Hội nhập kinh tế ngoài việc giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, song người tiêu dùng trong nước cũng tăng thêm nhiều sự lựa chọn. Đây chính là lý do tại sao mà hàng hóa nước ngoài ồ ạt vào thị trường Việt Nam, trong đó phải kể đến hàng Thái Lan.
Tại TP Hồ Chí Minh, bên cạnh các cửa hàng bán lẻ, hiện hàng Thái Lan có mặt nhiều ở siêu thị Big C/Go và Mega Market. Mới đây, tại Mega Market Tuần lễ “Khám phá Hương vị Thái” chính thức khai mạc. Theo đó, có hơn 2.000 mặt hàng Thái Lan nhập khẩu, chất lượng, kèm theo rất nhiều ưu đãi. Các thương hiệu nổi tiếng của Thái Lan, khá quen thuộc với người Việt như: nước tăng lực Red Bull, Carabao, sữa đậu nành Lactasoy, hàng hóa mỹ phẩm (bột giặt, nước rửa chén) Pro, khăn giấy Cellox... Những sản phẩm được nhập khẩu độc quyền “chỉ có tại MM” như bánh kẹo Bitee, hàng hóa mỹ phẩm Maxa.
Ông Bruno Jousselin - Tổng Giám đốc Điều hành MM Mega Market Việt Nam cho biết, Thái Lan và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2013. Thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2021 đạt 19,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, không thua hàng Thái trong phát triển thị trường, hàng Việt cũng “chạy đua” sang thị trường Thái Lan bằng xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu qua kênh bán lẻ. Hiện đã có nhiều DN Việt Nam xuất khẩu thành công sang thị trường Thái Lan như: Bibica, Đại Việt, Hải Bình, Trung Nguyên, Vinamit, Chinsufoods…
Theo ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TPHCM, hàng Việt vào thị trường Thái khá nhiều, điều này cho thấy thị trường Thái Lan không quá “khó tính”. Điều quan trọng là DN cần nắm bắt được đúng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người Thái.
Là địa chỉ quen thuộc trong việc hỗ trợ đưa hàng Việt sang Thái, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc đối ngoại khu vực miền Trung - miền Nam của Tập đoàn Central Retail Việt Nam cũng nhấn mạnh Thái Lan là một thị trường tiềm năng xuất khẩu cho DN Việt, tuy vẫn còn nhiều thách thức về chất lượng, giá cả, mẫu mã, phương thức kết nối… để có thể cạnh tranh với các nước khác cùng khu vực. Bà Hiền cho biết xu hướng tiêu dùng tại Thái Lan cũng có một số thay đổi như mua sắm qua hình thức trực tuyến ngày càng phát triển; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý; các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, thể hiện sự quan tâm đến môi trường và sản phẩm địa phương đang là xu thế và phát triển trên tất cả các phân khúc khách hàng.
Về tổng quan xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt khoảng 7 tỷ USD mỗi năm. Đây được xem là một thành công so với nhiều thị trường khác. Theo lãnh đạo Sở Công thương TPHCM, dù rào cản thuế quan giữa Thái Lan và Việt Nam cũng như các nước ASEAN hầu như không có, nhưng trên thực tế vẫn có những hàng rào kỹ thuật đối với một số mặt hàng nông sản, trái cây. Ông Hồ Văn Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam cho rằng, cần tìm cách giảm bớt rào cản kỹ thuật, đẩy mạnh đàm phán để Thái Lan công nhận các tiêu chuẩn hàng hóa của Việt Nam.
Đề cập đến xuất khẩu hàng hóa vào Thái Lan, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, các DN Việt kiều ở Thái Lan sẽ là những cầu nối quan trọng để giới thiệu sản phẩm Việt Nam. Chính quyền thành phố sẽ tích cực kiến nghị gỡ bỏ một số rào cản còn tồn tại để tạo điều kiện tốt nhất cho DN Việt xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.