Hao hụt trầm trọng nhân lực ngành dệt may

Minh Phương 27/08/2021 12:00

Ngành dệt may mới phục hồi trong nửa cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 sau hàng loạt những khó khăn vì dịch bệnh, thế nhưng làn sóng Covid-19 lần thứ 4 lại giáng một đòn mạnh khiến nhân lực tại các doanh nghiệp (DN) dệt may rơi rụng nhiều, dệt may lại đối diện với rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, hủy hợp đồng, mất đối tác...

Lao động sụt giảm mạnh

Trên đà phục hồi từ năm 2020, những tháng đầu năm 2021, các DN ngành dệt may tiếp tục nhận được nhiều đơn hàng mới. Nhiều DN dệt may cho biết, đơn hàng ký được đến hết quý III thậm chí hết cả quý IV của năm 2021. Thế nhưng, cục diện hoàn toàn thay đổi khi làn sóng thứ 4 Covid-19 ập đến và lan rộng tại TP HCM và 19 tỉnh phía Nam, lại chính là những nơi tập trung nhiều nhà máy dệt, may của cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch đưa lao động về quê. Và cũng có nhiều người lao động tự phát ồ ạt bỏ việc về quê. Điều này dẫn đến thiếu hụt lao động trầm trọng.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), sự di chuyển lao động, cộng với các yêu cầu về phương án “3 tại chỗ” đang ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động của ngành may. Cụ thể, phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” khiến việc đi lại làm việc, sản xuất của các DN dệt may gặp nhiều khó khăn. Vitas cho biết, hiện, tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35% do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ”.

Cho dù nhiều DN có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí là hết năm nay, song do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dẫn đến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng Thư ký Vitas nhận định, trong những tháng cuối năm 2021, ngành dệt may phải đối mặt với nhiều thách thức. Dịch Covid-19 bùng phát ở khu vực phía Nam có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, do các DN không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng.

“Áp lực giao hàng trong khi chuỗi cung ứng đứt gãy là thách thức lớn với DN dệt may lúc này. Nếu không đáp ứng được thời gian giao hàng, khách hàng sẽ yêu cầu hủy đơn và ảnh hưởng kéo dài sang cả năm 2022. Không có đơn hàng, không thể sản xuất, DN không có doanh thu và người lao động không có việc làm và việc bảo đảm đời sống an sinh cho người lao động sẽ là áp lực lớn cho nền kinh tế và xã hội”, bà Ánh cảnh báo.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng nêu lên thực tế, kể từ tháng 6, khi dịch bệnh lan mạnh ở phía Nam, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN dệt may gặp nhiều khó khăn, khi chỉ trong vòng 1 tháng, số lượng lao động phải tạm thời nghỉ việc lên đến trên 40.000 người, chủ yếu tại khu vực phía Nam.

Tính đến hết tháng 6/2021, 100% các đơn vị thuộc Vinatex có đủ đơn hàng đến hết quý III, và 75% DN có đơn hàng đến hết quý IV của năm 2021. Thế nhưng, việc thiếu hụt nguồn nhân lực ở khu vực phía Nam khiến cho các DN dệt may đối diện với những rủi ro bị hủy hợp đồng vì không đảm bảo được tiến độ cũng như ảnh hưởng đến quan hệ với các đối tác.

Đẩy nhanh việc tiêm vaccine

Trước thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và những khó khăn mà ngành dệt may đang phải đối diện, theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đẩy nhanh việc tiêm phòng vaccine cho DN và các lao động các lĩnh vực sản xuất là vô cùng cần thiết.

Để hỗ trợ DN dệt may sớm khôi phục sản xuất, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất, nhà quản lý cần có động thái cắt giảm các chi phí để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của DN. Theo đó, Vitas đề nghị giảm 30% giá điện cho đến hết năm 2021. Ngoài ra, Hiệp hội cũng tiếp tục kiến nghị TP Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022; TP HCM hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022. Vitas cũng kiến nghị ngành ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với những DN gặp khó khăn do Covid-19; tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm...

Đặc biệt, với những khó khăn về nguồn nhân lực ngành dệt may hiện nay, Vitas cho rằng, trong kịch bản tích cực, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8/2021, số lượng công nhân dự kiến chỉ đạt 65% và thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ là thách thức lớn cho ngành trong quý III/2021. Do đó, để các DN ngành may có thể yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường việc tiêm vaccine cho công nhân lao động là vô cùng cần thiết.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân: Chỉ khi đạt miễn dịch cộng đồng, mới không đứt gãy chuỗi sản xuất

Việc di chuyển lao động do diễn biến dịch Covid-19 cho thấy, nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt là lao động làm việc trong các DN gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử. Với ngành dệt may nguy cơ này đã hiện hữu trước mắt.Trong bối cảnh này, ưu tiên hàng đầu vẫn là vaccine, chỉ có đạt miễn dịch cộng đồng mới có thể không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, lao động.

Song song với đó cần triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 và Quyết định số 23. Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng lần này bên cạnh hỗ trợ trực tiếp cũng dành 4.500 tỷ đồng để đào tạo lại lao động. Phải nói rằng đây là chính sách cần thiết lúc này để giải bài toán thất nghiệp của người lao động, đồng thời cũng là giải pháp giúp DN giảm bớt gánh nặng chi phí về đào tạo và chuyển đổi nguồn nhân lực.

Lê Bảo(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hao hụt trầm trọng nhân lực ngành dệt may