Hấp dẫn Tây Nguyên

Bá Anh - Tuấn Nguyên 24/03/2017 10:35

Tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển” vừa diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa phong phú, hấp dẫn. Đây là dịp để những giá trị kinh tế, văn hóa Tây Nguyên lan tỏa…

Mùa cà phê chín.

Cụ thể, chuỗi sự kiện với nhiều hoạt động lớn như: Trưng bày chuyên đề lịch sử Cồng chiêng Tây Nguyên, Triển lãm chuyên ngành cà phê, Hội thảo về Phát triển cà phê Việt Nam, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên, Hội đua voi và đua thuyền độc mộc ở hồ Lắk, Thi đẽo tượng gỗ dân gian, Thi nhà nông đua tài, Thi ảnh nghệ thuật chủ đề cà phê và cồng chiêng...

Việc tổ chức Lễ hội lần này là nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột với bạn bè trong nước và quốc tế; nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời sẽ giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh và mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội cho các tỉnh Tây Nguyên.

Lễ hội đường phố

Chiều 10/3, trên các trục đường lớn của TP. Buôn Ma Thuột diễn ra lễ hội đường phố với chủ đề “Cà phê - Sức sống đại ngàn từ mạch nguồn văn hóa”. Tham gia lễ hội đường phố lần này có hơn 3.000 diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân, nông dân, doanh nhân, học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức…

Với trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, các đoàn diễu hành và biểu diễn nghệ thuật khởi hành từ Ngã Sáu rồi qua các ngả đường lớn như Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo, Trường Chinh, Phạm Hồng Thái, Lê Duẩn, Quảng trường 10-3 ở TP Buôn Ma Thuột.

Các tiết mục biểu diễn tập trung phản ánh hoạt động lao động sản xuất, đời sống, nét văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến việc gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, sản xuất, chế biến cà phê và truyền tải giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản Văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận từ năm 2005…

600 nghệ nhân tham gia Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

Liên hoan văn hóa Cồng chiêng năm 2017 với chủ đề “Bản sắc trong thế giới hội nhập” diễn ra tối 11/3.

Sau tiếng gọi của già làng “Hỡi buôn sang”, các cô gái dân tộc Ê Đê nhảy múa bên hũ rượu cần để mời rượu, các chàng trai diễn tấu chiêng bài “chi ri ria” để mở hội tưng bừng. Người Jơ Ra của đoàn tỉnh Gia Lai tiếp diễn tấu chiêng điệu “Mừng lúa mới” và người Bana diễn tấu bài “Tạ ơn”.

30 nghệ nhân đoàn Đắk Lắk hô vang rộn rã trong tiếng chiêng “Vui đón khách” và “Giữ khách ở lại chơi cùng”...

Thông qua 6 hoạt động thu hút gần 600 nghệ nhân, nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia, Liên hoan mang lại nhiều sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao về văn hoá, góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đúng như bà H’Yim Kđoh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhận xét: Các dân tộc Tây Nguyên có di sản văn hóa cồng chiêng vẫn thường xuyên tổ chức lễ hội, nghi lễ, sự kiện văn hóa nghệ thuật và không thể thiếu được tiếng chiêng trong những ngày này.

Tiếng chiêng là sức sống mãnh liệt, trường tồn như người dân Tây Nguyên, là nơi có cái gió, có cái nắng, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc. Các nghệ nhân đến với Liên hoan được học hỏi, giao lưu, đoàn kết và kế thừa những nét đẹp truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc

Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên 2017, ngày 12/3, tại huyện Lắk (Đắk Lắk) đã khai mạc lễ hội đua voi và thuyền độc mộc.

Đây là một lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm nhằm giới thiệu tìm những tiềm năng văn hóa du lịch sinh thái của tỉnh, tôn vinh giá trị văn hoá của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung và nổi bật là truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi rừng cũng như làm thuyền độc - một di sản văn hoá của huyện Lắk.

Đua voi.

Tại buổi khai mạc, ông YBang Hđơk- Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết, đây là lần thứ 2 tổ chức lễ hội đua voi và đua thuyền độc mộc nhằm giới thiệu đến người dân, khách du lịch trong nước và quốc tế hình ảnh voi Tây Nguyên nói chung.

Năm nay, tham gia lễ hội đua voi trên cạn có 13 con voi chia làm 3 vòng thi. Kết thúc cuộc thi, giải Nhất thuộc về voi số 1 của nài voi Y Ksen (huyện Lắk), giải Nhì thuộc voi số 4 - M tâu, giải Ba thuộc voi số 10 - nài voi H Mông Sen, 2 giải Khuyến khích thuộc về voi số 9 và số 13 của nài voi Na Ploh, Kam Fan. Đối với nội dung voi bơi, giải Nhất thuộc về voi Kăm Făm, giải Nhì thuộc về Thông Răng và giải Ba thuộc về Y’Gah.

Ở nội dung đua thuyền độc mộc, có đua thuyền độc mộc 2 vận động viên, 4 vận động viên và 5 vận động viên. Hội đua thuyền độc mộc thu hút sự tham gia của 20 thuyền đua và gần 100 vận động viên.

Kết quả, giải Nhất toàn đoàn đua thuyền độc mộc được trao cho đội buôn Jun, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk), giải Nhì toàn đoàn được trao cho đội buôn Lê, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk), giải Ba toàn đoàn thuộc về đội đua của Công ty đường mòn Cao Nguyên.

Thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên

Một hoạt động tôn vinh bản sắc văn hóa Tây Nguyên thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và du khách đó là Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên năm 2017. Năm nay, Hội thi đã thu hút 71 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên và Quảng Nam, Khánh Hòa tham gia.

Các nghệ nhân thi tạc tượng bằng hình thức điêu khắc, chạm trổ trên gỗ, mô tả cảnh sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của con người Tây Nguyên, về thế giới tự nhiên, động vật, muông thú… xoay quanh chủ đề “Văn hóa, nghệ thuật, con người Tây Nguyên”.

Tạc tượng gỗ.

Sau 5 ngày thi tài (từ ngày 8 đến ngày 13/3), 71 nghệ nhân đã chế tác nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, sáng tạo phản ánh chân thực đời sống, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Kết quả, giải Nhất thuộc về tác phẩm “Gấu bẻ măng” của nghệ nhân trẻ Y Ân Byă, sinh năm 1991, tỉnh Đak Nông.

Giải Nhì thuộc về 2 tác phẩm “Thầy cúng và người đàn bà phụ cúng” của nghệ nhân Y Thái Êban, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk và tác phẩm “Đôi vợ chồng” của nghệ nhân Ksor Krôh, tỉnh Gia Lai.

Giải Ba được trao cho các tác phẩm “Ông già vác xà gạt” của nghệ nhân Y Đhok Adrơng, tỉnh Đắk Lắk; “Tượng nhà mồ” của nghệ nhân Bo Bo Huân, tỉnh Khánh Hòa và “Men say” của nghệ nhân Trần Quốc Toản, tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 10 giải Khuyến khích, 4 giải phụ cho các nghệ nhân tham gia hội thi. Các tác phẩm tham dự hội thi được lưu giữ tại Khu du lịch Sinh thái và Cộng đồng Ko Tam để phục vụ người dân và du khách tham quan thưởng lãm.

Thông qua Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên năm 2017, nghệ nhân các dân tộc giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, quảng bá giới thiệu nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình; đồng thời góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Hẹn ngày gặp lại

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 đã khép lại bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Buôn Ma Thuột- hẹn ngày gặp lại”. Ông Nguyễn Hải Ninh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, sau gần một tuần diễn ra sôi nổi, ấn tượng, đậm đà bản sắc Tây Nguyên, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa-Phát huy bản sắc-Liên kết phát triển” đã đạt được mục tiêu đề ra và thành công ngoài mong đợi.

Trong thời gian diễn ra lễ hội và liên hoan, người dân tích cực tham gia với vai trò là chủ thể lễ hội đã thực sự trở thành ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên, qua đó, thu hút gần 25.000 lượt du khách, trong đó có 3.000 du khách quốc tế.

12 hoạt động chính của lễ hội đều có ý tưởng độc đáo, tạo dấu ấn đặc sắc. Tại lễ bế mạc, Bộ VHTT&DL đã tặng bằng khen cho 6 tập thể; Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk trao bằng khen cho 9 tập thể và 6 cá nhân đã có thành tích xuất sắc tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.

T.Hà

Tái dựng Lễ kết nghĩa anh em của đồng bào Êđê

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017, ngày 11/3, tại buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột), Ban tổ chức đã tiến hành phục dựng Lễ kết nghĩa anh em của đồng bào Êđê.

Lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Êđê nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt giữa cộng đồng các dân tộc. Người Êđê trân trọng và giữ gìn qua nhiều thế hệ, việc làm này hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi.

Nghi lễ này mang ý nghĩa tốt đẹp, mong muốn mọi người sống chan hòa, gắn bó với nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn để xây dựng buôn làng ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Để thực hiện nghi lễ kết nghĩa anh em, lễ vật gồm có 1 cây nêu, 5 ché rượu cần, 1 con heo, 1 con gà trống, 3 chiếc vòng, khăn thầy cúng, bộ cồng chiêng, trống, 1 xô nước. Những người tham dự lễ là họ hàng, người thân của hai người kết nghĩa với nhau và dân làng.

Theo truyền thống, người được kết nghĩa phải có mặt tại buổi lễ từ khoảng 5h sáng để chủ nhà mổ heo và chuẩn bị buộc ché rượu (khi người được kết nghĩa chưa có mặt thì chủ nhà không được làm bất cứ việc gì). Người lớn tuổi nhất trong dòng họ sẽ đóng vai trò chủ lễ buổi kết nghĩa…

Nghi lễ này mang ý nghĩa tốt đẹp, mong muốn mọi người sống chan hòa, gắn bó với nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn để xây dựng buôn làng ngày càng ấm no.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hấp dẫn Tây Nguyên