Nghĩa Lộ là một thị xã nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, được ví như một lẵng hoa đẹp, lọt thỏm giữa một vùng lòng chảo màu mỡ, thiên nhiên ưu đãi, con người thuần hậu - đó là cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai của toàn vùng Tây Bắc.
1. Trước khi đến Nghĩa Lộ, chúng tôi đã thuộc lòng bài hát “Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?” Có ngờ đâu, ca khúc của nhạc sĩ Trọng Loan lại được phổ từ bài thơ của một cô gái Tày có tên Hoàng Thị Hạnh.
Rồi lúc đến TP Yên Bái, may mắn thế nào lại gặp tác giả của những vần thơ đó, nghe chị đọc bài thơ, mà quên luôn chặng đường xa mệt nhoài để leo lên xe đi theo quốc lộ 32 thêm gần 90 km nữa vào Nghĩa Lộ.
Xe chạy xứ đồng rừng, nắng xiên khoai vào chỗ ngồi, nhưng những câu thơ thì luôn vang vọng: “Chiều mùa thu nắng vàng như mật/ Khi nhắc tên Đèo Ách, Cầu Nhì/ Khi đã từng nghe rừng gió hút/ Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?”.
Bài thơ được viết vào quãng tháng 10-1995, khi đó tác giả bài thơ đang là cán bộ UBND thị xã Nghĩa Lộ. Lúc ở TP. Yên Bái, chị Hạnh bảo với tôi rằng, chị làm được bài thơ ấy cũng có nguyên cớ. Số là hôm đó chị ra Yên Bái dự Hội nghị Tổng kết Nghị quyết Trung ương IV về công tác thanh niên do Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức.
Trước lúc giải lao, anh Tấn Phương ở Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương đọc tặng các đại biểu bài thơ trong có câu: “Yên Bái trong tôi lần đầu mới gặp/ Sao thấy yêu thương, nặng nghĩa tình/… Xứ sở xa xôi, miền tây heo hút/ Mới chỉ nghe thôi, đã giật mình”.
Mấy câu thơ ấy là cái cớ, là sự thôi thúc khiến Hoàng Thị Hạnh ngồi viết một mạch bài thơ: “Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?/ Còn nhớ Ngòi Thia lời yêu ngày trước/ Nhớ Mường Lò khi vui mùa gặt/ Bên núi Hoàng Liên mây trắng ngang trời...”
Còn chúng tôi, cũng vì những vần điệu du dương ấy mà có mặt ở Nghĩa Lộ trong một thời khắc giao mùa, lúc mưa lúc nắng và được khám phá vẻ đẹp biến đổi của một vùng đất với những sản vật nổi tiếng: nếp Tú Lệ, chè Shan Tuyết hái từ độ cao 1.000 m, măng sặt…
Nhưng vẻ đẹp của những tộc người nơi đây mới chính là điểm cuốn hút khách du lịch nhất. Không khó để bắt gặp những sinh hoạt thật dân dã. Những chàng trai đẩy gậy bắt cá, những cô gái nấp mình khỏa nước suối Thia tắm mát, hay những điệu múa sạp vẫn vang lên trong những ngôi nhà sàn ở bản Xa làm ấm lòng du khách…
Đến Nghĩa Lộ, bạn có thể ghé thăm những làng văn hoá sinh thái như bản Xà Rèn (Nghĩa Lợi), Nậm Đông (Nghĩa An), các làng dệt thổ cẩm ở các phường Cầu Thia, Tân An, Trung Tâm, Pú Trạng… Xa hơn nữa là vùng suối nước nóng Cò Cọi nhiệt độ 70 đến 80 độ C.
Du khách có thể vui chơi trên bãi “tắm tiên” của các chị, các cô người Thái. Trên đó có rừng nguyên sinh long não, có động Thẩm Han. Những hang động cổ, nơi đã từng là căn cứ của các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Các đội văn nghệ luôn sẵn sàng nhảy sạp, múa xòe phục vụ du khách.
2. Cách thành phố Yên Bái 80 km về phía tây, Mường Lò nằm gọn trong lòng thị xã nghĩa Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. Những ai đã đến vùng này đều có chung cảm nhận: từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Lò như một cái chảo lớn, xung quanh là những triền núi quanh năm mây phủ. Vào mùa xuân, sương mù càng đậm đặc hơn.
Những người đã sống và từng đến Mường Lò cùng chung một đúc kết rằng, trong số bốn thung lũng lớn nổi tiếng vì phong cảnh đẹp, thì cánh đồng Mường Lò được xếp thứ hai sau Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) và đứng trên Mường Than (Than Uyên, Lai Châu) và Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La).
Miền tây vùng lòng chảo Mường Lò là sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như người Tày, người Mông, người Mường, người Nùng và nhiều nhất là dân tộc Thái (chiếm khoảng 44%)… Mường Lò là điểm mút của dãy Hoàng Liên dài 180 km, rộng 30 km. Từ lâu, đã có người ví đây là cánh đồng lớn thứ hai của vùng Tây Bắc hùng vĩ, mộng mơ. Mường Lò nổi tiếng với gạo trắng nước trong với hương vị gạo tẻ và chè.
“Muốn ăn gạo trắng nước trong/ Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò’’. Đó là một câu thơ mà nhiều người đã thuộc để nhắc về thứ gạo nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Cho đến ngày nay, đặc sản gạo Mường Lò còn xuất hiện trong nhiều siêu thị hiện đại ở các thành phố lớn.
Cánh đồng Mường Lò rộng gần 3.000 ha, trong đó diện tích ruộng nước nằm trên địa bàn huyện Văn Chấn 1.500 ha, thị xã Nghĩa Lộ trên 700 ha. Đây là vùng đất dốc tụ được kiến tạo từ hàng triệu năm trước do Ngòi Thia và hàng chục dòng suối lớn nhỏ chở phù sa từ trên các sườn núi bồi đắp lên cánh đồng. Được thiên nhiên ưu đãi, nên nhiều giống lúa khi bén duyên trên mảnh đất này đều trở lên nổi tiếng, như: Hương Chiêm, Séng Cù, ĐS1...
Bên cạnh gạo thì đặc sản chè Suối Giàng cũng rất nổi tiếng. Những cây chè cổ thụ ở Suối Giàng thường xuyên thu hút các du khách gần xa. Vào mùa thu hoạch, hương thơm ngào ngạt mùi nhựa chè thơm chan chát, quyến rũ đến mức đi trong hương vị của chè người ta có cảm giác như được đang được thưởng thức chính thứ hương rừng sắc núi ấy.
Chè từ trên đỉnh núi được thu hoạch về là đưa ngay vào sao tẩm. Cho đến nay bà con người Mông ở Suối Giàng vẫn sao tẩm bằng phương pháp thủ công. Những cánh chè to và cong như lưỡi câu, bên ngoài phủ một lớp tuyết trắng đục, óng ánh tự nó đã thơm ngát...
Có khá nhiều giả thuyết về hàng vạn cây chè tổ ở Suối Giàng. Đất, rừng và chè ở Suối Giàng thật hùng vĩ và kỳ lạ. Suối Giàng là một xã nằm ở độ cao 1.500 đến 1.800 m so với mực nước biển. Có những cây được tính với tuổi thọ hơn 300 tuổi, nó được ví là cây chè thuỷ tổ ở Suối Giàng.
Thậm chí nhiều người còn cho rằng, uống chè Suối Giàng có thể tránh được nhiều bệnh đường ruột, đôi khi chỉ cần dùng lá chè cổ thụ sát vào da thịt người, bao nhiêu mẩn ngứa sẽ khỏi hết...
Về phía Bắc của lòng chảo Mương Lò thơ mộng, có một dòng suối lớn. Mùa nước lớn lòng suối rộng tới cả trăm mét. Đó là suối Thia. Tiếng địa phương, Thia nghĩa là nước mắt. Truyền thuyết kể rằng, từ ngày xưa đã lâu lắm rồi, có một cô gái yêu một chàng trai miền xuôi, khi chàng trai về xuôi không trở lại, cô gái ngồi khóc một mình, khóc mãi, khóc mãi, nước mắt chảy thành dòng suối còn đến nay. Không biết có phải ngẫu nhiên không, cách cầu Thia chừng 50m về phía Nam, trên đường từ Nghĩa Lộ ra suối Thia còn có ngòi Bùa… |
3. Đến Mường Lò, Nghĩa Lộ đừng bỏ lỡ việc tham dự và tìm hiểu nghệ thuật xòe Thái. Mảnh đất này lâu nay được người Thái Đen ở Tây Bắc coi là quê tổ, nơi sinh ra các điệu xòe, là ngọn nguồn của những vòng xòe.
Chúng tôi tìm tới nghệ nhân Lò Văn Biến - người được ví như “nhà Thái học”. Nghệ nhân Lò Văn Biến sinh năm 1933. Nhà ông ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm. Ông Biến cũng chính là người góp công lớn vào việc khôi phục các lễ hội: “Xên bản xên mường”, “Lồng tồng”; sinh hoạt “Hạn khuống” - tức sàn sân ngoài trời, một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái hát đối đáp giao duyên ở vùng đất này…
Trên căn nhà sàn cũ, nghệ nhân Lò Văn Biến cho biết, xòe Thái có 6 điệu xòe cổ, được các nghệ nhân coi là khởi nguồn của hơn 30 điệu xòe khác. Cũng chính bởi điều này, người Thái Mường Lò có câu: “Không xòe không tốt lúa, không xoè thóc cạn bồ, không xòe trai gái không thành đôi”...
Mấy năm trước, nghệ nhân Lò Văn Biến được giao nhiệm vụ hướng dẫn hơn 200 diễn viên không chuyên tập luyện 6 điệu xòe cổ mang hồn cốt của đất Mương Lò gồm: điệu xòe vòng (xé vóng), điệu vòng tròn vỗ tay (ỏm lọm tốp mứ), điệu tung khăn (nhôm khăn); điệu bổ bốn (phá xí), điệu tiến lùi (đổn hôn), điệu nâng khăn mời rượu (khắm khăn mơi lảu).
Ông Biến khoe cách đây ít lâu ông vinh dự được đại diện cho bà con lên đón nhận bằng công nhận xòe Thái Mường Lò là Di sản văn hóa phi vật thể. Bằng các nghiên cứu, tìm tòi của mình, ông Biến giảng giải cho chúng tôi ngọn nguồn về các điệu xòe, về vai trò của xòa trong đời sống văn hóa người Thái vùng đất này.
Theo ông Biến, ngày trước nhiều đội văn nghệ không biết và cũng không thể hiện được hết các điệu xòe cổ. Khi đó, ông đã được chính quyền địa phương mời đến đề truyền dạy cho lớp trẻ.
Cuốn hút điệu xòe.
Nhận thấy việc này là quan trọng, ông Biến nhiệt tình truyền dạy cho đội văn nghệ của vùng quê của mình. Đến nay cả 7 xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ đều có đội văn nghệ, lúc nào cũng có thể phục vụ khách du lịch. Trong đó, 6 điệu xòe cổ trên đội văn nghệ nào cũng biểu diễn thuần thục, thậm chí được coi là mũi nhọn.
“Nhờ những hoạt động tích cực của các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở đã góp phần gìn giữ, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Thái nơi đây. Điển hình là đội văn nghệ bản Đêu - xã Nghĩa An hay đội văn nghệ bản Tông Pọng - phường Tân An, đội văn nghệ bản Cang Nà - phường Trung Tâm...” - nghệ nhân Lò Văn Biến nói.
Mỗi bước chân ở Mường Lò, Nghĩa Lộ là một trải nghiệm khó quên. Và vui. Và say. Vui say trong tiếng hát của những điệu xòe đẹp như cổ tích: “Ly rượu đầy như tấm lòng không bao giờ vơi/ Anh có muốn làm quen/ Anh hãy uống cạn ly này/ Một ly là để em chào/ Hai ly là để làm quen/ Em không biết hát/ Em hát không hay/ Em vẫn hát mời anh ly rượu này/ Đừng sợ say, đây đôi tay ngà, chén em dâng đầy/ Mai xa rồi, trăng Mường Lò, anh mang về theo…”.
Đến Mường Lò, bạn đừng quên thưởng thức những đặc sản nổi tiếng: xôi ngũ sắc, rêu nướng, rêu hấp, “nhứa xổm” (nem chua), “pà” (thịt tái chua), “nhứa giảng” (thịt sấy hay còn gọi là thịt hun khói), “pỉnh tộp” (cá chép nướng), “lượt tả” (tiết canh), “nhứa mản” (thịt xiên nướng), “nhứa pỉnh phặc phằm” (thịt băm gói lá dong nướng), “côống sượng” (lạp sường), “cỏi nhứa mu” (gỏi thịt lợn), “rốik mu” (rồi lợn), “hắm pết” (tiết canh vịt)... Đó đều là những món ăn rất độc đáo, mỗi món có vị ngon riêng. |