Trên toàn cầu ước tính có đến 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động – đó là con số đáng kinh ngạc được Bộ Y tế đưa ra trong Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31/5.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết: Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hút thuốc thụ động còn là nguyên nhân gây các bệnh về phổi đối với trẻ em. Hút thuốc thụ động từ khi còn nhỏ có thể sẽ làm các em phải gánh chịu hậu quả về sức khỏe tuổi trưởng thành như làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ. Trên toàn cầu ước tính có đến 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động.
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, sáng 31/5 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, 1.000 sinh viên các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội tham gia sự kiện mít tinh và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ 25 – 31/5 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tổ chức. Sự kiện cũng được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông nhằm phát động chương trình “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá” giai đoạn 2019-2020.
Phát biểu tại đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ 21, tổng số ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá sẽ tới 1 tỉ người. Do đó, việc ngăn ngừa hút thuốc trong giới trẻ là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá. Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá cũng đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỉ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi xuống 18% năm 2020.