Xã hội

Hành vi xả rác nơi công cộng: Tăng chế tài để xử lý nghiêm

NAM ANH 03/01/2024 07:57

Sau mỗi kỳ nghỉ lễ, những bãi rác khổng lồ lại ám ảnh công nhân môi trường. Điều này cho thấy, bên cạnh việc nâng cao hơn nữa ý thức của người dân, thì rất cần các chế tài xử lý nghiêm khắc để không còn tái diễn hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng.

anh1baitren.jpg
Công nhân môi trường Chi nhánh Đống Đa (TP Hà Nội) thu gom rác thải, làm sạch môi trường. Ảnh: Nam Anh.

“Vấn nạn” vô tư xả rác

Anh Nguyễn Văn Tuấn - công nhân môi trường quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) cho biết: Năm nào báo, đài, mạng xã hội cũng lên án về tình trạng xả rác bừa bãi sau kỳ nghỉ, lễ hội, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan. Thậm chí nhiều nhà dân nhìn rất to đẹp, khang trang nhưng chỉ đẹp trong khuôn viên của nhà họ, còn từ cổng ra đường, ra ngõ, thì họ vô tư xả rác. “Rõ là rác nhà họ vứt ra nhưng lại tỏ ra khó chịu khi chúng tôi quét không sạch. Còn có người ngang nhiên mang rác vứt ra ngoài đường khi được chúng tôi nhắc nhở thì tỏ thái độ hằn học” - anh Tuấn bức xúc cho biết.

Bắt đầu làm việc từ 3 giờ sáng, nhưng mãi đến 8 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Mến - công nhân môi trường quận Cầu Giấy mới dọn dẹp được nửa quãng đường, khu dân phố mình đảm nhiệm. Nhìn 2 xe rác đầy chất ngất, chị bảo vào những dịp lễ, Tết thì lượng rác nhiều gấp hai, gấp ba so với ngày thường. Bình thường công việc của chị khởi đầu làm lúc 5 giờ sáng, nhưng bữa nay chị đi sớm trước 1 tiếng để tranh thủ dọn dẹp. Và kết quả, có tận 2 xe rác đầy ú ụ, mà mới chỉ thu gom được phân nửa quãng đường. “Lễ Tết ai cũng muốn được ở bên gia đình vui chơi, tụ họp, nhưng vì mưu sinh nên tôi phải làm nghề này. Tôi cũng chỉ mong tất cả mọi người đều có ý thức hơn, để rác đúng nơi quy định” - chị Mến chia sẻ.

Thực tế không chỉ có ở lễ hội, kỳ nghỉ lễ, Tết, mà hàng ngày không khó bắt gặp hình ảnh học sinh, sinh viên, công nhân viên chức… đi học, đi làm cầm theo gói xôi, bánh mì, ăn xong quẳng luôn vào gốc cây, ném rác qua cửa kính xe buýt. Trong lớp học, sân trường, học sinh cũng ngang nhiên xả rác ở hộc bàn, góc lớp, hành lang...

Những năm gần đây, Hà Nội đã và đang nỗ lực chấn chỉnh những hành vi “lệch chuẩn” văn hóa nơi công cộng bằng cách ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng cùng với đó có các quy định về vứt rác nơi công cộng. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất trong công tác triển khai là thiếu vắng chế tài xử phạt dành cho những hành vi phản văn hóa nơi công cộng, điều vốn được áp dụng rất nghiêm khắc tại nhiều nước trên thế giới. Quy tắc ứng xử không đi kèm với điều khoản xử phạt khiến không ít người dân chưa thực sự coi trọng việc chấp hành quy tắc.

Không riêng Hà Nội mà hầu hết các địa phương trong cả nước, tình trạng xả rác bừa bãi đã diễn ra lâu nay, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.

anh2baitren.jpg

Tăng chế tài

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), lượng rác bình quân thải ra môi trường tại nước ta hiện nay vào khoảng 60.000 tấn/ngày, tương ứng với gần 22 triệu tấn/năm, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%, còn lại là vùng nông thôn. Dự báo với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng trưởng mạnh như thời gian qua (xấp xỉ 30%/năm), lượng rác thải cũng sẽ tăng theo tỷ lệ thuận (khoảng 1,8-2 triệu tấn/năm).

Trong tổng lượng rác thải có đến 16% (3,52 triệu tấn) là rác thải nhựa rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên hoặc chôn lấp, chưa kể trong số này còn lẩn khuất một lượng đáng kể mảnh thủy tinh, mảnh gốm sứ… không thể phân hủy. Cũng theo khảo sát của Bộ TNMT, hiện mỗi hộ gia đình Việt Nam đang sử dụng 1kg túi nilon/tháng, tính riêng TP Hà Nội và TPHCM mỗi ngày thải ra 100 tấn rác thải nhựa (30.000 tấn/năm). Những con số này cho thấy, nếu không có giải pháp thu gom triệt để rác thải nhựa thì ô nhiễm môi trường sẽ rất nghiêm trọng.

Theo luật sư Nguyễn Hoàng Trang- Đoàn Luật sư Hà Nội, hiện nay theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ tháng 2/2017) thì mức xử phạt đối với các hành vi vứt đầu mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng; vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại phạt từ 3 - 5 triệu đồng; vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước phạt từ 5 - 7 triệu đồng... Việc xử phạt nặng các hành vi nêu trên là một trong những giải pháp tốt để ngăn ngừa những thói quen xấu, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, đi kèm với việc xử phạt cũng cần triển khai nhiều cách làm phù hợp để ngăn chặn triệt để các hành vi làm xấu môi trường.

Việc vứt rác bừa bãi không chỉ gây mất vệ sinh cộng đồng mà còn là một trong những thước đo sự văn minh trong hành vi ứng xử nơi công cộng, thể hiện sự phát triển về văn hóa của cộng đồng. Đó là một trong những lý do Singapore phạt rất nặng hành vi xả rác bừa bãi. Người xả rác bừa bãi lần đầu bị phạt 1.000 đô la Singapore, tái phạm sẽ bị phạt từ 2000 - 5000 đô la Singapore và phải lao động công ích. “Chính vì vậy, tại Việt Nam ngoài việc nâng cao ý thức bằng việc tuyên truyền thì rất cần các biện pháp chế tài, giải pháp mạnh tay, kiên quyết để ngăn chặn tình trạng xả rác nơi công cộng” - luật sư Ngô Hoàng Trang nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành vi xả rác nơi công cộng: Tăng chế tài để xử lý nghiêm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO