Chuyên gia Vũ Tú Thành- Phó Giám đốc khu vực Đông Nam Á Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đưa ra lời khuyên đối với các bạn trẻ hôm nay, về hành trang cần chuẩn bị để khởi nghiệp, nhất là khi thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ông Vũ Tú Thành.
PV:Tiếp xúc và làm việc với nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, ông thấy rằng họ thường đòi hỏi gì ở những người trẻ, cụ thể là những bạn sinh viên đang hoặc đã ra trường?
Ông Vũ Tú Thành: Thời nào cũng thế, hành trang quan trọng nhất là tư duy. Tôi từng giảng dạy gần 10 năm ở Học viện Ngoại giao. Quãng đời hơn 10 năm đó, hàng trăm sinh viên tôi đã góp phần đào tạo không ai gọi tôi bằng thầy. Các bạn sinh viên đều gọi tôi là anh hoặc bạn. Điều ấy nói lên chuyện gì?
Tôi luôn khuyến khích sinh viên, đừng bao giờ thần tượng ai. Thầy của các bạn trên lớp chỉ giỏi hơn các bạn trong khoảng thời gian đó, trong lĩnh vực đấy. Các bạn còn hạn chế về không gian, thời gian mà quá trình học tập và phát triển của một con người là liên tục. Hôm nay anh là thầy của người ta, nhưng thời điểm khác, không gian khác chưa chắc có thể là thầy ở khía cạnh hơn về mặt kiến thức để có thể chia sẻ.
Vì vậy, nếu tư duy theo hướng đấy để thấy rằng mình thấy người thầy, người cô hay những đối tượng khác mình thấy rằng họ có những thứ xứng đáng để mình tôn trọng họ. Nhưng không bị ảnh hưởng bởi chuyện tôn thờ hay tư duy trong các công việc khác để làm thui chột năng lực sáng tạo trong môi trường học đường.
Tư duy sáng tạo không đi theo lối mòn. Tôi đánh giá rất cao những điều kiện nhà trường và các thầy cô có thể trang bị cho mình nhưng sẽ là sai lầm nếu mình nhầm lẫn sự đánh giá cao đấy với sự hài lòng những gì mà nhà trường hay môi trường học đường mang lại cho mình.
Phải luôn luôn yêu cầu nhiều hơn những gì mà hoàn cảnh đang cho phép. Không cho phép hài lòng với gì đang có. Tìm cách học hỏi những gì nhà trường, thầy cô chưa có điều kiện cung cấp giảng dạy cho mình, đó là cơ hội để mình học từ những nơi khác ngoài nhà trường. Cần phải ý thức nhu cầu học ở mọi nơi, mọi lúc.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đem lại nhiều thay đổi, trong đó có những dự đoán như tình trạng thất nghiệp gia tăng… Các nước phát triển đã xử lý điều này như thế nào? Với Việt Nam, theo ông điều này có thể trở thành mối đe dọa hay không?
- Tôi đã theo dõi nhiều năm và thấy rằng những hiện tượng đó có thật. Ở Mỹ có những bộ phận dân chúng, người lao động bị gạt sang bên lề, không chỉ trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 mà trong quá trình toàn cầu hóa thời gian qua. Những nền kinh tế phát triển cao không tránh khỏi những sai lầm trong xử lý cho những bộ phận người lao động dễ bị tổn thương có thể thích nghi với tiến bộ, xu hướng mới trong kinh tế, công nghệ.
Việt Nam cũng phải đối mặt với thực tế này. Những thay đổi về công nghệ không thể cưỡng lại được. Dù chúng ta có thích hay không thì nó vẫn diễn ra. Hoàn toàn không có lựa chọn mà bắt buộc chúng ta phải thích nghi.
Vậy để thích nghi thì các bạn trẻ cần làm gì?
- Họ bắt buộc phải rời bỏ công việc đang làm khi không còn ai cần đến công việc đó nữa. Quá trình thích nghi cực kỳ đa dạng. Tôi được nghe nhiều người kể lại câu chuyện thành công của họ, tìm được công việc mới giúp họ có được thu nhập, không phải chết đói, phải sống bằng trợ cấp. Trong đó có những công việc không liên quan chút nào đến công việc trước đây của họ.
Chẳng hạn, có người đang rất thành công trong dịch vụ cung cấp chải lông cho chó mèo. Anh này khi còn là công nhân mỏ than thì rất đam mê các con vật, sau này bị thất nghiệp mới có thời gian rảnh rỗi để nuôi chó mèo, chăm sóc chúng. Hàng xóm thấy anh khéo léo nên nhờ anh, người nọ truyền miệng người kia…
Kể câu chuyện này, tôi muốn nhấn mạnh rằng thời đại mới sẽ đem lại những thay đổi mới và nhiều cơ hội khác. Đặc biệt với tính chuyên môn hóa cao, thu nhập khả dụng của những người bắt kịp xu hướng thay đổi là tăng lên. Những người mất việc có thể tìm thấy công việc đáp ứng nhu cầu công việc mới phát sinh của thị trường hoặc nhu cầu tăng lên của thị trường.
Cơ hội, tôi cho rằng không thiếu, vấn đề là chúng ta ở góc độ cá nhân là phải liên tục động não, tư duy mới. Ở góc độ vĩ mô các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giúp đỡ quá trình chuyển đổi này cho những người dễ bị tổn thương. Có thể tận dụng những xu hướng như dữ liệu lớn, nền kinh tế chia sẻ để có thể dịch chuyển yêu cầu lao động của thị trường nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Để chuẩn bị cho Cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông sinh viên các ngành khác có cần phải học thêm về công nghệ thông tin không?
- Học thêm bất cứ kiến thức gì cũng đáng quý và học thêm về công nghệ thông tin là cần thiết với bất kỳ người nào. Tôi cho rằng, đối với những người ngoại đạo cũng cần phải có nền tảng cơ bản. Nếu bạn nghĩ rằng “bạn không thể sống thiếu nó” thì bạn sẽ làm được. Tất nhiên, học như thế nào lại phụ thuộc vào điều kiện của mỗi người.
Thực tế chứng minh nhiều công ty về công nghệ nổi tiếng trên thế giới đều trải qua giai đoạn “lò ấp” trong các trường ĐH. Ông có thể chia sẻ về việc xây dựng “lò ấp” khởi nghiệp trong các trường ĐH ở Việt Nam?
- Hiện nay các trường đại học ở Việt Nam cũng đã xây dựng những mô hình ươm tạo khởi nghiệp cho sinh viên như là ĐH Bách khoa, ĐHQG, Kinh tế Quốc dân... Theo như tôi thấy, điểm chung của tất cả những trường hợp khởi nghiệp thành công trong nhà trường hay là vừa mới tốt nghiệp đều cần có một khả năng là “nhìn ra cơ hội kiếm tiền”. Đó là cách nói đơn giản của việc bạn hiểu được nhu cầu của thị trường.
Các trường cần phải nhạy bén nhìn ra nhu cầu kinh doanh và kết nối được với các nhà đầu tư, thị trường, tận dụng nguồn lực sẵn có như cơ sở vật chất, kiến thức của nhà trường để giúp các mô hình ươm tạo cạnh tranh được với thị trường. Có thể dùng uy tín của nhà trường gắn với các mô hình ươm tạo, để giúp các sinh viên được ươm tạo có được nền tảng cạnh tranh nhất định so với các đối thủ ngoài thị trường.
Trân trọng cảm ơn ông!