Vào năm 2030, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu vượt qua ngưỡng này, Trái đất sẽ đối mặt với nhiều thảm họa môi trường. Việt Nam đã đang và sẽ nỗ lực cùng các quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đó là những thông tin từ Hội nghị đối thoại cấp cao về BĐKH do Bộ Tài nguyên Môi trường và tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức sáng qua 10/10.
Theo tính toán, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng vượt ngưỡng 1,5 độ, 70 - 90% rạn san hô trên Trái đất sẽ chết. Bắc Băng Dương sẽ trải qua những mùa Hè không có băng. Các cơn bão như Harvey và Florence ở Mỹ, tình trạng hạn hán và thiếu nước ngọt như ở Cape Town, Nam Phi sẽ diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 54.000 tỷ USD.
BĐKH cũng đang tác động nặng nề đến Việt Nam, GS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của UBQG về BĐKH nói. Theo ông Thục, hiện số ngày nắng nóng ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể, mức cực đoan xuất hiện khắp nước. Tình trạng mưa nhiều gây úng ngập ở các thành phố lớn, hạn hán ở nhiều nơi, số vụ lũ quét thường xuyên hơn. Và hiện mực nước biển đang dâng 3,1mm/năm. Số lượng cơn bão trong tương lai sẽ tăng, hạn hán sẽ khốc liệt hơn.
Không chỉ là thiên tai mà các lĩnh vực của đời sống xã hội đều chịu tác động nặng nề của BĐKH. Đại điện Bộ Y tế - bà Liên Hương cho biết, qua các nghiên cứu cho thấy, BĐKH làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng và tăng tỉ lệ nhập viện nhất là người già và trẻ em.
Khi nhiệt độ tăng 1 độ C thì tăng 3,4-4,6% số trẻ nhập viện, tăng 7-11% nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tăng 5,6% nguy cơ mắc tay chân miệng và tăng 1,5% số ca tiêu chảy. Vào những ngày có sóng nhiệt, tỉ lệ người già nhập viện do tim mạch tăng 13%, thay đổi các điều kiện khí hậu có nguy cơ làm gia tăng các dịch, bệnh mới nổi như cúm AH5N1, H1N1, Zika.
Hiểu được sự khốc liệt của BĐKH, Việt Nam luôn chủ động và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nói. Cùng với việc phê duyệt Thỏa thuận Paris về chống BĐKH, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, trọng tâm tập trung vào thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định. Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các đối tác phát triển, cộng đồng khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân cho sự nghiệp ứng phó với BĐKH.
Việt Nam đã cam kết cắt giảm 8% tổng lượng phát thải vào 2030 và nếu có sự hỗ trợ có thể giảm tới 25% lượng phát thải. Hiện có 48/53 tỉnh đã tích cực thực hiện Thỏa thuận về BĐKH cũng như ban hành kịch bản ứng phó với BĐKH.