Ngày 10/4, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán. Theo đó, Việt Nam sẽ xuất khẩu gạo trở lại và ngay trong tháng 4/2020 sẽ thông quan khoảng 400.000 tấn.
Vụ đông xuân năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long được mùa, được giá lúa.
Để không ảnh hưởng tới an ninh lương thực, hay thiếu gạo, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai phương án xuất khẩu gạo. Việc xuất khẩu gạo cũng phải đảm bảo quyền lợi của người nông dân, doanh nghiệp và giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tại cuộc họp ngày 23/3 với Chính phủ, Bộ Công thương đã đề xuất dừng xuất khẩu gạo tới cuối tháng 5 để đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng chỉ một ngày sau, Bộ này lại đề nghị Chính phủ cho tiếp tục xuất khẩu gạo. Trên thực tế, việc dừng xuất khẩu gạo đột ngột đã khiến các doanh nghiệp và người nông dân rơi và thế khó. Báo cáo Thủ tướng ngày 6/4, Bộ Công thương tiếp tục đề nghị cho xuất khẩu 800.000 tấn gạo trong tháng 4 và 5 sau khi tính toán kỹ. Tiếp đó, ngày 8/4, Bộ Tài chính lại đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường (cấp thấp) đến hết ngày 15/6 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch giao chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020.
Như vậy, xung quanh việc dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo, trên cơ sở lắng nghe và cân nhắc kỹ lưỡng đề nghị của các Bộ, ngành, Tổng Công ty lương thực 2 miền Nam - Bắc, cũng như đề xuất từ các chuyên gia hàng đầu về nông sản, đại diện doanh nghiệp, cùng mong muốn từ người nông dân, ngày 10/4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại.
Với ngành nông nghiệp, điều đáng khích lệ là trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành là một số mặt hàng nông sản xuất khẩu vẫn có giá trị tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gạo và sắn là hai mặt hàng tăng cả lượng và giá trị xuất khẩu trong hai tháng qua. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 890.000 tấn (tăng 27%); đạt giá trị 410 triệu USD (tăng 32,6%). Bên cạnh đó, xuất khẩu sắn đạt 130.000 tấn (tăng 40,1%); giá trị đạt 27 triệu USD (tăng 69,8%). Xuất khẩu lâm sản chính cũng tiếp tục tăng cao, trong đó xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 1,53 tỷ USD và mây tre, cói, thảm đạt 84 triệu USD (tăng lần lượt 10,1% và 24,2% so với cùng kỳ năm 2019).
Cùng với đó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 luôn được Bộ NNPTNT chú trọng. Về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Việt-Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, Bộ NNPTNT chú trọng thị trường trong nước và tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu, trong đó, đặc biệt chú trọng 5 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Song song với đó, Bộ đẩy mạnh các giải pháp ứng phó tốt với thiên tai, hạn mặn. Tái cấu trúc lại nền nông nghiệp, tổ chức lại nền sản xuất bằng nhiều giải pháp khác nhau. Tuyên truyền cho người dân về sản phẩm Việt Nam luôn an toàn... Bộ NNPTNT cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Bộ NNPTNT đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản năm 2020 đạt 42 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD.
Trở lại lợi thế xuất khẩu gạo của Việt Nam, có thể thấy gạo Việt đang có những cơ hội riêng để đẩy mạnh xuất khẩu. Trước hết là việc một trong những đối thủ lớn nhất của gạo Việt Nam là Thái Lan, đang gặp nhiều khó khăn về nguồn cung cũng như khả năng cạnh tranh. Do bị thiếu nước trên diện rộng dẫn tới phải thu hẹp diện tích vụ lúa phụ, sản lượng gạo Thái Lan năm nay dự báo sẽ giảm xuống còn 18 triệu tấn, là mức thấp thứ 2 trong vòng 10 năm qua. Truyền thông Thái Lan dẫn lời ông Chookiat Ophaswongse- Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Thái Lan cho biết, trong cả năm nay, Thái Lan chỉ có thể xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gạo.
Nói về sức mạnh cũng như giá trị của hạt gạo Việt Nam, có thể dẫn chứng: Khi nghe tin Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo (ngày 23/3/2020), thì ngày 24/3, Hiệp hội Các nhà buôn Hong Kong đã gửi thư tới Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Ngày 26/3, Bộ trưởng Tài chính Philippines đã điện cho Bộ trưởng NNPTNT Việt Nam. Ngày 27/3 Úc đã điện gửi Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Việt Nam đều muốn nhập khẩu gạo và cam kết là thị trường ổn định trong giao thương.
Về phía Hàn Quốc cũng đang cân nhắc khả năng mời thầu đợt tháng 5 tới đây, với lượng nhập khẩu dự kiến là 50% tổng hạn ngạch hơn 55.000 tấn gạo dành cho Việt Nam năm nay… Điều đó cho thấy, nhiều nước bị Covid-19 làm xáo trộn, chưa chuẩn bị kịp nguồn lương thực dự trữ lâu dài. Đây là cơ hội tốt cho lúa gạo Việt Nam tính toán xuất khẩu và chủ động mặc cả về giá với khách hàng hợp đồng mua...
Ngoài ra, Việt Nam còn có một lợi thế, là với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020, việc tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU dành cho Việt Nam, sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp bất lợi trong cạnh tranh và mở rộng thị trường gạo cao cấp này.
Cùng với gạo, nông nghiệp Việt cũng đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất ngay thời điểm này là để đến khi dịch lắng xuống sẽ tận dụng tốt nhất cơ hội từ các thị trường. Nói như Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thì nếu làm được việc này sẽ đảm bảo được mục tiêu kép, là giữ vững ổn định an ninh lương thực, cung ứng đủ thực phẩm cho 100 triệu dân, đồng thời chuẩn bị đủ điều kiện để khi có thời cơ là có thể bứt tốc.