Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quản lý hoạt động vận tải, hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ, trong đó có thay đổi khá quan trọng là hành khách và lái xe taxi sẽ tự thỏa thuận về giá thay vì phải theo giá niêm yết trên xe.
Hiện nay khi khách hàng đi xe taxi hay xe taxi công nghệ có 2 hình thức để trả tiền: Tính tiền cho quãng đường di chuyển theo đồng hồ hoặc tính tiền qua phần mềm mà xe hợp đồng điện tử đang thực hiện. Bên cạnh 2 hình thức này, dự thảo Nghị định quản lý hoạt động vận tải, hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ còn đưa ra thêm hình thức thứ 3: khách hàng được thỏa thuận giá cước trước khi bắt đầu chuyến đi với tài xế.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết quy định này được bổ sung trên cơ sở nhu cầu thực tế của loại hình xe taxi đang chịu nhiều điều kiện kinh doanh chặt chẽ so với xe hợp đồng. Việc này sẽ tạo thuận lợi, giúp các hãng taxi có thể điều chỉnh giá cước linh hoạt và phù hợp với thực tế thị trường.
Giới chuyên gia trong ngành đánh giá, thông tin này thoạt nghe qua có lợi cho người dân nhưng đứng ở góc độ quản lý thì không đơn giản. Chẳng hạn với trường hợp khách hàng thoả thuận giá thấp hơn giá cước hiện trên đồng hồ và yêu cầu có hoá đơn thì sẽ xuất hoá đơn theo mức tiền nào? Chưa kể, nếu ai cũng thoả thuận miệng thì hãng xe taxi quản lý doanh thu từ các xe như thế nào, làm sao để biết đâu là doanh thu thật?
Theo ông Nguyễn Tiến Long - Giám đốc Taxi Thăng Long, Luật Cạnh tranh hiện nay đã khá thông thoáng, không còn khống chế tỷ lệ doanh thu mà doanh nghiệp (DN) được khuyến mại, cho, tặng khách hàng (trước đây là không quá 30%). Vì thế, không loại trừ tình trạng DN có tiềm lực đổ tiền vào mua thị trường bằng cách cho, tặng, giảm giá cước tương tự như Grab trước đây đã thực hiện. “Việc thỏa thuận miệng giá cước trọn gói cho một chuyến xe sẽ khiến DN khó quản lý, không có cơ sở tham chiếu xem cuốc xe đó bao nhiêu”- ông Long nói và cho rằng, thiết bị giám sát hành trình cũng chỉ kiểm soát được quãng đường di chuyển chứ không thể hiện được số tiền. Để kiểm soát được doanh thu thật là vấn đề không đơn giản.
Anh T.M.T, lái xe cho hãng taxi Quê lụa chia sẻ, nếu để thoả thuận được giá cước thì không còn là đi taxi. Có nhiều khách hàng trước khi bước lên xe cũng thoả thuận miệng và không muốn tài xế bấm đồng hồ. Nhiều quãng đường có thể ước tính được giá cước, nhưng có nhiều quãng đường không thể ước tính được.
“Khi để cho khách hàng và tài xế tự thoả thuận miệng sẽ tạo cơ hội cho taxi dù rộng cửa phát triển” – anh T.M.T nói.
Một số ý kiến cho rằng, các hoạt động thương mại, dịch vụ thuận mua vừa bán nhưng luôn hướng tới minh bạch hoá đơn và đóng thuế. Nếu hành khách và lái xe taxi đều thoả thuận miệng với nhau về giá cước thì việc xác thực doanh thu khó.
Trước việc khó kiểm soát giao dịch, dẫn đến không kiểm soát được doanh thu, nguy cơ thất thu thuế, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Hiện nay, đã bắt buộc DN sử dụng hóa đơn điện tử nên việc kiểm soát thuế sẽ được quản lý theo pháp luật về thuế. Giá cước theo thỏa thuận, DN vẫn phải xuất hóa đơn điện tử và truyền về cơ quan thuế. Dù tính tiền theo phương thức nào, khi kết thúc chuyến đi, tài xế phải xuất hóa đơn cho hành khách”.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, luật nghiêm cấm việc không xuất hóa đơn cho khách. Việc DN có chấp hành xuất hóa đơn thỏa thuận cước chuyến đi hay không phụ thuộc vào tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, việc xác lập với nhau bằng lời nói, cử chỉ, hành vi cũng là hợp đồng. Việc giao kết hợp đồng, thỏa thuận giá cước là thể lệ vận tải. Hiện có nhiều quy định pháp luật đan xen, để quản lý được về giá và thuế cần thiết phải có quy định như đề xuất trong dự thảo.
Dù vậy, việc kiểm soát doanh thu và đóng thuế đối với lái xe taxi theo nhận định vẫn là khó nếu khách với lái xe được thỏa thuận miệng về cước xe. Phần lớn thói quen di chuyển hiện nay của người dân vẫn là không lấy hóa đơn, không yêu cầu lái xe xuất hóa đơn.