là đất lâm nghiệp. Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao giữa rừng phòng hộ lại có những vùng đất “lọt khe” không phải đất lâm nghiệp, ông Nhẫn nói không biết, đó là trách nhiệm của cấp trên. “Đây là do quy hoạch chứ chúng tôi làm sao mà biết được...” - ông Nhẫn nói, đồng thời khẳng định việc quy hoạch lổn nhổn như vậy là không hợp lý.
Quy hoạch lổn nhổn tạo ra “điểm nóng”?
Việc quy hoạch rừng phòng hộ bất hợp lý khiến công tác quản lý về đất đai trên địa bàn này rất phức tạp. Đây chính là nguyên nhân khiến xã Hiệp An và một số xã khác trên địa bàn huyện Đức Trọng trở thành điểm nóng về nạn chặt phá rừng.
Chỉ cần tìm trên mạng sẽ cho hàng trăm kết quả quảng cáo mua bán đất đai trên địa bàn xã Hiệp An. Trong số những mảnh đất được rao bán trên mạng, khá nhiều mảnh đang nằm trong rừng phòng hộ. Những người muốn mua đất khó có thể phân biệt được mảnh đất nào nằm trong rừng phòng hộ, mảnh nào nằm ở những “ốc đảo” mà bản quy hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng chừa lại.
Không chỉ “nóng” về mua bán, sang nhượng đất đai, xã Hiệp An còn là “điểm nóng” về nạn chặt phá rừng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trong vòng 6 tháng qua đã có nhiều diện tích rừng thuộc khu vực khoảnh 7, tiểu khu 267C, thôn K’rèn, do BQL rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý đã bị chặt phá. Qua khám nghiệm hiện trường xác định, tổng diện tích cây rừng tự nhiên bị tác động cưa, chặt toàn bộ (chặt trắng) và chặt rải rác, xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau trên diện tích 26.659m2. Trong số đó, diện tích phá trắng toàn bộ cây rừng là 17.638m2 ở 12 vị trí. Diện tích gốc cây bị chặt còn tươi là 7.191m2 ở 5 vị trí; diện tích gốc cây bị chặt còn tươi và khô xen lẫn là 3.515m2 ở 3 vị trí và diện tích có gốc cây bị chặt khô và khô mục là 6.932m2. Diện tích có cây rừng bị chặt rải rác, gốc cây khô mục, khô và tươi là 9.021m2 ở 3 vị trí...
Chỉ riêng tại tiểu khu 267C, thôn K’rèn đã có tới hàng nghìn mét vuông rừng bị tàn phá hoàn toàn, trong khi chính quyền địa phương và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng không thể ngăn chặn.
Lý giải về điều này, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh Nguyễn Văn Nhẫn cho biết, các đối tượng lâm tặc luôn rình sơ hở của lực lượng bảo vệ rừng để tiến hành chặt phá rừng. Ông Nhẫn cho rằng, anh em bảo vệ rừng cũng cần thời gian để nghỉ ngơi, đó là lúc các đối tượng lâm tặc hành động. Trước câu hỏi của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về việc tại sao không phân chia ca trực để bảo vệ rừng một cách hiệu quả, ông Nhẫn nói do cán bộ nhân viên của BQL rừng phòng hộ Đại Ninh quá ít nên không có đủ nhân sự để theo dõi trên một địa bàn có diện tích rừng lớn như vậy.
Liên quan đến vấn đề xã Hiệp An đang trở thành điểm nóng về phá rừng, ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) khẳng định, đã yêu cầu lãnh đạo xã Hiệp An và BQL rừng phòng hộ Đại Ninh kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc. Trước câu hỏi của chúng tôi về việc rừng bị tàn phá nghiêm trọng, tại sao lại chỉ rút kinh nghiệm, ông Hoàng khẳng định đã làm đúng quy định của pháp luật, sai đến đâu xử lý đến đó.